1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ điều tàu sân bay hạt nhân hỗ trợ tấn công Syria

(Dân trí) – Hải quân Mỹ đang liên tiếp điều các tàu chiến hiện đại nhất tới vùng biển quanh Syria để chuẩn bị cho một kịch bản tấn công đã được “gióng trống, khua chiêng” từ nhiều ngày nay.

Tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz là tàu chiến thứ 7 được phái tới Địa Trung Hải.
Tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz là tàu chiến thứ 7 được phái tới Địa Trung Hải.


Tiếp sau tàu vận tải đổ bộ USS San Antonio, hải quân Mỹ tiếp tục điều thêm tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz hướng tới Biển Đỏ - vùng biển thứ hai gần Syria bên cạnh Địa Trung Hải - để khép chặt hơn nữa vòng vây đối với Damascus trong trường hợp phát động tấn công

Theo các nguồn tin giấu tên từ giới chức quốc phòng Mỹ, tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz đang cùng với một nhóm tàu tấn công di chuyển tới phía Tây Biển Arập trước khi đi vào Biển Đỏ để hỗ trợ cuộc tấn công trong trường hợp cần thiết.

Được biết đội tàu tấn công của USS Nimitz gồm 4 tàu khu trục và một tàu tuần dương, nhưng chưa rõ nhiệm vụ cụ thể là gì.

Trước đó, hải quân Mỹ cũng vừa điều tàu vận tải đổ bộ USS San Antonio tới Địa Trung Hải để hội quân với 5 tàu khu trục khác đã có mặt tại đây từ nhiều ngày nay. Tất cả các tàu khu trục này  - gồm USS Stout, Mahan, Ramage, Barry và Graveley - đều mang theo tên lửa hành trình hiện đại Tomahawk và nhận lệnh sẵn sàng tấn công khi Tổng thống Barack Obama yêu cầu.

Tuy nhiên, đến khi nào lệnh tấn công mới được phát ra thì vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ vì Tổng thống Obama đã tạm thời trao quyền quyết định, và cả trách nhiệm, vào tay các nghị sĩ Quốc hội, những người đã cam kết sẽ thảo luận về Syria trong cuộc họp đầu tiên được nối lại sau kỳ nghỉ hè vào ngày 9/9 tới.

Theo hiến định của Mỹ, ngay cả trong trường hợp Quốc hội không cho phép thì Tổng thống vẫn có quyền tự phát động chiến tranh nếu cần thiết. Nhưng sự phức tạp và nguy hiểm của một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria, nút thắt nguy hiểm nhất của làn sóng bạo loạn tại chảo lửa Trung Đông, đang khiến chính quyền Mỹ phải chùn tay.

Đây cũng là điều đã khiến Quốc hội Anh bác bỏ đề nghị của chính phủ Thủ tướng David Cameron trong việc tham gia tấn công Syria, cũng như sự trù trừ của Tổng thống Pháp Francois Hollande, người trước nay luôn mạnh mồm kêu gọi tấn công nhưng mới đây nhất cũng lại trao quyền quyết định cho Quốc hội dù Hiến pháp không bắt buộc.

Vũ Anh