1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ điều tàu sân bay tới sát Israel, xung đột nóng lên từng ngày

Thành Đạt

(Dân trí) - Việc Mỹ đưa nhóm tác chiến tàu sân bay tới gần Israel được cho là nhằm thể hiện cam kết của Washington hỗ trợ đồng minh trong khu vực.

Mỹ điều tàu sân bay tới sát Israel, xung đột nóng lên từng ngày - 1

Tàu sân bay Gerald R. Ford, một trong những hàng không mẫu hạm lớn nhất thế giới (Ảnh: AP).

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 8/10 cho biết ông đã ra lệnh cho nhóm tác chiến tàu sân bay Gerald R. Ford tới phía đông Địa Trung Hải để sẵn sàng hỗ trợ Israel sau cuộc tấn công của lực lượng Hamas khiến hơn 1.100 người ở cả hai bên thiệt mạng. Trong số những người thiệt mạng và mất tích có cả công dân Mỹ.

USS Gerald R. Ford, tàu sân bay mới nhất và tiên tiến nhất của Hải quân Mỹ, cùng khoảng 5.000 thủy thủ và nhiều máy bay chiến đấu sẽ được các tàu tuần dương cũng như tàu khu trục hộ tống trong một hoạt động biểu dương lực lượng nhằm sẵn sàng đáp trả bất cứ kịch bản nào.

Ngoài ra, ông Austin cho hay Mỹ cũng đã thực hiện các bước để tăng cường các phi đội máy bay chiến đấu F-35, F-15, F-16 và A-10 của Không quân trong khu vực.

Theo AP, việc triển khai lực lượng quy mô lớn này phản ánh mong muốn của Mỹ trong việc ngăn chặn bất kỳ sự mở rộng xung đột nào trong khu vực. Chính phủ Israel đã chính thức tuyên bố chiến tranh vào ngày 8/10 và bật đèn xanh cho "các bước quân sự quan trọng" để trả đũa Hamas.

Ngoài triển khai các tàu chiến, chính quyền Tổng thống Joe Biden "cũng nhanh chóng cung cấp cho Lực lượng Phòng vệ Israel các thiết bị và nguồn lực bổ sung, bao gồm cả đạn dược". Bộ trưởng Austin cho biết, lô viện trợ an ninh đầu tiên sẽ bắt đầu được chuyển đi từ ngày 9/10 và sẽ tới Israel trong những ngày tới.

Tướng lục quân Mỹ về hưu Barry McCaffrey cho rằng Mỹ có thể sẽ can thiệp trực tiếp bằng các cuộc không kích và hải quân nếu sự tồn tại của Israel bị đe dọa.

"Họ đến đó không chỉ để phô trương lực lượng hoặc để sơ tán", tướng McCaffrey, người từng phục vụ trong Chiến tranh vùng Vịnh và lãnh đạo Bộ Tư lệnh Nam Mỹ từ năm 1994 đến năm 1996, nói với MSNBC.

"Điều tôi muốn nói là nếu sự tồn tại của Israel bị đe dọa, nếu quân đội Syria can thiệp, nếu Hezbollah bắt đầu áp đảo Israel, theo đánh giá của tôi, vào thời điểm đó, chúng tôi sẽ cân nhắc việc can thiệp tích cực bằng sức mạnh không quân và hải quân", tướng Mỹ cho biết.

Tuy nhiên, theo ông McCaffrey, khó có khả năng Mỹ sẽ gửi quân tới Israel, xét trên năng lực của Lực lượng Phòng vệ Israel.

Khi được hỏi liệu các đồng minh khác của Mỹ và Israel có can thiệp vào cuộc xung đột hay không, ông McCaffrey cho rằng còn quá sớm để thảo luận về vấn đề như vậy khi chỉ hiện mới chỉ có lực lượng Hamas trực tiếp tham gia.

"Tôi nghĩ yếu tố răn đe là điều mà chính quyền Tổng thống Biden đang theo đuổi. Họ muốn đảm bảo rằng lực lượng Syria và Hezbollah không tham gia vào cuộc xung đột này. Nếu họ làm vậy, đó sẽ là mối đe dọa sống còn đối với sự tồn tại của Israel", tướng Mỹ nói thêm.

Với nỗ lực nhằm ngăn chặn xung đột leo thang, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã trao đổi với những người đồng cấp từ Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hôm 8/10. Trong mỗi cuộc gọi, ông Blinken đều kêu gọi mỗi quốc gia "tiếp tục can dự" và "nhấn mạnh sự tập trung của Mỹ vào việc ngăn chặn các cuộc tấn công của Hamas và đảm bảo thả tất cả con tin".

Tại Hạ viện Mỹ, các lãnh đạo của Ủy ban Đối ngoại đang chuẩn bị một nghị quyết lưỡng đảng nhằm khẳng định họ "sát cánh với Israel" và lên án "cuộc chiến của Hamas". Nghị quyết dự kiến sẽ là một trong những nội dung đầu tiên được xem xét bỏ phiếu sau khi Hạ viện bầu ra chủ tịch mới.

Theo BI, AP
Dòng sự kiện: Chiến sự Israel - Hamas