Mỹ nhắc lại mục tiêu khi hỗ trợ Ukraine đối phó chiến dịch quân sự của Nga
(Dân trí) - Đại diện chính phủ Mỹ khẳng định mục đích của Washington trong việc hỗ trợ Ukraine đối phó chiến dịch quân sự của Nga vẫn không thay đổi trong suốt hơn 4 tháng qua.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, cách tiếp cận của Mỹ với cuộc khủng hoảng Ukraine không thay đổi và họ đang nỗ lực cho mục tiêu giúp Kiev đạt được vị thế có lợi hơn trong các cuộc đàm phán có thể xảy ra trong tương lai với Nga.
Bà Jean-Pierre cũng nhắc lại quan điểm của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng: "Sẽ không có cuộc trao đổi nào về Ukraine mà không có Ukraine tham gia".
"Điều chúng tôi đã và đang cố gắng làm trong hơn 4 tháng qua là nhằm đảm bảo sự hỗ trợ mà chúng tôi cung cấp sẽ trao cho Ukraine vị thế mạnh mẽ nhất để nếu đàm phán với Nga diễn ra, Kiev có thể tận dụng điều này. Cách tiếp cận của chúng tôi không thay đổi. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Chúng tôi sẽ giúp Ukraine đấu tranh cho nền dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ của họ", quan chức Mỹ cho hay.
"Chúng tôi đã nói trong nhiều tháng rằng cuộc giao tranh ở Donbass có thể kéo dài. Đó là điều mà chúng tôi đã nói từ lâu, và cả hai bên sẽ đều được hoặc mất. Điều đó không có nghĩa là người Nga có thể đạt được mục tiêu của họ và điều đó không có nghĩa là người Ukraine đã ngừng chiến đấu", bà nói.
Hiện Nga đã kiểm soát hầu hết lãnh thổ Donbass ở miền Đông nhờ áp đảo về hỏa lực so với đối thủ.
Ngày 24/2, Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine với mục tiêu phi phát xít hóa và phi quân sự hóa nước láng giềng. Phương Tây sau đó đã tích cực chuyển vũ khí và thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ USD cho Kiev.
Đàm phán Nga - Ukraine đã diễn ra vài vòng trực tiếp trước đó, tuy nhiên tới nay đã bị đình trệ trong vài tháng qua.
Ukraine hôm 4/6 tuyên bố Kiev sẽ không lợi ích gì khi đàm phán với Nga cho tới khi lực lượng Moscow bị đẩy lùi càng xa càng tốt về biên giới 2 nước.
Trước đó, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo Ukraine về kịch bản Kiev có thể mất "chủ quyền quốc gia" nếu từ chối đàm phán với Moscow.
Ông Medvedev cũng cáo buộc NATO, Mỹ và EU đang cản trở một giải pháp hòa bình về tình hình ở Ukraine. "Nếu không phải vì lập trường của họ, chúng tôi đã đi đến một thỏa thuận", ông Medvedev nói.