1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ nói Nga gặp thách thức với chiến thuật mưa hỏa lực ở tiền tuyến Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới chức Mỹ và Kiev chỉ ra một số dấu hiệu cho thấy Nga có thể đang đối mặt với thách thức để duy trì chiến thuật "mưa hỏa lực" ở khu vực tiền tuyến khốc liệt tại Ukraine.

Mỹ nói Nga gặp thách thức với chiến thuật mưa hỏa lực ở tiền tuyến Ukraine - 1

Pháo TOS-1A của Nga khai hỏa (Ảnh: Roe.ru).

Khi chiến dịch quân sự của Nga đã bước sang tháng thứ 11, các quan chức Mỹ và Ukraine nhận định, hỏa lực pháo binh của Nga tại tiền tuyến đã giảm đáng kể so với thời kỳ cao điểm trước đó, ở một số nơi lên tới 75%.

Hiện Mỹ và Ukraine chưa thể giải thích chính xác động thái của Nga. Nga có thể đang hạn chế đạn pháo do nguồn cung giảm sút trong một cuộc chiến tiêu hao, hoặc Moscow đang điều chỉnh lại chiến thuật để phù hợp với tình hình trên thực địa.

Tuy nhiên, Mỹ cho rằng, sự sụt giảm đáng kể về hỏa lực pháo binh là bằng chứng nữa Nga có thể đang gặp thách thức trong lĩnh vực mà họ vốn áp đảo trong gần một năm qua trước đối thủ. Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh Ukraine vẫn đang tiếp tục được phương Tây tăng cường hỗ trợ để đối phó chiến dịch của Moscow.

Nga tuyên bố đẩy nhanh tốc độ sản xuất quốc phòng để cung ứng kịp vũ khí ra chiến trường. Mỹ trước đó nhận định, tốc độ sử dụng đạn pháo của Nga đang vượt quá khả năng sản xuất của Moscow trong nước. Washington ước tính, Nga trong thời gian qua sử dụng khoảng 20.000 quả đạn pháo mỗi ngày - mức được xem là không bền vững trong một cuộc chiến dài hơi. Mặc dù vậy, con số này vẫn ít hơn rất nhiều so với ước tính của Ukraine về lượng đạn pháo Nga sử dụng hồi giữa năm ngoái: 60.000 quả/ngày.

Ngoài ra, Nga cũng phải đối mặt với các thách thức khác trên chiến trường khi Ukraine tăng cường sử dụng hỏa lực chính xác cao như HIMARS phá hủy kho vũ khí của Moscow.

Nga nhiều lần khẳng định rằng họ vẫn có đủ vũ khí để duy trì chiến dịch quân sự ở Ukraine, nhưng Mỹ trước đó cho biết, Nga đã phải sử dụng các loại đạn pháo có tuổi đời 40 năm.

Siêu pháo thần sấm Nga dùng chiến thuật hỏa lực di động tập kích Ukraine

Ngoài lý do thiếu đạn dược, việc Nga giảm sử dụng đạn pháo có thể là do chiến lược của nước này.

Từ trước tới nay, Nga thường theo đuổi học thuyết quân sự, sử dụng pháo binh bắn dồn dập như "mưa hỏa lực" vào một khu vực để bao vây và đẩy đối thủ rút lui, cũng như gây tổn thất nghiêm trọng cho phía còn lại. Nga đã thành công với chiến thuật này ở các điểm nóng như Mariupol và Melitopol trước đó.

Tuy nhiên, sau khi tướng Sergey Surovikin lên nắm quyền chỉ huy chiến dịch quân sự, ông có thể đã có sự điều chỉnh về chiến thuật để phù hợp với tình hình trên thực địa.

Một quan chức Mỹ nói với CNN rằng, Nga không giảm lượng đạn pháo sử dụng trên toàn mặt trận. Vẫn có những ngày họ bắn ra lượng lớn hỏa lực, đặc biệt ở các khu vực Ukraine đã dựng thành trì kiên cố trong nhiều năm qua như ở Bakhmut và Kreminna ở Donbass.

Ukraine hiện đang sử dụng 4.000-7.000 quả đạn pháo mỗi ngày nhưng họ cũng đối mặt với rủi ro bị cạn kiệt nguồn lực. Ukraine đã sử dụng phần lớn kho đạn 152mm theo chuẩn Liên Xô cũ và đang đồng thời phải phụ thuộc vào đạn 155mm theo chuẩn NATO.

Về lý thuyết, Nga vẫn đang có lợi thế hơn Ukraine về tiềm lực quân sự. Kho đạn pháo của Moscow vẫn nhiều áp đảo so với đối thủ. Đây là một lợi thế của Moscow trong cuộc chiến tiêu hao với đối thủ. Nếu Nga thực sự điều chỉnh chiến thuật để giảm lượng đạn pháo bắn ra, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả tác chiến, Ukraine có thể sẽ đối mặt với thách thức trong thời gian tới.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine