1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ bỏ quy chế tối huệ quốc, tăng cường trừng phạt Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Washington và nhóm G7 sẽ bãi bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga do chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine.

Mỹ bỏ quy chế tối huệ quốc, tăng cường trừng phạt Nga - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Joe Biden ngày 11/3 tuyên bố Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và G7 (gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada) sẽ bãi bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga, gọi đây là "đòn giáng mạnh tiếp theo vào nền kinh tế Nga". Ông Biden tuyên bố Nga sẽ phải "trả giá" do chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine.

Mỹ cũng thông báo lệnh cấm nhập khẩu đối với hải sản, rượu, kim cương từ Nga. Tổng thống Biden cho biết Mỹ sẽ bổ sung những cá nhân mới vào danh sách các nhà tài phiệt Nga bị trừng phạt, đồng thời cấm xuất khẩu hàng xa xỉ sang Nga.

Đối xử tối huệ quốc là nguyên tắc cơ bản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong đó các nước thành viên được đối xử như nhau, không có sự phân biệt đối xử. Việc bãi bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga cho phép Mỹ và các đồng minh áp đặt thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa của Nga.

Động thái của Mỹ và đồng minh sẽ gây thêm sức ép đối với nền kinh tế Nga, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

"Đây là những bước mới nhất mà chúng tôi thực hiện, nhưng không phải là những bước cuối cùng", ông Biden cảnh báo.

Mỹ và các đồng minh châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mà trước đó họ cho rằng "khó xảy ra" hoặc "phương án cuối cùng" như cấm vận dầu mỏ, khí đốt hay loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Theo Bloomberg, Nga trở thành quốc gia hứng nhiều lệnh trừng phạt nhất thế giới, với 2.778 lệnh mới chỉ trong 2 tuần, nâng tổng cộng số lệnh trừng phạt nhằm vào nước này lên 5.530.

Hôm 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo, Mỹ sẽ cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga. Cùng ngày, Anh cũng tuyên bố sẽ cấm vận dầu mỏ và khí đốt Nga từ cuối năm nay. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) - khách hàng lớn nhất của ngành năng lượng Nga - cam kết sẽ giảm dần phụ thuộc vào Moscow.

Một nhóm thượng nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa Mỹ đã đệ trình Quốc hội một dự thảo đề xuất nhằm ngăn chặn khả năng bán vàng khỏi kho dự trữ của Nga. Theo dự luật, Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với bất cứ thực thể nào của Mỹ cố ý giao dịch hoặc vận chuyển vàng do Ngân hàng trung ương Nga nắm giữ. Ngoài ra, bất cứ công dân Mỹ nào bán vàng trực tiếp hoặc trực tuyến cho Nga cũng bị xử phạt.

Phản ứng về lệnh trừng phạt của Mỹ, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Mỹ đã "tuyên chiến kinh tế" với Nga, vì vậy Washington có thể sẽ phải đối mặt với các động thái đáp trả của Moscow.

Ông Peskov cho biết "nền kinh tế Nga đang phải hứng chịu một cú sốc" với những "hậu quả tiêu cực". Ông cho rằng đây là "điều chưa từng có tiền lệ, chưa từng có một cuộc chiến kinh tế nào như vậy nhằm vào Nga".

Tổng thống Vladimir Putin ngày 10/3 cho biết Nga không phải là quốc gia có thể chấp nhận thỏa hiệp chủ quyền của mình vì một số lợi ích kinh tế ngắn hạn. Ông tuyên bố Nga sẽ "vượt qua" các thách thức của phương Tây.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine