1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ cảnh báo đảo chính ở Thái Lan

(Dân trí) - Mỹ ngày 3/2 đã phản pháo trước những động thái nhằm tiến hành một cuộc đảo chính quân sự ở Thái Lan khi người biểu tình phản đối chính phủ tuyên bố tiếp tục chiến đấu sau khi làm gián đoạn cuộc bầu cử hồi cuối tuần.

Mỹ cảnh báo đảo chính ở Thái Lan

Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban (trái) nhận đóng góp của người ủng hộ tại Bangkok vào ngày 3/2.

Trong khi người biểu tình tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình trên đường phố nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra, Mỹ “lo ngại rằng những căng thẳng chính trị” đang thách thức nền dân chủ tại quốc gia chia rẽ Thái Lan.

Giới phân tích cho rằng các cuộc bầu cử bị các cuộc biểu tình gây cản trở đã mở ra một chương bất ổn chính trị mới, khiến chính phủ ngày càng phải đối mặt với nguy cơ bị tòa án hoặc quân đội can thiệp.

“Chúng tôi chắc chắn không muốn thấy một cuộc đảo chính hay bạo lực”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết sau khi những người biểu tình đối lập ở Thái Lan ngăn chặn bỏ phiếu tại hàng ngàn điểm bỏ phiếu vào ngày chủ nhật, khiến giới chức bầu cử phải hoãn công bố kết quả bầu cử cho đến khi phiếu được kiểm ở tất cả các điểm bầu cử.

“Chúng tôi đang nói thẳng đến tất cả các nhân tố ở xã hội Thái Lan, phải làm rõ tầm quan trọng của việc sử dụng những phương tiện dân chủ và hiến pháp nhằm giải quyết các khác biệt chính trị”, bà Psaki cho biết thêm.

Có ít dấu hiệu cho thấy căng thẳng hiện nay ở Thái Lan sẽ chấm dứt. Đảng cầm quyền Puea Thai đã bất chấp thách thức của tòa án chống lại cuộc bầu cử - vốn bị đảng Dân chủ đối lập chính tẩy chay, cũng như các động thái pháp lý khác nhằm chống lại bà Yingluck.

Những người phản đối Thủ tướng Thái Lan cho rằng bà chỉ là “con rối” trong tay anh trai của bà, ông Thaksin, người đã bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006 và đang sống ở Dubai nhằm tránh án tù vì bị kết tội tham nhũng.

Hàng trăm người biểu tình đã bắt đầu một cuộc tuần hành khác khắp thủ đô Bangkok vào ngày hôm qua 3/2 nhằm vận động sự ủng hộ và gây quỹ cho chiến dịch đã kéo dài 3 tháng nay nhằm lật đổ chính phủ của bà Yingluck. Họ muốn bà Yingluck phải từ chức và dọn đường cho một “hội động nhân dân” không cần bầu cử nhằm giám sát cải cách nhằm đối phó tham nhũng và cáo buộc mua phiếu bầu cử.

Cả hai phe đều tuyên bố chiến thắng

Khi chưa có kết quả bầu cử chính thức, cả hai phe đều tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Cuộc bầu cử đã diễn ra khá yên bình, sau màn đấu súng vào ngày thứ bảy ở một vùng ngoại ô Bangkok.

“Theo hiến pháp, cuộc bầu cử phải được tiến hành cùng một ngày. Nhưng điều đó đã không thể thực hiện được”, phát ngôn viên của phe biểu tình Akanat Promphan cho hay khi bắt đầu cuộc tuần hành. “Rõ ràng cuộc bầu cử này cần phải được hủy bỏ”, ông tuyên bố.

Nhóm này cho biết sẽ dỡ bỏ một số địa điểm biểu tình ở thủ đô nhưng vẫn duy trì cuộc “đóng cửa” thành phố.

Trong khi đó, đảng cầm quyền cho hay hơn một nửa trong số 44 triệu cử tri Thái Lan đã đi bầu cử. Gián đoạn bầu cử chủ yếu diễn ra ở Bangkok và “cứ địa” của phe biểu tình tại miền nam.

“Điều đó cho thấy một nửa dân số muốn dân chủ và đa số muốn một quốc hội được thành lập”, phát ngôn viên đảng Puea Thai, Prompong Nopparit, cho hay. “Đây không phải là chiến thắng của Puea Thai mà là chiến thắng cho người yêu dân chủ và yêu hòa bình”, ông nói.

Bộ trưởng Lao động Chalerm Yubamrung, người đang giám sát phản ứng an ninh của chính phủ đối với các cuộc biểu tình, dự đoán Puea Thái sẽ giành “khoảng 265 đến 289 ghế”. Tại cuộc bầu cử trước vào năm 2011, đảng của bà Yingluck giành hơn một nửa trong số 500 ghế bầu của quốc hội.

Lãnh đạo đảng Dân chủ, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva, xác nhận họ sẽ thách thức bằng pháp lý cuộc bầu cử “phi pháp” bởi nó không “phản ánh mong muốn của hiến pháp và người dân”.

Ủy ban bầu cử Thái Lan trước đó cho hay 10.000 trong số gần 94.000 điểm bỏ phiếu đã không thể mở cửa, ảnh hưởng tới hàng triệu người, mặc dù chưa rõ có bao nhiêu người đã dự định đi bầu cử.

Vũ Quý

Theo AFP