Mỹ liệu có khả năng bắn hạ 4 tên lửa của Triều Tiên đồng thời?
(Dân trí) - Mỹ sẽ phải xem xét bắn hạ bất kỳ một tên lửa nào của Triều Tiên nếu chúng bị nã vào vùng biển quanh đảo Guam ở Thái Bình Dương, như Bình Nhưỡng đe dọa gần đây. Nhưng các chuyên gia của Mỹ cảnh báo rằng không có gì để đảm bảo rằng công nghệ này sẽ hoạt động trơn tru mà không có sai số.
Bình Nhưỡng ngày 10/8 đã một lần nữa đe dọa phóng tên lửa tấn công đảo Guam của Mỹ khi công bố trên truyền thông nhà nước một kế hoạch tiềm tàng nhằm phóng đồng thời 4 tên lửa Hwasong-12.
Ông Adam Mount, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, nói với CNN rằng quân đội Mỹ có thể sử dụng hệ thống phòng thủ THAAD hoặc các tàu khu trục Aegis để ngăn chặn bất kỳ tên lửa nào của Triều Tiên. THAAD là một trong những vũ khí chính của Mỹ nhằm chống lại các tên lửa tấn công.
“Nếu họ tin rằng chúng không thể tấn công lãnh thổ của Mỹ, có khả năng họ sẽ để chúng rơi xuống biển. Nhưng tôi nghĩ nghĩ họ cũng xem xét nghiêm túc về việc bắn hạ chúng”, ông Mount nói.
Nếu tên lửa rơi cách đảo 40km Guam như Triều Tiên đe dọa, theo luật của Liên Hợp Quốc, chúng có thể rơi vòng vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ mặc dù đây không phải lãnh hải.
Sau đe dọa ban đầu của Triều Tiên nhằm vào Guam, cố vấn an ninh nội địa của Guam, ông George
Chuyên gia Mount cho rằng một nỗ lực của Mỹ nhằm bắn hạ tên lửa có thể chính là điều nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mong muốn, vì nếu bắn trượt một tên lửa thì điều này có thể gây lúng túng cho quân đội Mỹ.
Charfauros, cho hay ông tin tưởng về các hệ thống phòng thủ của hòn đảo.
“Triều Tiên đã dần cải thiện các khả năng, nhưng chúng tôi rất tin tưởng vào khả năng phòng thủ của Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm bảo vệ không chỉ Guam và các khu vực lân cận mà còn cả nước Mỹ… Có vài tầng phòng thủ tên lửa đạn đạo”.
Nhưng ông Bruce Bennett, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại tổ chức nghiên cứu chính sách Rand Corporation tại Mỹ, nói với hãng tin CNN rằng Tổng thống Donald Trump là người sẽ đưa ra quyết định có kiểm nghiệm các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ hay không.
“Đó là một hệ thống thử nghiệm, chúng ta có thể đánh trúng hoặc trượt, chúng ta không biết chắc chắn. Thậm chí những người chế tạo điện thoại di động, vốn thường tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm hơn hệ thống phòng thủ THAAD vẫn thực hiện, đôi khi cũng gặp phải những chiếc điện thoại bị cháy nổ”, ông Bennett nói.
Hệ thống phòng thủ hoạt động thế nào?
Sơ đồ hoạt động của hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD Bấm vào đây để xem ảnh cỡ lớn
Mỹ và các đồng minh có hai lựa chọn phòng thủ tên lửa cơ bản để đánh chặn một tên lửa phóng từ Triều Tiên nhằm vào Guam.
Tại Hàn Quốc, một hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD được triển khai gần đây không có khả năng đánh chặn một tên lửa hướng tới Guam, nhưng có thể nhanh chóng phát hiện vụ phóng trên radar của hệ thống.
Bản thân Guam cũng được trang bị hệ thống phòng thủ THAAD riêng, có khả năng đánh chặn bất kỳ tên lửa nào nếu được phóng từ Triều Tiên hướng tới hòn đảo này.
“Hệ thống được thiết kế để ngăn chặn nhiều mục tiêu đồng thời, vì vậy đó là điều có thể thực hiện được”, ông Bennett nói.
Tuy nhiên, ông Bennett nói thêm rằng điều đó còn phụ thuộc việc tên lửa ở cách bao xa, vì tầm xa của THAAD là 200 km. “Bạn ở càng gần thì mới có thể nhấn mạnh hiệu năng của hệ thống”, ông nói.
Ngoài ra, các tàu khu trục của Mỹ được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis cũng có thể bắn hạ một tên lửa thậm chí ở tầm xa hơn, trước khi nó trở lại khí quyển trái đất.
“Mỹ có thể quyết định đặt một hệ thống Aegis gần Guam hơn nhiều để có 2 cấp độ phòng thủ, nhưng quyết định đó phụ thuộc vào Tổng thống”, ông Bennett cho hay.
Carl Schuster, một giáo sư Đại học Thái Bình Dương Hawai và là cựu giám đốc hoạt động tại Trung tâm tình báo phối hợp của Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cho hay chỉ một tàu chiến được trang bị hệ thống phòng thủ Aegis cũng có khả năng bắn hạ 2 tên lửa.
Bộ trưởng Mỹ cảnh báo chiến tranh “thảm khốc” với Triều Tiên
Vì sao Triều Tiên đe dọa phóng 4 tên lửa đồng thời?
Mỹ từ lâu vẫn tự hào về khả năng đề phòng các tên lửa vốn đe dọa lãnh thổ nước này, điều mà Triều Tiên có thể đang muốn sở hữu.
Để đáp trả các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, quân đội Mỹ đã tiến hành thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa vào tháng 5 và nhiều lần khác trong tháng 7, mặc dù một vụ thử sau đó được thừa nhận là thất bại.
Nhưng chuyên gia Mount nói rằng việc Triều Tiên đe dọa phóng nhiều tên lửa cùng lúc nhằm vào Guam có thể là một hành động cố ý nhằm khiến Mỹ gặp khó khăn về khả năng về phòng thủ tên lửa.
“Không phải ngẫu nhiên Triều Tiên đe dọa phóng 4 tên lửa, đó là một sự cố tình nhằm làm phức tạp các quyết định của giới chức Mỹ”, ông Mount nói.
Theo ông Mount, nếu bất kỳ tên lửa nào trong 4 tên lửa tầm xa này có thể vượt qua hệ thống phòng thủ của Mỹ thì đó sẽ là một thành công lớn đối với Triều Tiên.
“Nếu Mỹ cố đánh chặn các tên lửa thì họ phải đánh chặn toàn bộ chúng, vì nếu không đánh chặn được toàn bộ thì điều này sẽ cho thấy khả năng hạn chế của Mỹ… Các hệ thống này đều không hoàn hảo”, ông Mount nói.
Ông Bennett cho rằng Triều Tiên có thể hi vọng Mỹ thất bại trong việc đánh chặn, nhưng dù các hệ thống phòng thủ thất bại thì đó cũng chưa hẳn là thảm họa cho nước Mỹ.
“Đây là một hệ thống chưa từng được sử dụng để bắn hạ một tên lửa của Triều Tiên trước đó. Vì thế, nếu hoạt động lần đầu tiên mà thành công thì rất tốt. Nhưng nếu không, điều đó có nghĩa là bạn có thể đã có trục trặc hệ thống hay phần mềm gì đó, và sẽ tốt hơn khi nhận ra điều đó trong thời bình hơn là trong chiến tranh”, ông Bennett nói.
Triều Tiên ngày 10/8 cảnh báo rằng nước này đang lên kế hoạch tấn công đảo Guam, lãnh thổ hải ngoại của Mỹ và được đánh giá là tiền đồn quân sự chiến lược của Washington ở Thái Bình Dương. Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ phóng 4 tên lửa đồng thời bay qua Nhật Bản và rơi xuống vùng biển cách Guam từ 30-40km.
An Bình
Tổng hợp