1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

“Mỹ sẽ đứng về phía Nhật trong tranh chấp ở Hoa Đông”

(Dân trí) - Trong chuyến thăm Nhật Bản hôm qua 3/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định, chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ giữ nguyên cam kết bảo vệ Nhật Bản với tư cách một đối tác theo hiệp ước, báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết.


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong cuộc gặp hôm 3/2 với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo. (Ảnh: AFP)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong cuộc gặp hôm 3/2 với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo. (Ảnh: AFP)

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong cuộc hội đàm vào hôm qua với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng cho biết, cam kết phòng vệ chung cũng được mở rộng với quần đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở biển Hoa Đông mà Tokyo gọi là Senkaku, Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.

“Tôi không muốn có bất cứ sự hiểu lầm nào trong giai đoạn chuyển giao chính quyền ở Mỹ, chúng tôi chắc chắn 100% sẽ vai kề vai với chính phủ và người dân Nhật Bản. Tôi muốn đảm bảo rằng Khoản 5 trong hiệp ước quốc phòng chung hiện nay vẫn được giữ nguyên như 1 năm trước, hay 5 năm trước, 1 năm tới hay thậm chí 10 năm tới”, Bộ trưởng Mattis nói.

Theo Khoản 5 trong hiệp ước phòng vệ chung, lực lượng của Mỹ và Nhật Bản sẽ phối hợp đáp trả bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào lãnh thổ do Nhật Bản kiểm soát.

Phát biểu sau cuộc hội đàm riêng với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cũng tái khẳng định cam kết này.

Zhou Yongsheng, giáo sư Viện quan hệ quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nhận định: “Tuyên bố Senkaku/Điếu Ngư cũng thuộc diện theo Khoản 5 (cam kết phòng vệ chung Mỹ - Nhật) là dấu hiệu cho thấy chính quyền của Tổng thống Trump sẽ tiếp tục chiến lược xoay trục sang châu Á từ thời chính quyền tiền nhiệm, và đó là tin xấu cho Bắc Kinh. Điều này có nghĩa là chính quyền Tổng thống Trump sẽ không chỉ thừa hưởng chiến lược xoay trục sang châu Á mà thậm chí còn đưa nó lên một tầm mới”.

Chiến lược xoay trục sang châu Á của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama được coi là một trong những nỗ lực của Washington nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực.

Minh Phương

Tổng hợp