Mỹ khẳng định sẽ không cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine
(Dân trí) - Một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ đã đưa ra câu trả lời rõ ràng về khả năng Mỹ cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vào ngày 12/5, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Karen Donfried đã nhận được câu hỏi của thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Ed Markey từ bang Massachusetts, yêu cầu bà công khai quan điểm về việc Mỹ sẽ không trở thành mối đe dọa trực tiếp với Nga và sẽ không phải là bên khai hỏa vũ khí hạt nhân trước.
Thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi thượng nghị sĩ ông Markey, bà Donfried thay vào đó khẳng định rằng Mỹ sẽ không cung cấp vũ khí hạt nhân cho Kiev.
"Mỹ không phải là một bên của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Mỹ hiện vẫn đang cung cấp các hỗ trợ an ninh và vũ khí cho quân đội Ukraine. Tuy vậy, việc Mỹ cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine chắc chắn sẽ không xảy ra", trợ lý Ngoại trưởng Donfried cho biết.
Qua câu trả lời này, bà Donfried muốn nhấn mạnh rằng Mỹ đang không tham gia vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga.
Tuy nhiên, giới chức Nga hiện đang coi Mỹ và phương Tây như là một bên trong một cuộc "chiến tranh ủy nhiệm" nhằm vào Nga, thông qua việc cung cấp vũ khí và tin tình báo cho chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Phản ứng sau khi Hạ viện Mỹ thông qua khoản viện trợ trị giá 40 tỷ USD cho Ukraine, phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng "dự luật viện trợ cho Ukraine được Hạ viện Mỹ thông qua thực chất là nhằm đánh bại Liên bang Nga cũng như hạn chế sự phát triển kinh tế và ảnh hưởng của Nga trên trường quốc tế".
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã đưa ra lời cảnh báo sẽ phản ứng một cách "nhanh gọn và chớp nhoáng" với bất kỳ sự can thiệp từ bên ngoài khiến an ninh quốc gia của ông bị ảnh hưởng.
Nga có chính sách không tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân. Tuy vậy, lực lượng hạt nhân của nước này vẫn luôn đặt trong tình trạng sẵn sàng nhằm đề phòng một tình huống giả định trong đó sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường từ phía đối phương.
Trong khi đó, Mỹ tuyên bố rằng vũ khí hạt nhân của nước này là một biện pháp răn đe, nhưng có thể được sử dụng trong "những trường hợp vô cùng nguy cấp để bảo vệ lợi ích quan trọng của Mỹ hoặc các đồng minh và đối tác".