1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đằng sau lời tuyên chiến lần đầu tiên sau 50 năm của Israel

Minh Phượng

(Dân trí) - Lần đầu tiên sau 50 năm, Israel đưa ra điều khoản "40 Aleph", nghĩa là tuyên chiến. Giao tranh giữa Lực lượng phòng vệ Israel và nhóm vũ trang Hamas đang ngày càng quyết liệt.

Đằng sau lời tuyên chiến lần đầu tiên sau 50 năm của Israel  - 1

Các hệ thống phòng thủ Iron Dome của Israel đánh chặn rocket phóng đi từ Dải Gaza (Ảnh: AFP).

Lời tuyên chiến sau 50 năm

Jerusalem Post của Israel đưa tin, vào ngày 8/10, giới lãnh đạo quân sự - chính trị của Israel đưa ra điều khoản đặc biệt "40 Aleph", tương đương với một lời tuyên chiến chính thức.

Và đây là lần đầu sau 50 năm, kể từ cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ 4 (còn gọi là chiến tranh Yom Kippur năm 1973), điều khoản "40 Aleph" được kích hoạt, chứng tỏ tình hình có thể vượt tầm kiểm soát.

Bộ chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cảnh báo người dân nước này rằng "thời điểm khó khăn" đang chờ đợi mọi người dân. Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết, cuộc chiến sẽ "kéo dài và khó khăn".

Rõ ràng, giới lãnh đạo và lực lượng vũ trang nước này đang chuẩn bị tiến hành một chiến dịch quân sự trên bộ ở Dải Gaza. Rất có thể IDF sẽ phải chiến đấu theo những hướng khác, ít nhất là với người Palestine ở Bờ Tây sông Jordan và với Hezbollah ở biên giới với Li Băng.

Hiện nay, máy bay của Không quân Israel đang thực hiện các cuộc không kích vào các mục tiêu ở Dải Gaza.

Người phát ngôn của IDF, Richard Hecht cho biết, nước này chuẩn bị tiến hành một chiến dịch quân sự trong vòng 12 giờ tới, nhằm khẳng định những gì ông tuyên bố là Israel sẽ thiết lập quyền kiểm soát toàn bộ khu vực Dải Gaza.

Tuy nhiên, phải hiểu rằng, hiện có khoảng 3 triệu người Palestine sống ở Dải Gaza, với diện tích vẻn vẹn chỉ rộng 365km2. Một hoạt động quân sự quy mô lớn và ác liệt sẽ dẫn đến một thảm họa nhân đạo ở mức độ khó có thể khiến toàn bộ thế giới Ả Rập thờ ơ. Do đó, những hành động thù địch mới có thể bùng nổ ở những nơi khác.

Nhưng Bộ chỉ huy IDF nói rõ rằng, họ sẵn sàng cho những tình huống như đụng độ với lực lượng vũ trang Hezbollah ở biên giới Li Băng và thậm chí là cả trong trường hợp quân đội Syria tấn công ở cao nguyên Golan.

Đằng sau lời tuyên chiến lần đầu tiên sau 50 năm của Israel  - 2

Cột khói bốc cao sau khi các tòa nhà cao tầng ở thành phố Gaza bị Israel đánh sập hôm 7/10 (Ảnh: AFP).

Hamas tập kích khiến người Israel bàng hoàng

AFP ngày 8/10 cho biết, Mỹ hiện đang điều tra xem liệu Iran có liên quan đến các cuộc tấn công của Hamas vào Israel hay không. Tuy nhiên, Nhà Trắng cũng tuyên bố, Iran trước đó đã tài trợ, hỗ trợ và trang bị vũ khí cho Hamas.

Đánh giá toàn bộ cuộc tấn công cho thấy đây là một chiến dịch chớp nhoáng đặc biệt, được chuẩn bị kỹ lưỡng của Hamas.

Trước hết, tính bảo mật của trận đánh chớp nhoáng này là rất cao, bởi trên bầu trời Gaza luôn có máy bay trinh sát Israel và vệ tinh trinh sát Mỹ, có tiền đồn của Israel, tường cao ngăn cách. Các lực lượng tuần tra xung quanh Dải Gaza, hàng ngày kiểm tra chứng minh thư người ra vào.

Trong điều kiện khó khăn như vậy, Hamas vẫn tổ chức hàng nghìn bệ phóng tên lửa và biệt kích. Có sự trung thành và đoàn kết thực sự trong tổ chức, điều mà người Ả Rập dường như chưa bao giờ làm được.

Trong hầu hết các cuộc xung đột Palestine-Israel trước đây, phía Palestine ít nhất có một chút phản kháng kiểu tự do. Tuy nhiên, so với lực lượng cảnh sát quân sự và cơ quan tình báo Israel được tổ chức tốt, các tổ chức vũ trang của Palestine lại bị phân tán.

Nhưng lần này, Hamas không chỉ tổ chức hàng nghìn bệ phóng rocket và quân xung kích, mà còn vận chuyển một lượng lớn đạn và vật liệu chế tạo vũ khí vào khu vực Dải Gaza; và có thể thực hiện điều đó mà không bị lộ.

Đồng thời, hoạt động tình báo của Hamas lần này rất tốt và có thông tin theo thời gian thực về vị trí các mục tiêu chính của Israel. Và trước khi chiến dịch bắt đầu, Hamas lần đầu tiên sử dụng UAV bắn hạ từng camera của Israel ở biên giới, khiến quân đội Israel rơi vào tình trạng "mù".

Cùng lúc đó, lực lượng đặc biệt của Hamas mở cuộc tấn công nhanh và chính xác, xông thẳng vào nhà riêng của ông Nimud Aloni, chỉ huy lực lượng đặc biệt luồn sâu của Israel và được cho là đã bắt giữ sĩ quan cấp cao này.

Ông Nimud Aloni mới được thăng cấp thiếu tướng vào tháng 7 năm nay. Nhiệm vụ của lực lượng đặc biệt do ông lãnh đạo là thâm nhập vào hậu tuyến của kẻ thù và thực hiện các hoạt động phá hoại ở Iran, Syria và Palestine.

Kết quả là vào ngày đầu tiên của cuộc chiến, lực lượng đặc biệt của Hamas được cho là đã bắt được tướng Nimud Aloni tại nhà riêng, dựa trên thông tin tình báo chính xác.

Đồng thời, lực lượng đặc biệt của Hamas chủ yếu tấn công các mục tiêu quan trọng của Israel và phục kích các nhóm nhỏ quân tiếp viện của Israel. Trong cuộc tấn công, Trung tá Jonathan Steinberg, chỉ huy Lữ đoàn bộ binh Nahal của Israel đã bị sát hại.

Các chiến binh của Hamas, tất cả đều mặc quần áo dân sự và đi trên các phương tiện giao thông thông thường, đã bất ngờ tổ chức một cuộc tấn công tổng lực vào các mục tiêu của Israel.

Điều này là do quân đội Israel không có UAV cỡ nhỏ ở cấp đại đội và trung đội, đồng thời các camera biên giới đều đã bị Hamas phá hủy.

Quân đội Israel ở biên giới thậm chí còn không biết Hamas ở đâu. Họ biến thành "rắn không đầu" và không phản ứng hiệu quả trong hơn 3 giờ. Hamas không phải là quân đội chính quy chiến đấu trực diện, hay du kích chiến đấu nổi dậy, mà là một lực lượng tấn công đặc biệt.

Bây giờ người ta mới nhận thấy rằng, quân đội phương Tây, thậm chí cả các đơn vị bộ binh Israel đều tụt hậu về tư duy chiến thuật, thậm chí còn không bằng quân đội Ukraine. Ít nhất thì quân đội Ukraine cũng có UAV trinh sát cấp trung đội (thậm chí tiểu đội), nên khả năng nhận biết tình huống trên chiến trường của họ vẫn tốt.

Người Israel huy động tổng lực, quyết tâm loại bỏ Hamas

Về phía Israel, Thủ tướng Netanyahu đã tuyên bố đây không phải là xung đột, mà là một cuộc chiến tranh và quân đội Israel sẽ loại bỏ hoàn toàn lực lượng vũ trang Hamas.

Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Biden đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Netanyahu và nhắc lại sự ủng hộ tuyệt đối của Mỹ đối với Israel.

Có tin Israel đang phát súng đạn khắp đất nước và hàng trăm nghìn quân dự bị đã nhận được vũ khí. Người Israel đang đưa ra cảnh báo tới Dải Gaza bằng tiếng Ả Rập và yêu cầu người Israel cách xa Dải Gaza ít nhất là 80km bằng tiếng Do Thái.

Quân đội Israel sắp tiến hành một cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn, đây là lần tiếp theo quân đội Israel tiến vào khu vực Dải Gaza, kể từ khi rút khỏi đây vào năm 2005 và bàn giao lại cho người Palestine.

Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết, họ đang chiến đấu với hàng trăm chiến binh Palestine tại 22 địa điểm. Quân đội Israel sẽ tiến sâu vào Gaza để tìm kiếm nơi trú ẩn của các thành viên Hamas và con tin Israel đang bị giam giữ.

Giờ đây, ở Israel đã có sự đồng thuận rằng, lực lượng vũ trang Hamas phải bị loại bỏ hoàn toàn. Với sức mạnh hiện tại, không khó để quân đội Israel chiếm được Dải Gaza, nhưng điều quan trọng là họ phải làm gì sau khi chiếm được Gaza?

Một khi Israel nối lại việc chiếm đóng quân sự ở Dải Gaza, điều đó sẽ dẫn đến sự phản đối mạnh mẽ của các quốc gia theo hệ phái Sunni. Vì vậy, rất có thể Israel sẽ bàn giao Gaza cho tổ chức Fatah Palestine hay còn gọi là Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) quản lý.

Năm 2007, lực lượng vũ trang Hamas Palestine đã đẩy Fatah Palestine ra khỏi Dải Gaza và hiện Fatah chủ yếu kiểm soát khu vực Bờ Tây. Vì vậy, ai sẽ sở hữu khu vực Dải Gaza trong tương lai là vấn đề cốt lõi.

Theo AFP, Jerusalem Post, Topwar, Sohu
Dòng sự kiện: Chiến sự Israel - Hamas