1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chuyên gia nhận định về mục tiêu của Hamas khi tấn công Israel

Thanh Thành

(Dân trí) - Khi mở chiến dịch tấn công tinh vi và bất ngờ nhằm vào Israel, phong trào vũ trang Hamas nỗ lực tạo dựng các liên kết an ninh khu vực mới nhằm tái tổ chức cơ cấu an ninh trên toàn Trung Đông.

Chuyên gia nhận định về mục tiêu của Hamas khi tấn công Israel - 1

Hiện trường sau vụ xâm nhập hàng loạt của các tay súng Phong trào vũ trang Hamas ở Sderot, miền nam Israel ngày 7/10 (Ảnh: Reuters).

Chiến dịch tấn công phối hợp hôm 7/10 của phong trào vũ trang Hamas, cuộc tấn công lớn nhất nhằm vào Israel trong nhiều thập niên, xảy ra trùng thời điểm Mỹ hậu thuẫn các hoạt động thúc đẩy Ả Rập Xê Út tiến tới bình thường hóa quan hệ với Israel.

Mục đích của Mỹ là để đổi lấy một thỏa thuận quốc phòng giữa Washington và Riyadh, động thái sẽ giúp ngăn cản việc vương quốc này xích lại gần hơn với Iran.

Các quan chức Palestine và một nguồn tin trong khu vực cho biết, qua chiến dịch tấn công lần này, Hamas muốn đưa ra một thông điệp rằng, nếu Israel muốn đảm bảo an ninh trong khu vực thì không thể bỏ qua Palestine và rằng bất kỳ thỏa thuận nào của Ả Rập Xê Út cũng sẽ gây cản trở nỗ lực giảm căng thẳng với Iran.

Ông Ismail Haniyeh, lãnh đạo Hamas tuyên bố trên đài truyền hình Al Jazeera: "Tất cả các thỏa thuận bình thường hóa mà các bạn (các quốc gia Ả Rập) đã ký với (Israel) sẽ không chấm dứt được cuộc xung đột này".

Một nguồn tin thân cận với Iran và nhóm Hezbollah của Li Băng trong khu vực nói thêm: "Đây là một thông điệp gửi đến Ả Rập Xê Út, quốc gia đang xích lại phía Israel và những người Mỹ đang ủng hộ bình thường hóa và hỗ trợ Israel. Không thể có an ninh trong toàn khu vực chừng nào người Palestine còn bị gạt ra ngoài phương trình này".

Cũng theo nguồn tin: "Những gì xảy ra vượt quá mọi mong đợi. Hôm nay là một bước ngoặt trong cuộc xung đột".

Cuộc tấn công của Hamas được phát động từ Dải Gaza sau nhiều tháng bạo lực gia tăng ở Bờ Tây do Israel chiếm đóng, với các cuộc tấn công tăng cường của Tel Aviv, các cuộc tấn công trên đường phố của người Palestine và các cuộc tấn công của người định cư Do Thái vào các ngôi làng của người Palestine. Các điều kiện sinh sống của người Palestine đã trở nên tồi tệ hơn khi chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu lên nắm quyền. Việc hòa giải giữa hai bên cũng đã bị đình trệ trong nhiều năm.

Trong khi đó, Ả Rập Xê Út và Israel đều cho biết họ đang tiến gần hơn đến một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ. Nhưng các nguồn tin trước đây nói rằng, quyết tâm của Ả Rập Xê Út trong việc đảm bảo một hiệp ước quốc phòng với Mỹ có nghĩa là nước này sẽ không duy trì một thỏa thuận bình thường hóa để giành được những nhượng bộ thực chất cho người Palestine.

Bà Laura Blumenfeld, nhà phân tích Trung Đông tại trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins ở Washington, cho biết Hamas có thể đã phẫn nộ vì cảm thấy rằng họ đang phải đối mặt với tình trạng bất công khi đang nỗ lực tiến tới quan hệ tốt hơn với Israel và thế giới Ả Rập rộng lớn hơn.

"Khi Phong trào vũ trang Hamas chứng kiến Israel và Ả Rập tiến gần đến một thỏa thuận, họ đã quyết định cần làm điều gì đó", bà nói.

Thời điểm tấn công

Ông Osama Hamdan, lãnh đạo Phong trào vũ trang Hamas ở Li Băng, cho rằng cuộc tấn công hôm 7/10 sẽ khiến các quốc gia Ả Rập nhận ra rằng, việc chấp nhận các yêu cầu an ninh của Israel sẽ không thể mang lại hòa bình.

"Với những ai muốn ổn định và hòa bình trong khu vực, điểm khởi đầu phải là chấm dứt sự chiếm đóng của Israel. Thật không may, một số (các quốc gia Ả Rập) đã bắt đầu tưởng tượng rằng Israel có thể là cửa ngõ để Mỹ bảo vệ an ninh cho họ", ông nói thêm.

Thủ tướng Netanyahu đã tuyên bố sẽ "trả thù mạnh mẽ cho ngày đen tối này"  để đáp trả cuộc tấn công vốn xảy ra vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm Chiến tranh Yom Kippur vào năm 1973, khi Israel bị lực lượng Ai Cập và Syria tấn công và phải chiến đấu để sinh tồn.

Nhưng khi phản ánh thời điểm của cuộc chiến năm 1973, quan chức Hamas Ali Baraka nói về cuộc tấn công hôm 7/10 rằng: "Điều cần thiết là ban lãnh đạo phong trào phải đưa ra quyết định vào thời điểm thích hợp, khi kẻ thù đang bị phân tâm bởi bữa tiệc của họ".

Ông nhấn mạnh thêm, cuộc tấn công bằng đường không, đường bộ và đường biển là "cú sốc đối với kẻ thù và chứng tỏ tình báo quân sự Israel đã không phát hiện ra hoạt động này", sau khi Tel Aviv, vốn tự hào về năng lực xâm nhập và giám sát Hamas thực sự đã hoàn toàn bị bất ngờ. 

Trong những năm kể từ 1973, Ai Cập đã ký một hiệp ước hòa bình với Israel và một số quốc gia Ả Rập khác cũng đã bình thường hóa quan hệ kể từ đó, bao gồm một số quốc gia Ả Rập vùng Vịnh bên cạnh Ả Rập Xê Út. Nhưng Palestine vẫn chưa tiến gần hơn đến khát vọng bảo vệ một nhà nước, điều mà dường như vẫn là một viễn cảnh xa vời hơn bao giờ hết.

Mặc dù có thể không phải là nguyên nhân chính thúc đẩy Phong trào vũ trang Hamas tấn công Israel, nhưng hành động của họ là lời cảnh báo rõ ràng tới các nước Ả Rập rằng, vấn đề Palestine không thể chỉ là chủ đề phụ khác trong các cuộc đàm phán bình thường hóa, theo các chuyên gia.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, "còn quá sớm để suy đoán" về tác động mà cuộc xung đột Israel-Hamas có thể gây ra đối với những nỗ lực hướng tới bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Israel.

Ông Netanyahu trước đây đã tuyên bố, Palestine không được phép phủ quyết bất kỳ thỏa thuận hòa bình mới nào của Israel với các quốc gia Ả Rập. Một nguồn tin khu vực hiểu rõ về mối quan hệ Ả Rập Xê Út - Israel - Mỹ cho rằng, Tel Aviv đã sai lầm khi từ chối nhượng bộ Palestine.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Israel - Hamas