1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ đau đầu đối mặt bài toán phân phối vắc xin Covid-19

Minh Phương

(Dân trí) - Chính phủ Mỹ đã chi hàng tỷ USD đẩy nhanh quá trình nghiên cứu phát triển và đặt mua hàng trăm triệu liều vắc xin ngừa Covid-19, song hiện còn nhiều tranh cãi liệu ai được ưu tiên sử dụng trước.

Mỹ đau đầu đối mặt bài toán phân phối vắc xin Covid-19 - 1

Một số công ty dược phẩm Mỹ đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 giai đoạn cuối trên người. (Ảnh: AP)

Một quyết định khó khăn

Giới chức y tế Mỹ hy vọng đến cuối tháng 6 có thể đưa ra hướng dẫn cụ thể về việc phân phối vắc xin ngừa Covid-19, tuy nhiên, đây không phải là một quyết định dễ dàng đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh không chỉ tại Mỹ mà còn trên khắp thế giới.

"Không ai muốn trả lời câu hỏi này. Nhiều người nghĩ rằng họ phải là những người đầu tiên được tiếp cận vắc xin", bác sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế quốc gia Mỹ, nói và cho biết thêm chính phủ Mỹ đã nhờ đến các tổ chức cố vấn đề đưa ra quyết định về vấn đề này.

Thông thường, những người đầu tiên được sử dụng vắc xin là các nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, theo ông Collins, việc ưu tiên phân phối vắc xin cũng cần cân nhắc đến yếu tố địa lý, ưu tiên những người ở vùng dịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ông cũng đề cập đến các tình nguyện viên tham gia giai đoạn cuối thử nghiệm vắc xin. "Chúng ta nợ họ một số ưu tiên đặc biệt", ông Collins nói.

Không đủ cho tất cả

Mỹ đau đầu đối mặt bài toán phân phối vắc xin Covid-19 - 2

 Mỹ đến nay ghi nhận hơn 4,7 triệu người mắc Covid-19. (Ảnh: AFP)

Các nghiên cứu lớn thời gian qua nhằm chứng minh một số mẫu vắc xin thử nghiệm là an toàn và hiệu quả. Công ty Moderna và Pfizer của Mỹ tuần trước bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng cuối vắc xin Covid-19 với 30.000 tình nguyện viên. Trong vài tháng tới, các công ty như AstraZeneca, Johnson & Johnson và Novavax cũng sẽ kêu gọi một lượng lớn tình nguyện viên tham gia thử nghiệm.

Mặc dù chính phủ Mỹ đã đặt mua hàng trăm triệu liều Covid-19, nhưng một thực tế là ngay cả khi có một loại vắc xin được coi là an toàn và hiệu quả vào cuối năm nay, vẫn không có đủ vắc xin cho tất cả những người cần sử dụng ngay, đặc biệt khi hầu hết các vắc xin đòi hỏi phải sử dụng 2 liều.

Đó cũng là vấn đề tiến thoái lưỡng nan toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đau đầu với câu hỏi ai sẽ là người được sử dụng vắc xin Covid-19 trước trong khi vẫn có thể đảm bảo phân phối công bằng cho các nước nghèo. Quyết định này càng khó khăn hơn khi các nước thu nhập cao đã chi hàng tỷ USD để đặt mua hơn 1 tỷ liều vắc xin đầu tiên. Tại Mỹ, Ủy ban cố vấn về thực hành tiêm chủng, một tổ chức do CDC Mỹ lập ra, được cho là sẽ cố vấn ai được sử dụng vắc xin trước và khi nào.

Ai được ưu tiên?

Mỹ đau đầu đối mặt bài toán phân phối vắc xin Covid-19 - 3

Các nhân viên y tế được cho là nhóm người cần được ưu tiên tiêm vắc xin trước. (Ảnh minh họa: Getty)

Theo CDC, 12 triệu liều đầu tiên nên được sử dụng cho các nhân viên y tế, nhân viên an ninh và các nhân viên hoạt động trong lĩnh vực có rủi ro nhiễm bệnh cao nhất, 110 triệu liều tiếp theo dành cho những người thuộc nhóm rủi ro cao như người trên 65 tuổi sống trong các viện dưỡng lão, những người có sức khỏe kém hoặc những người được coi là lao động thiết yếu, sau đó mới đến sử dụng đại trà.

Trong khi đó, bác sĩ Peter Szilagyi, bác sĩ nhi tại Đại học California, nói: “Bản thân tôi không coi mình là một nhân viên y tế thiết yếu”.Trên thực tế, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 với các nhân viên y tế hiện đã giảm so với giai đoạn đầu bùng phát dịch. Hiện giờ đội ngũ y tế trong các đơn vị điều trị Covid-19 được bảo vệ tốt hơn, những người khác mới có nguy cơ lây nhiễm cao hơn.

Một vấn đề cũng làm dấy lên tranh cãi đó là, ngoài nhân viên y tế, nhân viên an ninh, thì nhân viên nhà máy chế biến gia súc, gia cầm hay giáo viên có được coi là lao động “thiết yếu” hay không?

Bác sĩ Sharon Frey của Đại học Louis cho rằng, ngoài những nhóm người trên, việc phân phối vắc xin cần ưu tiên những người nghèo sống trong các không gian chật hẹp, ít có điều kiện tiếp cận y tế hay không thể làm việc từ xa. Bác sĩ Henry Bernstein của Trung tâm y tế Northwell trong khi đó nhấn mạnh đến việc tiêm vắc xin nên tiến hành với toàn bộ gia đình thay vì chỉ một thành viên có nguy cơ cao trong một hộ gia đình.

Thông qua chiến dịch “Thần tốc”, chính quyền Tổng thống Donald Trump nỗ lực đẩy nhanh quá trình sản xuất và phân phối vắc xin ngừa Covid-19. Bà Nancy Messonnier, một quan chức của CDC, cho biết CDC đang để ngỏ các phương án phân phối vắc xin thông qua xe lưu động, các phòng khám và một số phương án khác. “Ngay khi một vắc xin được công nhận là có hiệu quả, chúng tôi muốn có thể bắt đầu các chương trình này ngay ngày hôm sau. Đó quả thực là một chặng đường dài”, bà Messonnier nói.