1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ gây tranh cãi khi đưa khí tài quân sự tới Trung Đông

Thành Đạt

(Dân trí) - Chuyên gia cảnh báo xung đột leo thang khi Mỹ đưa thêm các hệ thống vũ khí tới Trung Đông giữa lúc xung đột Israel - Hamas leo thang.

Mỹ gây tranh cãi khi đưa khí tài quân sự tới Trung Đông - 1

Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD (Ảnh: Sputnik).

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 21/10 xác nhận Washington sẽ triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và "các tiểu đoàn Patriot bổ sung tới các địa điểm trên khắp Trung Đông để tăng cường bảo vệ lực lượng Mỹ".

"Sau các cuộc thảo luận chi tiết với Tổng thống Biden về những hành động leo thang gần đây của Iran và các lực lượng ủy quyền của nước này trên khắp khu vực Trung Đông, hôm nay tôi đã chỉ đạo một loạt các bước bổ sung nhằm tăng cường hơn nữa khả năng của Bộ Quốc phòng Mỹ trong khu vực. Những bước đi này sẽ đẩy mạnh nỗ lực răn đe trong khu vực, tăng cường bảo vệ lực lượng Mỹ trong khu vực và hỗ trợ phòng thủ Israel", Bộ trưởng Austin cho biết.

Bộ trưởng Austin liệt kê việc triển khai THAAD và Patriot cùng với các bước khác đã được thực hiện, bao gồm việc điều hai nhóm tác chiến tàu sân bay tới phía đông Địa Trung Hải và khu vực chịu trách nhiệm kiểm soát của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ nhằm "tăng cường" khả năng của Washington.

Các khí tài quân sự được Mỹ triển khai tới Trung Đông sau khi Israel tuyên chiến với Hamas nhằm đáp trả cuộc tấn công của lực lượng này hôm 7/10.

Cuộc khủng hoảng đã leo thang ra ngoài biên giới của Palestine và Israel, với việc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tiến hành một loạt cuộc không kích vào Syria (một đồng minh quan trọng trong khu vực của Iran) và nhắm vào nhóm chiến binh Hezbollah ở miền nam Li Băng (cũng là đồng minh của Iran) sau khi họ cảnh báo mở "mặt trận thứ hai" chống lại Israel nếu nước này tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza.

Trong tuần này, các căn cứ của Mỹ nằm rải rác ở phía đông bắc Syria, cũng như các cơ sở quân sự của Mỹ ở Iraq, liên tục bị tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV). Lực lượng dân quân Shia của Iraq được cho là có mối quan hệ chặt chẽ với Iran, quốc gia đã giúp họ huấn luyện và tổ chức lực lượng từ năm 2014 để đối phó với IS.

Thông điệp gửi Iran

Mỹ gây tranh cãi khi đưa khí tài quân sự tới Trung Đông - 2

Bản đồ các nước Trung Đông (Ảnh: Sputnik).

"Tôi nghĩ việc triển khai THAAD và các hệ thống phòng không khác cho thấy rõ ràng Mỹ đang tham gia vào cuộc chiến và sẽ hỗ trợ Israel rất mạnh mẽ cũng như bảo vệ tài sản của Mỹ trong khu vực", chuyên gia Michael Maloof nói với Sputnik.

Theo chuyên gia Maloof, Mỹ "đang mở rộng hiện diện khắp Trung Đông". Chỉ riêng xung quanh Iran đã có khoảng 35 căn cứ của Mỹ.

Chuyên gia Maloof cho rằng, các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của các nhóm vũ trang vào lực lượng Mỹ ở Syria và Iraq là dấu hiệu cho thấy sự leo thang với Iran. Ngoài ra, việc triển khai các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa có thể là nỗ lực của Washington nhằm gửi "tín hiệu" tới Tehran rằng Mỹ "sẽ hành động để chống lại các cuộc tấn công vào các khí tài của Mỹ" trong khu vực.

"Điều này diễn ra song song với cam kết mà Tổng thống Biden đã đưa ra cho Thủ tướng Israel Netanyahu rằng Mỹ sẽ "ủng hộ họ bằng mọi cách". Vì vậy, đây có thể là một thông điệp quan trọng gửi tới Iran rằng "trò chơi vẫn tiếp tục"", chuyên gia Maloof nói.

Chuyên gia Maloof nhận định, vấn đề đặt ra với chiến lược của Mỹ là Washington "chỉ phản ứng với những sự kiện trước mắt", thay vì xem xét hoặc phân tích sự leo thang trong khu vực bắt đầu như thế nào.

"Họ không xem xét nguyên nhân gây ra tất cả những điều này. Và đây cũng là điều mà mọi người không biết hoặc chỉ muốn bỏ qua vì những mối đe dọa sắp xảy ra. Một bộ trưởng Israel vừa nói rằng nếu Hezbollah tấn công từ Li Băng, Israel sẽ tấn công "đầu rắn". Họ coi "đầu rắn" là Iran. Vì vậy, cuộc chiến tiềm tàng này đang leo thang rất nhanh, đặc biệt nếu người Israel không chỉ tiến vào Gaza mà còn mở rộng cuộc chiến ở phía bắc tới Li Băng", nhà quan sát cho biết.

Chuyên gia Maloof lưu ý rằng, những hạn chế về địa lý của Trung Đông cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng cần xem xét, với việc triển khai các khí tài bổ sung của Mỹ tới khu vực và sự hiện diện của các căn cứ như trụ sở Hạm đội 5 của Mỹ ở Bahrain, ngay bên kia vùng Vịnh từ Iran, có nghĩa là trong trường hợp căng thẳng leo thang, các bên đối đầu sẽ ở "rất gần nhau".

Bình luận về tình hình tại Quốc hội Mỹ khi chính quyền Biden yêu cầu thêm viện trợ quân sự trị giá 105 tỷ USD, phần lớn là cho Ukraine và Israel, cũng như khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng đóng cửa chính phủ khác, nhà phân tích Maloof nói rằng Mỹ đang phải đối mặt với " tình hình rất tồi tệ cả trong nước và quốc tế".

"Mỹ thực sự đã đặt mình vào tình thế hỗn loạn. Chưa kể đến tình trạng hỗn loạn mà Mỹ gặp phải trong nền kinh tế khi nhanh chóng đạt tới khoản nợ 34 nghìn tỷ USD và không có cách nào để trả lại khoản nợ đó", chuyên gia Maloof cảnh báo.

Theo Sputnik
Dòng sự kiện: Chiến sự Israel - Hamas