Mỹ có thể cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine giữa căng thẳng vùng biên Nga
(Dân trí) - Mỹ sắp chấp thuận việc chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa cho Ukraine bất chấp những cảnh báo cứng rắn từ Nga.
Reuters ngày 3/9 dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên cho biết Tên lửa Hành trình Không đối đất Tầm xa Liên quân (JASSM) sẽ có trong gói vũ khí viện trợ cho Ukraine, dự kiến được công bố vào mùa thu năm nay.
Tên lửa có thể được tích hợp vào máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ thiết kế và được các nước phương Tây cung cấp cho Ukraine.
Tuy nhiên, các nguồn tin lưu ý rằng các cuộc thảo luận về việc viện trợ tên lửa cho Ukraine vẫn đang diễn ra và quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra.
Theo các nguồn tin, việc chuyển giao vũ khí thực tế có thể mất "vài tháng", vì chính quyền Mỹ sẽ cần giải quyết một số vấn đề kỹ thuật.
JASSM do Lockheed Martin phát triển, có thể cho phép quân đội Ukraine tấn công các mục tiêu cách biên giới Nga khoảng 300km, thậm chí lên tới 500km đối với một số phiên bản tầm xa hơn và đặc biệt hơn.
Một trong số các nguồn tin khẳng định việc cung cấp JASSM cho Ukraine được coi là vấn đề nhạy cảm, vì sẽ gây thêm áp lực buộc Washington phải nới lỏng các hạn chế đối với việc Kiev sử dụng vũ khí của Mỹ tấn công lãnh thổ Nga.
Trong khi Ukraine đã nhận được sự chấp thuận từ một số quốc gia phương Tây để tấn công các mục tiêu "hợp pháp" trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí của họ, cho đến nay, Mỹ chỉ cho phép Kiev sử dụng vũ khí của Washington để chống lại các cuộc tấn công xuyên biên giới, thay vì "tấn công sâu" vào lãnh thổ Nga.
Trong nhiều tháng qua, Kiev đã yêu cầu các nước phương Tây cho phép mở rộng phạm vi tấn công và sử dụng vũ khí của phương Tây để tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga. Trong chuyến thăm Mỹ gần đây, các quan chức cấp cao Ukraine được cho là đã cho phía Mỹ xem danh sách các mục tiêu xa hơn trong lãnh thổ Nga mà Kiev muốn tấn công.
Nga từ lâu đã cảnh báo phương Tây không được cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga, điều mà Moscow coi là leo thang căng thẳng. Nga cũng đã dọa sẽ cung cấp thiết bị quân sự tương tự cho các đối thủ của phương Tây để trả đũa, nếu những cảnh báo của Moscow không được lắng nghe.
Bình luận về danh sách mục tiêu tấn công vào lãnh thổ Nga mà Kiev mong muốn thực hiện, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov đã cảnh báo rằng Washington "sẽ không thể ngồi yên ở bên kia đại dương" nếu dỡ bỏ các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng tên lửa của mình, và rằng tất cả các thiết bị do phương Tây cung cấp chắc chắn sẽ bị phá hủy.
Ukraine đang nỗ lực kêu gọi Mỹ "cởi trói" quyền sử dụng vũ khí tầm xa trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 khi Kiev lo ngại rằng chiến thắng của cựu Tổng thống Donald Trump có thể đồng nghĩa với việc Washington sẽ giảm viện trợ cho Ukraine.
Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ nếu tái đắc cử, đồng thời chỉ trích viện trợ quân sự của Mỹ cho Kiev.
Thông tin về viện trợ tên lửa mới được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đang tiến hành chiến dịch đột kích vào tỉnh Kursk của Nga. Sau gần 4 tuần giao tranh, Ukraine tuyên bố kiểm soát khoảng 1.300km2 lãnh thổ Nga, bất chấp nỗ lực của Moscow nhằm đẩy lùi lực lượng Kiev khỏi biên giới.