Mỹ "đóng băng" kho tiền của Afghanistan, ngăn Taliban tiếp cận
(Dân trí) - Mỹ đã phong tỏa các tài khoản để ngăn lực lượng Taliban tiếp cận bất kỳ nguồn tài sản nào của chính phủ Afghanistan đang gửi ở Mỹ.
Washington Post dẫn một nguồn tin cho biết, chính quyền Mỹ đã "đóng băng" các tài khoản có tài sản dự trữ quốc gia của Afghanistan tại các ngân hàng Mỹ, nhằm ngăn lực lượng Taliban tiếp cận nguồn tiền của chính phủ. Quyết định này do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và các quan chức tại Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ đưa ra.
"Bất kỳ tài sản nào của Ngân hàng Trung ương mà chính phủ Afghanistan gửi tại Mỹ sẽ không được cung cấp cho Taliban", Washington Post dẫn lời một quan chức chính phủ Mỹ giấu tên cho biết.
Việc phong tỏa tài sản được thực hiện theo các biện pháp trừng phạt nhằm vào Taliban sau vụ tấn công 11/9.
Theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng dự trữ của Ngân hàng Trung ương Afghanistan đạt 9,4 tỷ USD tính tới cuối tháng 4, trước khi Taliban tiến hành đợt phản công tại Afghanistan. Tuy nhiên, phần lớn các khoản dự trữ này đều được gửi bên ngoài đất nước. Hiện không rõ khoản tiền được gửi tại Mỹ trị giá bao nhiêu.
Washington thường gửi khoảng 3 tỷ USD mỗi năm dưới hình thức hỗ trợ tài chính cho chính phủ Afghanistan - một hoạt động có khả năng bị ngăn chặn khi Taliban lên nắm quyền.
Theo AFP, Mỹ cũng có thể ngăn các tổ chức đa phương như IMF và Ngân hàng Thế giới viện trợ cho Afghanistan, như những gì nước này đã làm với các chính quyền mà Washington không công nhận như Venezuela.
IMF hồi tháng 6 đã giải ngân khoản vay 370 triệu USD mới nhất cho Afghanistan, vốn được phê duyệt vào tháng 11 năm ngoái, để hỗ trợ nền kinh tế của nước này trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát.
Vào thời điểm đó, IMF cho biết chính phủ Afghanistan vẫn duy trì nền kinh tế đi đúng hướng, bất chấp "tình hình an ninh xấu đi và bất ổn gia tăng khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban bị đình trệ, với việc quân đội Mỹ và NATO sẽ rút quân khỏi Afghanistan vào tháng 9".
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới có hơn 20 dự án phát triển đang thực hiện tại Afghanistan và cho đến nay đã cung cấp 5,3 tỷ USD cho Afghanistan, chủ yếu là viện trợ không hoàn lại.
Cho đến nay, cả Mỹ và nhiều quốc gia khác đều không công nhận Taliban là chính phủ mới của Afghanistan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hiện vẫn chưa có "sự chuyển giao quyền lực chính thức cho Taliban" tại Afghanistan, bất chấp tuyên bố của lực lượng này.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani hôm 15/8 đã rời khỏi đất nước mà không chính thức từ chức, trong khi Phó Tổng thống Amrullah Saleh tuyên bố mình là tổng thống lâm thời của Afghanistan trong trường hợp ông Ghani vắng mặt.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Afghanistan Ajmal Ahmady cũng đã lên máy bay quân sự rời Afghanistan hôm 15/8. Ông Ahmady cho biết ông và các nhân viên trước đó đã cố gắng ổn định tiền tệ khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul.
Ông Ahmady đã đặt câu hỏi về lòng trung thành của lực lượng an ninh Afghanistan và đổ lỗi cho Tổng thống Ghani cùng các cố vấn thiếu kinh nghiệm khiến đất nước sụp đổ nhanh chóng vào tay Taliban.
Taliban khởi động chiến dịch tiến công để mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ Afghanistan từ cuối tháng 5 khi Mỹ và các nước đồng minh bắt đầu rút quân khỏi quốc gia Trung Nam Á này.