Mỹ ngầm buộc UAE chọn giữa tiêm kích F-35 và mạng 5G Trung Quốc
(Dân trí) - Mỹ được cho đang gián tiếp gây áp lực lên các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) để từ bỏ việc hợp tác 5G với tập đoàn Huawei hoặc đối mặt với rủi ro thương vụ mua tiêm kích F-35 có thể bị hủy bỏ.
Theo Eurasian Times, Mỹ được cho đang đưa UAE vào thế khó khi ngầm buộc quốc gia Trung Đông phải lựa chọn giữa đồng minh truyền thống ở phương Tây và mối quan hệ đối tác kinh tế quan trọng với Trung Quốc.
Mỹ dường như muốn UAE phải loại bỏ dự án xây dựng cơ sở hạ tầng 5G với tập đoàn viễn thông Huawei hoặc thương vụ mua tiêm kích F-35 với Washington sẽ đối mặt với nguy cơ bị hủy bỏ.
Trước đó, UAE đã trở thành quốc gia Vùng Vịnh đầu tiên bình thường hóa quan hệ với Israel và đổi lại, họ đạt được thỏa thuận với chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump về thỏa thuận 23 tỷ USD mua 50 tiêm kích F-35 và máy bay không người lái MQ-9B Reaper. Dự kiến, các máy bay này sẽ được bàn giao trong năm 2026-2027.
Tuy nhiên, việc Mỹ không muốn UAE hợp tác với Huawei không phải là chủ đề mới mẻ, theo Bloomberg. Từ thời chính quyền Trump, Mỹ đã thúc đẩy UAE xem xét đối tác thay thế Huawei, tập đoàn vốn bị Mỹ cáo buộc gây ra rủi ro an ninh vì có quan hệ với quân đội Trung Quốc.
Mặc dù vậy, UAE vẫn tiếp tục hợp tác với Huawei để triển khai mạng 5G tại quốc gia này nhằm đạt được lợi thế về công nghệ trong khu vực.
Theo các nguồn thạo tin, Mỹ được cho đang đặt ra cho UAE thời hạn 4 năm, trước thời điểm giao các máy bay quân sự, để đảo ngược việc hợp tác với Huawei trong xây dựng mạng viễn thông. Các nguồn tin cũng nói rằng, phía UAE dường như cho rằng đây là khoảng thời gian quá ngắn và đã yêu cầu Washington cho họ thêm thời gian để có thể tìm giải pháp thay thế khả thi và giá cả phải chăng cho Huawei.
Trước đó, Mỹ từng kêu gọi Anh từ bỏ dự án 5G của Huawei và London đã cho các nhà viễn thông nước này hạn chót tới năm 2027 để tìm nhà cung cấp thay thế.
Rủi ro an ninh
Theo Eurasian Times, Mỹ dường như lo ngại về viễn cảnh các công nghệ quân sự của họ có thể bị phía Trung Quốc tiếp cận thông qua hoạt động hợp tác với UAE. Mỹ từng nhiều lần cáo buộc Huawei đã do thám và thu thập thông tin tình báo cho chính phủ Trung Quốc, thông tin mà cả Huawei và Bắc Kinh đều mạnh mẽ bác bỏ.
UAE là một trong những đồng minh chiến lược quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực. Washington đặt 2 căn cứ tại khu vực này nhằm hướng tới khu vực trọng yếu là eo biển Hormuz và khu vực Trung Đông.
Trong khi đó, UAE đang hướng tới việc đa dạng hóa nền kinh tế vốn trước đó phụ thuộc chủ yếu vào dầu mỏ. Họ muốn xây dựng các thành phố công nghệ cao thế hệ kế tiếp. Để đạt được mục tiêu đó, UAE trong những năm qua cũng có động thái nâng cao quan hệ với Trung Quốc trong lĩnh vực hợp tác về thương mại, kinh tế, công nghệ.
Trung Quốc hiện đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của UAE và quốc gia Trung Đông cũng tham gia vào sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Bắc Kinh.
Khi nghe thông tin về các áp lực chính trị từ phía Washington, Trung Quốc tuyên bố rằng quan hệ giữa họ và UAE phục vụ lợi ích chung của 2 bên và Bắc Kinh sẽ "không dung thứ cho sự can thiệp của bên thứ 3".