Mỹ khó xử với các đề xuất của tỷ phú Elon Musk về Ukraine, Đài Loan
(Dân trí) - Các đề xuất của tỷ phú công nghệ Elon Musk để giải quyết căng thẳng ở Ukraine và Đài Loan trong thời gian qua đã khiến giới chức ngoại giao Mỹ rơi vào tình huống khó xử.
Bloomberg đưa tin, những động thái gần đây của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk đang khiến giới chức Mỹ buộc phải giải thích với các đồng minh và đối tác rằng đề xuất của ông Musk không giống với quan điểm chính thức của Washington.
Hồi đầu tháng, ông Musk cho rằng, để chấm dứt xung đột, Ukraine nên chấp nhận bán đảo Crimea thuộc Nga và đồng ý trung lập. Tuy nhiên, đề xuất này ngay lập tức vấp phải chỉ trích của Kiev.
Trong khi đó, Nga bày tỏ ý kiến hoan nghênh sáng kiến của tỷ phú Musk về cách chấm dứt xung đột đã kéo dài 7 tháng qua.
Vài ngày sau, trong cuộc phỏng vấn với Financial Times, ông Musk cho rằng, căng thẳng giữa Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan hoàn toàn có thể giải quyết được.
"Gợi ý của tôi là tìm ra một mô hình đặc khu hành chính cho Đài Loan. Đó là một đề xuất hợp lý, nhưng có thể sẽ không làm tất cả hài lòng", ông Musk nói.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương ngày 9/10 cho biết ông muốn cảm ơn ông Musk vì lời kêu gọi cho hòa hình xuyên eo biển Đài Loan và đề xuất của tỷ phú Mỹ về việc tìm ra một mô hình đặc khu hành chính cho Đài Loan. Trong khi đó, Đài Loan cho rằng ông Elon Musk "không biết nhiều" về hòn đảo.
Gần đây nhất, ông Musk cảnh báo sẽ ngừng hỗ trợ tài chính để vận hành hệ thống internet vệ tinh của Starlink ở Ukraine. Ông cho biết, công ty SpaceX của ông đã chi hàng trăm triệu USD để cung cấp internet cho Ukraine nhiều tháng qua. Ông Musk đã gửi một lá thư tới Bộ Quốc phòng Mỹ, cảnh báo sẽ ngừng tài trợ dịch vụ Starlink tại Ukraine, trừ khi nhận được khoản tiền tài trợ hàng chục triệu USD mỗi tháng từ quân đội Mỹ.
Bất chấp việc ông Musk tuyên bố Starlink chỉ dùng cho mục đích hòa bình và dân sự, trên thực tế, quân đội Ukraine đã sử dụng Internet vệ tinh này cho mục đích quân sự, bao gồm liên lạc, gửi các tin nhắn mã hóa hoặc dùng để điều khiển máy bay không người lái tấn công quân đội Nga. Thiếu công cụ liên lạc chủ chốt có thể khiến quân đội Ukraine suy giảm năng lực chiến đấu.
Các tuyên bố của ông Musk đã khiến nhiều nhà lãnh đạo các nước đồng minh và đối tác của Mỹ bất bình, nhưng lại khiến các đối thủ của Washington như Nga, Trung Quốc tỏ ra hài lòng.
Bloomberg dẫn lời một quan chức ngoại giao Mỹ cho hay, Washington nắm được thông tin về các phát ngôn của Musk và họ đã phải liên lạc với các đồng minh và đối tác để giải thích rõ ràng quan điểm rằng đề xuất của ông Musk chỉ là quan điểm của một công dân Mỹ, không phải là ý kiến của chính quyền Biden.
Tiếng nói có sức nặng
Câu hỏi được đặt ra là vì sao các tuyên bố của ông Musk lại khiến cho các đồng minh và đối tác của Mỹ lo ngại.
Trong những năm qua, việc những nhân vật nổi tiếng góp tiếng nói vào các vấn đề chính trị và đối ngoại không phải là điều hiếm gặp. Cựu ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman từng tự nhận là "bạn thân" của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và trở thành cầu nối giữa 2 bên trong một số vấn đề.
Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của ông Musk vượt xa Rodman, với khối tài sản lớn nhất thế giới. Công ty SpaceX của ông Musk đã trúng thầu các hợp đồng của Lầu Năm Góc trong các dự án vệ tinh an ninh quốc gia. Ông đặt ở nhà máy lớn nhất của Tesla Thượng Hải, Trung Quốc để sản xuất xe điện.
Thêm vào đó, ông Musk cũng đang hướng tới việc muốn mua mạng xã hội Twitter. Theo các chuyên gia, nếu sở hữu mạng xã hội khổng lồ này, ông Musk sẽ có tầm ảnh hưởng thêm mạnh mẽ khi đưa ra những phát ngôn trong tương lai.
"Starlink và Twitter có quy mô không quá lớn về mặt giá trị toàn cầu, nhưng lại có tầm quan trọng vượt trội với nhiều quốc gia và khu vực bầu cử quan trọng tại Mỹ. Điều đó có nghĩa là, các bên dường như không thể bỏ qua một cách ngây thơ các phát ngôn của ông Musk về vấn đề toàn cầu", chuyên gia Jon Bateman nói với Bloomberg.