1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao Mỹ bỏ lại kho vũ khí lớn khi rút khỏi Afghanistan?

Minh Phương

(Dân trí) - Trước khi rút quân khỏi Afghanistan, Mỹ đã phá hủy một phần vũ khí tại đây do lo ngại chúng rơi vào tay Taliban. Tuy vậy, số vũ khí còn lại vẫn đáng kể và một lượng lớn đã bị Taliban chiếm giữ.

Vì sao Mỹ bỏ lại kho vũ khí lớn khi rút khỏi Afghanistan? - 1

Các tay súng Taliban lái một xe quân sự Humvee do Mỹ sản xuất trên đường phố Kabul ngày 16/8 (Ảnh: AP).

Taliban chiếm kho vũ khí lớn của Mỹ ở Afghanistan

Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua cho thấy các tay súng Taliban ôm súng trường do Mỹ sản xuất, lái những xe quân sự Humvees trên đường phố Afghanistan. Điều này làm dấy lên lo ngại lực lượng này còn kiểm soát nhiều vũ khí khác của Mỹ tại đây.

Trong tuần này, Nhà Trắng xác nhận, một lượng vũ khí của nước này cung cấp cho quân đội Afghanistan đã rơi vào tay Taliban. Một quan chức khác cho biết, hiện chưa biết chính xác số vũ khí rơi vào tay Taliban, nhưng theo các đánh giá tình báo hiện tại, Taliban được cho là đang kiểm soát hơn 2.000 xe bọc thép, trong đó có xe Humvee, khoảng 40 máy bay, trực thăng như UH-60 Black Hawk, 20 máy bay tấn công A-29 Tucano, máy bay không người lái ScanEagle.

Theo số liệu của Văn phòng Minh bạch Chính phủ Mỹ, trong giai đoạn từ năm 2003 đến 2016, Mỹ đã cung cấp cho Afghanistan hơn 600.000 vũ khí hạng nhẹ như súng M16 và M4, cùng với gần 80.000 xe quân sự, kính nhìn xuyên đêm, thiết bị liên lạc. Gần đây hơn, trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2019, Mỹ đã cung cấp cho quân đội Afghanistan khoảng 7.000 súng máy, 4.700 xe Humvee và hơn 20.000 lựu đạn.

Chỉ riêng 2 năm qua, Mỹ đã cung cấp cho quân đội Afghanistan hơn 18 triệu viên đạn loại 7,62mm và một số loại khác. Một phần trong số đó chắc chắn đã rơi vào tay Taliban khi lực lượng này giành quyền kiểm soát hàng loạt căn cứ quân sự tại Afghanistan.

Hiện chưa thể xác định chính xác lượng vũ khí bị Taliban chiếm giữ, nhưng các nhà quan sát ước tính, giá trị số vũ khí đó có thể lên tới hàng tỷ USD.

Vì sao Mỹ bỏ lại lượng lớn vũ khí ở Afghanistan?

Vì sao Mỹ bỏ lại kho vũ khí lớn khi rút khỏi Afghanistan? - 2

Binh sĩ Mỹ rút khỏi Afghanistan (Ảnh: US Army).

Cân bằng giữa việc để lại đủ nguồn lực cho quân đội Afghanistan tiếp tục chiến đấu với việc giảm thiểu rủi ro vũ khí rơi vào tay những thế lực nguy hiểm luôn là một thách thức lớn với quân đội Mỹ.

Trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố quyết định rút hết binh sĩ còn lại khỏi Afghanistan hồi đầu năm nay, giới chức Mỹ cho rằng, sớm hay muộn họ cũng cần phải phá hủy vũ khí hoặc bàn giao lại cho quân đội Afghanistan. Họ thừa nhận, phương án bàn giao lại cho Afghanistan tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu số vũ khí đó bị Taliban chiếm giữ.

Hai quan chức giấu tên của Mỹ cho hay, trong những tuần rút quân cuối cùng, Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích ở Afghanistan nhằm phá hủy trang thiết bị, vũ khí có nguy cơ rơi vào tay Taliban, nhưng chỉ phá hủy một phần. Washington tin rằng, với số vũ khí được Mỹ cung cấp, quân đội và lực lượng an ninh Afghanistan cuối cùng có thể tự chiến đấu chống lại Taliban.

Tuy nhiên, điều mà chính quyền Tổng thống Joe Biden không ngờ tới là đà tiến công quá nhanh chóng của Taliban. Chỉ trong vòng 11 ngày, Taliban đã khiến chính quyền, quân đội Afghanistan sụp đổ, một khoảng thời gian quá ngắn so với dự đoán của giới chức Mỹ là vài tháng hoặc thậm chí một năm.

Tuy chưa thể xác định cụ thể số vũ khí, trang thiết bị của Mỹ ở Afghanistan bị Taliban chiếm giữ, nhưng giới chức Lầu Năm Góc không giấu những lo ngại rằng, Taliban có thể sử dụng chúng cho các hoạt động bạo lực hoặc chuyển cho các nhóm vũ trang cực đoan, các thế lực đối đầu với Mỹ và phương Tây.

"Chúng tôi không muốn thấy vũ khí, trang thiết bị của chúng tôi trong tay những thế lực chống lại lợi ích của chúng tôi và của người dân Afghanistan hay làm gia tăng bạo lực, bất ổn ở Afghanistan", người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói hôm 19/8. Ông nhấn mạnh, hiện Washington đang xem xét một số phương án để xử lý vấn đề này, trong đó không loại trừ phương án không kích.

Mặc dù vậy, một số quan chức cấp cao của Mỹ cho biết: "Hiện tại, Mỹ chưa có kế hoạch phá hủy vũ khí ở Afghanistan bằng không kích hoặc các biện pháp khác, trừ khi nó đe dọa trực tiếp đến binh sĩ Mỹ ở sân bay Kabul". Khoảng 6.000 binh sĩ Mỹ đang làm nhiệm vụ sơ tán công dân và người Afghanistan từ sân bay Kabul trong bối cảnh Taliban bao vây sân bay, chặn người Afghanistan sơ tán.

Một số quan chức và chuyên gia thì cho rằng, mặc dù Taliban có thể sử dụng ngay các vũ khí Mỹ cỡ nhỏ hay xe thiết giáp, nhưng để sử dụng các vũ khí hạng nặng hay trực thăng, máy bay tấn công, Taliban sẽ cần một thời gian nữa. "Các binh sĩ, thủy thủ, phi công của chúng ta phải mất vài tháng để được đào tạo lái máy bay. Để sử dụng những vũ khí phức tạp hơn kiểu này sẽ là một thách thức lớn hơn nhiều với Taliban", một quan chức giấu tên của Mỹ bình luận.

Ngoài ra, cây viết Bill Roggio của trang Long War Journal cũng nhận định thêm, việc bảo dưỡng định kỳ các máy bay, trực thăng cũng không hề đơn giản, nên nếu Taliban cuối cùng có thể vận hành, thì tuổi thọ của chúng cũng rất ngắn. "Chiến lợi phẩm thực sự giúp Taliban tăng khả năng chiến đấu chỉ là các xe thiết giáp và các xe quân sự hạng nhẹ, một số xe tăng và tổ hợp pháo", ông Roggio nói.

Taliban chiếm hàng loạt vũ khí do Mỹ sản xuất