Điều gì giúp T-72 Nga bắn hạ siêu tăng Mỹ từ "phát đạn đầu tiên"?
(Dân trí) - Những tính năng được nâng cấp trên xe tăng T-72B3 của Nga đã giúp khí tài này hạ siêu tăng M1Abrams của Mỹ tại chiến trường Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 6/3 thông báo một xe tăng M1Abrams do Mỹ cung cấp cho Ukraine đã bị kíp xe tăng T-72B3 của Nga hạ ngay từ phát đạn đầu tiên. Đây là chiếc Abrams thứ 3 bị lực lượng Nga phá hủy chỉ trong vài tuần qua.
Chuyên gia quân sự Nga Alexander Bartosh cho rằng một số yếu tố chính, bao gồm cả kỹ năng và hoạt động trinh sát của kíp lái, đã góp phần giúp T-72B3 hạ siêu tăng của Mỹ trong trận đấu đầu tiên, theo Sputnik.
Theo ông Bartosh, một khía cạnh khác là các chuyên gia kỹ thuật quân sự Nga từ lâu đã nghiên cứu về các điểm yếu của xe tăng Abrams và tính toán cách thức cũng như vị trí mà T-72B3 sẽ khai hỏa.
"Cần phải tấn công vào khu vực giữa tháp pháo và thân xe Abrams, khiến xe tăng này có thể bị hư hại nghiêm trọng và không thể sửa chữa, sau đó chúng sẽ không thể chạy trên chiến trường hoặc thực hiện nhiệm vụ chiến đấu", ông Bartosh cho biết.
Chuyên gia Nga cũng chỉ ra rằng, những tính năng của T-72B3, được trang bị "pháo uy lực và thiết bị đặc biệt, giúp có thể tiêu diệt Abrams ngay từ phát đạn đầu tiên".
Ông Bartosh nhấn mạnh, khả năng tiêu diệt "những chiếc Abrams thần kỳ" chỉ bằng một phát bắn của T-72B3 cho thấy tính chuyên nghiệp của quân đội Nga và "sự bất lực của Mỹ cũng như các nước phương Tây trong việc gây nguy hiểm cho Nga".
Khi được hỏi liệu việc phá hủy chiếc Abrams thứ 3 có ảnh hưởng đến nỗ lực của phương Tây trong việc gửi thêm nhiều xe vũ trang tương tự tới Ukraine hay không, ông Bartosh nói rằng quyết tâm của các nước phương Tây "đã bị lung lay".
Thứ nhất, ông Bartosh cho rằng việc Nga phá hủy các xe tăng Abrams và Leopard là "một đòn giáng nghiêm trọng vào khả năng cạnh tranh của các công ty phương Tây".
Thứ hai, phương Tây thấy rằng thiết bị quân sự của họ được sử dụng trên chiến trường ở Ukraine không như họ mong đợi và dễ bị tổn thương.
Chuyên gia Nga nhận định, ngành công nghiệp quân sự Nga cho thấy sự vượt trội - khi nói đến cả xe tăng và máy bay - so với các thiết bị do phương Tây cung cấp của Ukraine.
Điều đáng chú ý là hai xe tăng Abrams đầu tiên đã bị lực lượng Nga phá hủy với sự trợ giúp của máy bay không người lái tự sát, vốn được sử dụng rộng rãi trong cuộc xung đột ở Ukraine.
T-72B nặng 44,5 tấn, dài 6,95m, cao hơn 2,2m với kíp chiến đấu gồm 3 người. Đây là biến thể của xe tăng huyền thoại T-72, phiên bản xe tăng chủ lực từng "làm mưa làm gió" trong quân đội Liên Xô. Sau này, Nga tiếp tục cải tiến T-72B trở thành nhiều phiên bản trong đó có T-72B3, T-90 và vẫn dùng đến ngày nay.
Phiên bản T-72B3 được cho là sở hữu sức mạnh gần ngang ngửa với siêu tăng T-90 khi được trang bị giáp phản ứng nổ Relikt, hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến và động cơ chạy bằng diesel tăng áp.
Trong khi đó, vào tháng 10/2023, Mỹ xác nhận đã cung cấp lô hàng gồm 31 xe tăng Abrams cho quân đội Ukraine với mục đích củng cố sức mạnh lực lượng bộ binh nước này. Tới ngày 25/2, dòng xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất lần đầu tiên được ghi nhận xuất hiện ở tiền tuyến Ukraine.
Tuy nhiên, tính đến nay, loại xe bọc thép này đang cho thấy năng lực không được như kỳ vọng tại chiến trường Ukraine do tính chất dễ bị tổn thương cùng những điểm yếu đã bị đối thủ khai thác được.
Abrams được đánh giá là một trong những loại xe tăng tốt nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, phiên bản viện trợ cho Ukraine không được trang bị những loại giáp hiện đại như bản của quân đội Mỹ, khiến chúng có nguy cơ tổn thương cao hơn.
Gustav Gressel, chuyên gia quân sự tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR) có trụ sở tại Đức, cho biết, sự phát triển liên tục của các loại máy bay không người lái (UAV) trong cuộc xung đột đã và đang làm thay đổi đáng kể mối đe dọa mà xe tăng Abrams phải đối mặt.
Chuyên gia này cho rằng, khi các UAV ngày càng trở nên tiên tiến, lớp giáp bảo vệ truyền thống của Abrams có thể không đủ để chống chọi các cuộc tấn công chính xác, khiến nguy cơ các siêu tăng bị phá hủy tăng cao.