1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ đi nước cờ rắn ở Biển Đông

(Dân trí) - Sau nhiều tháng đắn đo, cuối cùng Mỹ đã quyết định thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông khi đưa tàu khu trục USS Lassen vào khu vực 12 hải lý quanh hai bãi đá Subi và Vành Khăn hôm 27/10. Đây là phản ứng mạnh mẽ nhất của Mỹ trước các hoạt động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông.

 


(Ảnh minh họa: AP)

(Ảnh minh họa: AP)

Tờ New York Times nhận định, động thái trên của Mỹ là nhằm trấn an các đồng minh trong khu vực rằng chính quyền Mỹ sẽ phản đối các nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạngtrên Biển Đông với hệ thống các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh chủ ý xây dựng.

Bằng hành động điều tàu, Mỹ đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ là sẽ kiên quyết không công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực này.

Đáng lưu ý, động thái trên của Hải quân Mỹ diễn ra một tháng sau chuyến thăm Mỹ lịch sử của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại cuộc họp báo ở Washington, ông Tập tuyên bố Trung Quốc không có ý định quân sự hóa các đảo tại Biển Đông. Tuy nhiên, giới chức Mỹ tiết lộ điều này không được ông khẳng định lại trong các cuộc hội đàm riêng với Tổng thống Obama. Do vậy, một trong những nhiệm vụ của tàu Lassen là nhằm kiểm chứng tuyên bố của ông Tập.

Tàu khu trục USS Lassen hiện diện ở Biển Đông cũng đúng một tuần trước khi Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry B. Harris, dự kiến hội đàm với giới chức quân sự cấp cao Trung Quốc tại Bắc Kinh. Đô đốc Harris là một trong những quan chức chỉ trích mạnh mẽ nhất hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông

Lý do mà Mỹ điều tàu tới Biển Đông được cho là do chịu áp lực lớn từ các đồng minh trong khu vực, khi hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc là chủ đề xuất hiện dày đặc trên mặt báo với các hình ảnh vệ tinh cho thấy quy mô “khủng” của nó. Một báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết tính từ tháng 12/2013, Trung Quốc đã bồi đắp được 1.170 hecta, tức gấp 17 lần so với các bên có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông từng làm được trong suốt 40 năm qua. Điều này thách thức nghiêm trọng đến sức mạnh và sự tín nhiệm của Mỹ trong con mắt các đồng minh, nhất là khi chính quyền Obama tỏ ra lúng túng và không đưa ra được lập trường, đối sách rõ ràng trước các cuộc khủng hoảng ở Đông Âu, Trung Đông - Bắc Phi.

Ngay cả tại Biển Đông, Mỹ cũng đã “bỏ mặc” đồng minh Philippines đơn độc trong cuộc tranh giành bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham với Trung Quốc. Nhưng đã đến lúc, Mỹ cần thể hiện rõ hơn vai trò cường quốc của mình.

Không chỉ thế, việc Mỹ đi nước cờ rắn ở Biển Đông vào thời điểm này còn có một lý do quan trọng khác là đặt dấu ấn cho chuyến công du châu Á sẽ diễn ra vào cuối tháng 11, dự kiến từ 14-22, của ông Obama. Theo lịch trình, Tổng thống Obama sẽ đến thăm 3 nước Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia và Philippines, nơi ông sẽ dự Diễn đàn APEC.

Theo giới phân tích, mặc dù tuyên bố xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương từ năm 2011 nhưng tới nay, những khó khăn về nguồn lực và ngân sách đã khiến cho việc xoay trục quân sự của Mỹ chưa thực sự “động”. Nhưng sau thành công của TPP - trụ cột về kinh tế của chiến lược xoay trục, chính quyền Washington có lẽ đã rảnh tay hơn để tập trung xoay trục về quân sự và an ninh.

Một chuyên gia cao cấp tờ Nikkei của Nhật Bản cho rằng việc Washington điều động tàu tuần tra tới Biển Đông cho thấy Tổng thống Obama đã hết kiên nhẫn với Trung Quốc. Trong buổi tiệc tiếp đãi ông Tập tại Washington, Tổng thống Obama đã chủ động đề cập tới các hoạt động khẳng định chủ quyền gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông và hối thúc Bắc Kinh ngừng xây dựng các công trình quân sự. Tuy nhiên, theo các nguồn tin giấu tên từ chính phủ Mỹ, ông Tập đã phớt lờ đi đề nghị này của ông chủ Nhà Trắng.

Ngay sau buổi tiếp đón đó, ông Obama đã lệnh cho một trợ lý thân cận liên lạc với Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, bật đèn xanh cho Hạm đội thực thi quyền tự do hàng hải tại vùng biển này.

Tuy nhiên, quyết định điều tàu chiến tới Biển Đông không phải được đưa ra một cách chóng vánh. Derek Chollet, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh quốc tế khẳng định: “Việc điều tàu tới Biển Đông đã được lên kế hoạch rất cẩn thận và triển khai một cách thận trọng để hạn chế tối đa các nguy cơ xung đột” với Trung Quốc. Đơn giản chỉ vì chính quyền Obama không muốn làm lớn chuyện.

Ông Doug Paal, Giám đốc Chương trình châu Á của Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế, cho rằng nội bộ Hải quân Mỹ đã mất nhiều năm tranh cãi về việc liệu có thúc đẩy hoạt động tuần tra kể trên hay không.

Trong khi đó, tờ Nikkei nhận định nhiệm vụ của tàu USS Lessen đã đánh dấu một bước chuyển trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Bước chuyển này rõ ràng đang đặt các quốc gia châu Á trước một số nguy cơ. Đơn cử, nếu quân đội Trung Quốc tìm cách ngăn chặn tàu chiến Mỹ, nó có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột không bên nào mong muốn. Trong trường hợp không xảy ra xung đột, Trung Quốc cũng sẽ kiếm cớ tăng cường quân sự hóa các đảo nhân tạo trong tương lai. “Cả Bắc Kinh và Washington đều muốn chứng tỏ cho thế giới thấy quyền lực của mình và sẽ không bên nào chịu lùi bước”, ông Paal nhận định.

Trong các thông báo gần đây, Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục tiến hành các đợt tuần tra khác ở Biển Đông. Tuyến hàng hải huyết mạch này sẽ lại tiếp tục bị “kéo căng như dây đàn”, song nguy cơ xung đột quân sự vẫn sẽ khó có thể xảy ra.

Đức Vũ