1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc chiến vắc xin Covid-19: Các nước giàu đổ tiền gom trước hàng tỷ liều

Minh Phương

(Dân trí) - Các nước thu nhập cao đã chi mạnh tiền, thỏa thuận với các nhà sản xuất để đảm bảo có hơn 1 tỷ liều vắc xin ngừa Covid-19 cho công dân của mình, làm dấy lên lo ngại tình trạng bất cân bằng phân phối.

Cuộc chiến vắc xin Covid-19: Các nước giàu đổ tiền gom trước hàng tỷ liều - 1
Các nước đang chạy đua phát triển vắc xin Covid-19. (Ảnh: minh họa: Reuters)

Reuters cho biết các nước như Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận với các công ty dược như Sanofi, GlaxoSmithKline, Pfizer, BioNtech, AstraZeneca và Moderna. Theo số liệu của công ty phân tích dữ liệu Airfinity, Mỹ, Anh, EU và Nhật Bản đến nay đã đặt mua khoảng 1,3 tỷ liều vắc xin Covid-19.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý cung cấp 2,1 tỷ USD cho Sanofi và Glaxo, khoản đầu tư lớn nhất của Mỹ cho chương trình phát triển và đặt mua vắc xin của Mỹ. Khoản ngân sách này sẽ dùng để hỗ trợ các thử nghiệm lâm sàng và sản xuất vắc xin ngừa Covid-19, đổi lại đảm bảo Mỹ có 100 triệu liều nếu thành công. Mỹ cũng có thể được nhận thêm 500 triệu liều trong tương lai xa hơn.

Mỹ cũng đầu tư vào hàng loạt dự án khác. Pfizer và BioNTech tuần trước đã đạt được thỏa thuận trị giá 1,95 tỷ USD để cung cấp vắc xin cho chính phủ Mỹ nếu được các nhà quản lý thông qua.

Novavax đầu tháng này cũng công bố thỏa thuận trị giá 1,6 tỷ USD, chính phủ Mỹ cũng cam kết dành 1,2 tỷ USD cho AstraZeneca thúc đẩy việc phát triển, sản xuất vắc xin.

Ông Berkley cho biết các khoản đầu tư của Mỹ giúp đẩy nhanh các cuộc thử nghiệm, mở rộng sản xuất và phát triển vắc xin, đó là tin tốt cho cả thế giới nếu nguồn vắc xin được chia sẻ.

Trong khi đó, EU cũng đang hoàn tất thỏa thuận để có được 300 triệu liều vắc xin của Sanofi-Glaxo và cũng đang đàm phán với các công ty khác. “EU cam kết đảm bảo tất cả những người cần vắc xin sẽ có được vắc xin dù ở bất cứ đâu trên thế giới”, thông cáo hồi tuần trước của EU cho hay.

Bài toán phân phối

Cuộc chiến vắc xin Covid-19: Các nước giàu đổ tiền gom trước hàng tỷ liều - 2
Thế giới có thể chỉ có được 1 tỷ liều vắc xin ngừa Covid-19 vào quý 1 năm 2022. (Ảnh minh họa: AFRO)

Mặc dù các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia cam kết sẽ cung cấp các loại vắc xin có giá thành phải chăng và ai cũng có thể tiếp cận, song để đáp ứng nhu cầu của gần 8 tỷ người trên thế giới, đó là một thách thức không hề đơn giản.

Khả năng những nước giàu có hơn độc quyền nguồn cung - một kịch bản từng xảy ra trong đại dịch cúm năm 2009 - làm dấy lên lo ngại ở những quốc gia kém phát triển hơn.

“Ngay cả khi bạn có những đánh giá lạc quan về tiến bộ khoa học, vẫn không thể đủ vắc xin cho cả thế giới”, Rasmus Bech Hansen, giám đốc điều hành Airfinity, nói. Ông cũng nhấn mạnh rằng hầu hết vắc xin đòi hỏi phải tiêm đủ 2 liều.

Một số đơn vị như Đại học Oxford và đối tác AstraZeneca và liên minh Pfizer-BioNTech hiện đã ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng vắc xin ngừa Covid-19. Điều này làm dấy lên hy vọng thế giới sắp có "vũ khí" chống lại Covid-19. Tuy nhiên, họ vẫn phải đối mặt với không ít thách thức phía trước như liệu vắc xin của họ có thực sự hiệu quả hay những trở ngại trong quá trình xin phê duyệt. Do vậy, Airfinity dự đoán nguồn cung toàn cầu không thể đạt mốc 1 tỷ liều cho đến quý 1/2022. Đầu tư vào năng lực sản xuất trên toàn thế giới được coi là một trong những chìa khóa nhằm giải quyết vấn đề này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Vắc xin (GAVI) đã sáng lập ra Covax, đơn vị nhận nhiệm vụ đảm bảo phân phối vắc-xin phòng Covid-19 toàn cầu. Hồi tháng 6, họ đưa ra kế hoạch trị giá 18 tỷ USD nhằm phân phối vắc xin và đảm bảo có 2 tỷ liều vào cuối năm 2021. Covax giúp các chính phủ có cơ hội đề phòng rủi ro đầu tư vào các loại vắc xin không hiệu quả, trong khi đó giúp các nước có nguồn lực tài chính hạn chế có thể tiếp cận vắc xin.

Theo ông Seth Berkley, giám đốc điều hành của Gavi, các nước cần ký thỏa thuận với các nhà sản xuất vắc xin để tăng cơ hội tiếp cận nguồn cung bởi vì một số loại vắc xin có thể sẽ không đạt được thành công như mong muốn và có thể dẫn đến một cuộc chiến giá cả.

“Chúng tôi hy vọng với danh sách các vắc xin tiềm năng, sẽ có nhiều nước cùng được tiếp cận”, ông Berkley nói. Ông cho biết thêm, khoảng 78 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập Covax. Ngoài ra, hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ có thu nhập thấp và trung bình có thể tiếp cận vắc xin Covid-19 thông qua chương trình của Gavi. Mặc dù vậy, ông lo ngại vẫn sẽ có nhiều nước không thể tiếp cận. “Đó chính xác là điều mà chúng tôi tìm cách tránh”, ông nói.

Hồi tháng 6, AstraZeneca trở thành nhà sản xuất đầu tiên đăng ký tham gia chương trình của Gavi, cam kết cung cấp 300 triệu liều vắc xin. Pfizer và BioNTech cũng phát tín hiệu sẵn sàng cung cấp vắc xin thông qua Covax.