1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ ra điều kiện cấm UAE cho Trung Quốc tiếp cận "chim sắt" tối tân F-35

Thanh Thành

(Dân trí) - Mỹ đang nỗ lực tìm cách bảo mật tuyệt đối trong vụ bán vũ khí trị giá 23 tỷ USD cho Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), trong bối cảnh nước này đẩy mạnh hợp tác an ninh với Trung Quốc.

Mỹ ra điều kiện cấm UAE cho Trung Quốc tiếp cận chim sắt tối tân F-35 - 1

Tiêm kích tối tân F-35 của Mỹ (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Trong những tuần gần đây, các cơ quan gián điệp của Mỹ đã tăng cường theo dõi khi 2 máy bay của quân đội Trung Quốc đáp xuống một sân bay ở UAE và bốc dỡ các thùng vật liệu chưa được xác định.

Những chuyến bay vận tải như thế này, cùng các dấu hiệu tăng cường hợp tác an ninh khác giữa Trung Quốc và UAE, một đồng minh lớn của Nhà Trắng ở Vùng Vịnh, đã khiến các quan chức Mỹ cảnh giác và lo ngại về thương vụ bán vũ khí tối tân trị giá hàng chục tỷ USD cho UAE.

Hồi tháng 4, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thông báo về thương vụ vũ khí này, trị giá 23 tỷ USD, gồm 5 tiêm kích F-35, 18 máy bay không người lái (UAV) Reaper và các loại vũ khí tối tân khác. Tất cả đều được thông qua trong những giờ phút cuối cùng nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, mối quan hệ nồng ấm giữa Bắc Kinh và Abu Dhabi đang phủ bóng lên thương vụ này, khiến Washington phải đang nỗ lực đảm bảo độ bảo mật, để công nghệ quân sự mới nhất trong hợp đồng để công nghệ không rơi vào tay Bắc Kinh hay bất kỳ quốc gia nào khác. Báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc được Lầu Năm Góc công bố năm ngoái nhận định Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ xây dựng căn cứ ở UAE trong tương lai gần.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Cận Đông dưới thời ông Trump, David Schenker, cho biết: "Việc chuyển giao F-35 - viên ngọc quý trong kho vũ khí của Mỹ - cho thấy mức độ tin tưởng của Washington đối Abu Dhabi". Vì vậy, theo ông "còn nhiều việc cần phải làm trước khi các hệ thống này được bàn giao".

Theo thỏa thuận, F-35 - tiêm kích tối tân nhất của Mỹ - sẽ được bàn giao cho UAE sớm nhất là vào năm 2027. Các quan chức của tiểu vương quốc này đã nỗ lực trấn an Mỹ, viện dẫn mối quan hệ hợp tác an ninh lâu dài giữa hai nước.

"UAE lâu nay vẫn luôn nhất quán trong việc bảo vệ công nghệ quân sự của Mỹ, cả trong liên quân do Washington dẫn đầu cũng như tại UAE, nơi Mỹ đã triển khai nhiều khí tài quân sự nhạy cảm suốt nhiều năm qua", Đại sứ UAE tại Mỹ Yousef Otaiba khẳng định.

Trung Quốc hiện chưa có động thái gì về vụ việc này, trong khi một số quan chức ở Bắc Kinh liên tục nói về kế hoạch tăng cường niềm tin, mở rộng quan hệ hợp tác với UAE. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2020 về tham vọng quân sự của Trung Quốc, UAE là nơi Bắc Kinh sẽ nhắm đến đề xây dựng một căn cứ hậu cần quân sự. Một số quan chức quốc phòng cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ xây một căn cứ hải quân ở UAE và các báo cáo tình báo khác cũng cho thấy Bắc Kinh đã thảo luận về việc cử hàng trăm binh sĩ tới quốc gia Trung Đông này.

Mặc dù quyết định tiếp tục bán F-35 và máy bay không người lái cho UAE, giới chức Mỹ cho biết vẫn đang tìm cách đàm phán lại các điều khoản trong thỏa thuận. Các điều khoản ban đầu đạt được dưới thời Tổng thống Trump. "Quan điểm chung của chúng tôi là, nếu họ mua vũ khí quân sự từ một chính phủ khác thì họ sẽ quyết định cách thức và thời điểm sử dụng vũ khí đó", một quan chức Mỹ giấu tên cho biết.

Nhưng trong cuộc đàm phán với UAE, quan chức trên cho hay Washington đã bổ sung 3 điều khoản: UAE phải duy trì lợi thế quân sự của Israel trong khu vực; bảo đảm các bên thứ ba, đặc biệt là Trung Quốc, không được phép tiếp cận công nghệ trên tiêm kích F-35 và UAV; và cuối cùng là không được sử dụng vũ khí này tại Yemen và Libya - những vùng chiến sự nơi các lực lượng của UAE đã tham chiến.

Một quan chức Mỹ khác cho biết, Mỹ thậm chí đã nói rõ với UAE nếu quốc gia Trung Đông này cho phép Trung Quốc xây dựng một căn cứ quân sự, thỏa thuận này sẽ bị hủy bỏ. Nhưng theo quan chức này, vấn đề là Washington và Abu Dhabi có thể sẽ không thể thống nhất là xây dựng đến mức như thế nào thì gọi là "căn cứ quân sự".