1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ có thể viện trợ tên lửa tầm xa chứa đạn chùm cho Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chính phủ Mỹ có thể sẽ chuyển tên lửa tầm xa có chứa đạn chùm cho Ukraine, động thái nếu xảy ra có thể giúp Kiev tấn công sâu hơn vào vị trí của Nga ở bên kia chiến tuyến.

Mỹ có thể viện trợ tên lửa tầm xa chứa đạn chùm cho Ukraine - 1

Một binh sĩ Ukraine đứng gần tổ hợp hỏa lực phóng loạt HIMARS (Ảnh: Washington Post).

Reuters dẫn nguồn tin từ 4 quan chức Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden dường như sắp phê duyệt việc viện trợ tên lửa tầm xa chứa đạn chùm tới Ukraine.

Theo đó, sau khi chứng kiến hiệu quả của đạn chùm tích hợp trong đạn pháo 155mm mà Mỹ cấp cho Ukraine trước đó, Washington dường như xem xét chuyển 1 trong 2 hoặc cả 2 vũ khí khác bao gồm tên lửa ATACMS dùng cho HIMARS (tầm bắn 306km) và tên lửa GMLRS tầm bay 70km có chứa đạn chùm.

Ukraine đang sử dụng pháo 155mm chứa đạn chùm với tầm bắn tối đa 28km.

Nhà Trắng từ chối đưa ra bình luận về thông tin mà Reuters cung cấp. Các nguồn tin cho biết, quyết định về việc gửi ATACMS hay GMLRS vẫn chưa được chốt và vẫn có thể không trở thành hiện thực.

Chính quyền ông Biden vẫn đang có cách tiếp cận khá thận trọng liên quan tới việc cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine vì lo ngại chúng có thể được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ Nga - diễn biến có thể khiến xung đột leo thang ngoài tầm kiểm soát.

Trước đó, Dan Rice, cựu sĩ quan quân đội Mỹ, nhận định rằng các rocket tầm xa chứa đạn chùm bắn từ HIMARS có thể sẽ là chìa khóa giúp Ukraine xuyên qua mạng lưới phòng tuyến kiên cố của Nga.  

"Nếu Ukraine có 2.000 rocket chứa đạn chùm, tôi nghĩ chiến sự (với Nga) sẽ kết thúc", ông Rice - người từng là cố vấn của Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi - nhận định.

Theo ông Rice, các rocket chứa đạn chùm sẽ cho phép binh sĩ Ukraine "săn lùng" pháo binh Nga - vũ khí gây ra thương vong lớn cho Kiev.

Pháo là một trong những lớp phòng thủ mạnh mẽ nhất của Nga. Khi Ukraine mở các mũi tấn công xuyên phá phòng tuyến, Nga sẽ nã hỏa lực tấn công phủ đầu. Các rocket tầm xa chứa đạn chùm có thể giúp Ukraine loại bỏ mối đe dọa này.

Lực lượng pháo binh "vua chiến trường" được xem là xương sống của chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga tiến hành. Ukraine đang tìm kiếm điểm yếu trong phòng tuyến "bức tường thép" sâu hàng chục km của Nga với bãi mìn, công sự, pháo, hàng rào chống tăng.

"Khi Ukraine cố gắng xuyên qua bãi mìn dài 3,2km, họ sẽ phải nhích từng mét một. Lực lượng pháo hùng hậu của Nga đang chờ sẵn để khai hỏa. Chưa kể các UAV của Nga sẵn sàng để tấn công loại bỏ mục tiêu. Ít nhất là Ukraine phải loại bỏ được pháo Nga trước", ông Rice nhận định.

Theo tính toán của ông Rice, so với đạn chùm 155mm Ukraine đang sở hữu, rocket tầm xa chứa đạn chùm sẽ tăng khả năng Ukraine đánh trúng các hệ thống pháo của Nga lên 88 lần. Kết hợp với việc sử dụng tên lửa chống radar, Ukraine có thể phá hủy khả năng phản pháo của Nga, theo chuyên gia Rice.

Đạn chùm là loại vũ khí có tính sát thương diện rộng, giúp tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc. Tuy nhiên, các đầu đạn này cũng có tỷ lệ "xịt" nhất định. Đạn xịt có thể sót lại ở các vùng đất bị tấn công, biến chúng thành một bãi mìn và gây nguy hiểm cho người dân suốt hàng thập niên sau đó.

Việc sử dụng bom chùm đã bị hơn 120 quốc gia cấm trên toàn cầu, trừ Nga, Mỹ, Ukraine. Trước đó, Mỹ đảm bảo rằng việc cung cấp đạn chùm cho Kiev không phải là trang bị vũ khí cho Ukraine để tấn công lãnh thổ Nga.

Ngoài ra, giới chức Mỹ nói, Kiev đã đưa ra cam kết bằng văn bản với Washington rằng họ sẽ không sử dụng các quả đạn chùm trong khu dân cư và họ sẽ lưu lại thông tin về nơi họ sử dụng các quả đạn. Điều này sẽ đơn giản hóa các nỗ lực rà phá bom mìn sau này.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine