DMagazine

Chiến sự tại Ukraine: Khi phương Tây đánh vào "cỗ máy in tiền" của Nga

(Dân trí) - Phương Tây tin rằng, việc giáng đòn trừng phạt vào ngành năng lượng - "cỗ máy in tiền" của Nga - là cách để đối phó chiến dịch quân sự chưa có hồi kết của Nga ở Ukraine.

             CHIẾN SỰ TẠI UKRAINE: KHI PHƯƠNG TÂY ĐÁNH VÀO "CỖ MÁY IN TIỀN" CỦA NGA

Phương Tây tin rằng, việc giáng đòn trừng phạt vào ngành năng lượng - "cỗ máy in tiền" của Nga - là cách để đối phó chiến dịch quân sự chưa có hồi kết của Nga ở Ukraine.

CUỘC CHIẾN "NGỐN" TIỀN CỦA

Chiến sự tại Ukraine: Khi phương Tây đánh vào cỗ máy in tiền của Nga - 1

Hàng loạt thiết bị quân sự được cho là của Nga nằm trên một con đường ở Borodyanka, vùng Kiev, Ukraine ngày 3/3 (Ảnh: Reuters).

Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức tuyên bố mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Hàng chục nghìn binh sĩ, hàng nghìn xe quân sự của Nga được lệnh tấn công vào các mục tiêu quân sự của Ukraine. Giới tình báo Mỹ cho biết, ước tính Nga đã sử dụng hơn 700 tên lửa cùng các vũ khí chính xác cao khác ở Ukraine qua hai tuần chiến sự. Hiện tại, các lực lượng của Nga tiếp tục chiến lược bao vây, tấn công cùng lúc các thành phố chiến lược của Ukraine. Nga được cho là chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào thủ đô Kiev của Ukraine khi điều động đoàn xe quân sự kéo dài hơn 64 km áp sát Kiev nhiều ngày qua.

Việc lựa chọn triển khai chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine vào thời điểm này của Nga không phải là ngẫu nhiên. Nga vừa hoàn tất các mục tiêu trong kế hoạch 15 năm hiện đại hóa quân đội vào cuối năm 2021. Tính đến cuối năm 2021, Nga đã hiện đại hóa 81% lực lượng quân sự, 71,9% trang thiết bị mới đã được đưa vào sử dụng tại các lực lượng chính quy theo các mục tiêu đề ra. Về mặt chi tiêu cho quân sự, Nga đứng thứ tư trên thế giới. Theo số liệu của tổ chức SIPRI, trong giai đoạn 2000-2019, ngân sách quốc phòng của Nga tăng 175%, và đạt gần 70 tỷ USD trong năm 2020.

Chiến dịch quân sự ở Ukraine chắc chắn là một chiến dịch hao tốn tiền của bất chấp Nga đã có những tính toán thận trọng cả về thời điểm và những tổn thất mà Moscow có thể phải gánh chịu do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Đến nay, Nga không công bố con số cụ thể song một nghiên cứu của Trung tâm Phục hồi Kinh tế từ công ty tư vấn CIVITTA và EasyBusiness cho rằng con số này rất lớn. Cụ thể, theo trung tâm này thiệt hại trực tiếp từ cuộc chiến, bao gồm cả thiết bị quân sự bị hư hại và thương vong của quân nhân, trong 4 ngày đầu tiên, ước tính khoảng 7 tỷ USD. 

Đó là chưa kể đến những chi phí do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra cho nền kinh tế của Nga. Kể từ khi Nga tuyên bố mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, đồng rúp đã mất 50% giá trị, thị trường chứng khoán phải đóng cửa nhiều ngày. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tuyên bố ngừng hoạt động hoặc đầu tư ở Nga, trong đó có Oracle, BMW, Apple, Airbus.

Kenneth Rogoff, giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard, cựu quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, nhận định với Fortune rằng Nga có thể bị tổn thương nghiêm trọng từ các lệnh trừng phạt, nhưng ngân sách của Nga sẽ không cạn kiệt quá sớm do chiến dịch ở Ukraine.
Chi tiêu quân sự năm 2021 của Nga khoảng 62 tỷ USD và chiến dịch quân sự ở Ukraine có thể khiến con số này tăng vọt. Tuy nhiên, hầu hết các thiết bị quân sự của Nga là sản xuất nội địa, giúp giảm đáng kể chi phí so với việc phụ thuộc bên ngoài. Ẩn số lớn nhất hiện nay là điều gì sẽ xảy ra với các mặt hàng xuất khẩu của Nga, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.

ĐÒN TRỪNG PHẠT VÀO "CỖ MÁY IN TIỀN" CỦA NGA

Chiến sự tại Ukraine: Khi phương Tây đánh vào cỗ máy in tiền của Nga - 2

Năng lượng được cho là "cỗ máy in tiền" và là "vũ khí địa chính trị" của Nga (Ảnh: AFP).

Hai tuần sau khi Nga mở chiến dịch tấn công quân sự Ukraine, Mỹ và phương Tây buộc phải đi nước cờ "bất đắc dĩ": Cấm vận dầu mỏ và khí đốt.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/3 thông báo lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga. "Hôm nay, tôi tuyên bố Mỹ đang nhắm mục tiêu vào huyết mạch chính của nền kinh tế Nga. Chúng tôi đang cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu khí và năng lượng của Nga. Điều đó có nghĩa là dầu mỏ của Nga sẽ không còn được chấp nhận tại các cảng của Mỹ và người dân Mỹ sẽ giáng một đòn mạnh nữa vào cỗ máy chiến tranh của Nga", Tổng thống Biden nói.

Anh cũng tuyên bố ngừng nhập khẩu năng lượng Nga từ cuối năm 2022. Liên minh châu Âu (EU) tuy chưa lựa chọn bước đi này, nhưng cũng đặt mục tiêu giảm đáng kể sự phụ thuộc vào năng lượng Nga.

Đây là một phần trong các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào ngành năng lượng - "cỗ máy in tiền" của Nga với hy vọng đảo ngược chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Trước đó, Mỹ và châu Âu đã áp các lệnh trừng phạt "chưa từng có" với Nga như loại các ngân hàng lớn của nước này khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Mỹ tuy không phải khách hàng lớn của ngành xuất khẩu năng lượng Nga, song động thái cấm vận của Washington có thể mở đường cho các bước đi cứng rắn của EU nhằm vào ngành kinh tế huyết mạch của Nga.

Nga là nhà sản xuất dầu khí lớn thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Ả rập Xê út. Nga sản xuất khoảng 10 triệu thùng dầu mỗi ngày, tương đương 10% nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu và hơn một nửa trong số đó có điểm đến là châu Âu. Nga cũng là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của EU, đáp ứng hơn 40% nhu cầu khí đốt của khối này.

Theo số liệu thống kê của tổ chức T&E, năm 2021, Nga thu về 104 tỷ USD từ xuất khẩu dầu thô, xăng và dầu diesel sang châu Âu, gấp hơn hai lần nguồn thu từ xuất khẩu khí đốt cho khu vực này.

Chiến sự tại Ukraine: Khi phương Tây đánh vào cỗ máy in tiền của Nga - 3

Giá trị xuất khẩu khoáng sản, trong đó có dầu và khí đốt, của Nga sang EU năm 2020 lớn hơn chi tiêu quân sự của nước này (Đồ họa: Politico).

Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay đang phơi bày thế yếu của châu Âu khi phụ thuộc quá lớn vào Nga. Giới chức phương Tây cho rằng, sự phụ thuộc này lâu nay đã giúp Nga có nguồn ngân sách củng cố tiềm lực quân sự và đưa ra các tính toán địa chính trị. Họ kêu gọi giảm dần sự phụ thuộc đó, tìm các nguồn cung năng lượng mới nhằm cô lập kinh tế, cạn kiệt ngân sách quân sự của Nga. Tuy nhiên, thay vì bị ảnh hưởng quá nhiều bởi cuộc khủng hoảng năng lượng, Nga dường như đang hưởng lợi từ nó.

Thực tế cho thấy, thị trường năng lượng thế giới đang trải qua một giai đoạn biến động khiến các nhà đầu tư đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Sau khi tăng hơn 50% trong năm 2021, giá dầu tiếp tục lập đỉnh mới mà "chất xúc tác" là cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine và các đòn trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Tại châu Âu, thị trường tiêu thụ chính của năng lượng Nga, giá khí đốt tự nhiên tăng vọt cũng khiến các nhà máy phải ngừng hoạt động, các chính trị gia đau đầu và khiến người tiêu dùng lo sợ về một mùa đông lạnh giá.

Theo các nhà phân tích của Bloomberg, Nga sẽ ghi nhận lợi nhuận "đáng kinh ngạc" nếu giá nhiên liệu thế giới tiếp tục duy trì hoặc tăng cao. Theo ước tính của Bloomberg, ngân sách Nga có thể thu về 65 tỷ USD nếu giá dầu Brent duy trì ở mức 90 USD/thùng trong năm nay. Nếu con số này tăng tới 100 USD/thùng thì Nga sẽ thu được từ 73-80 tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ. Trong khi đó, đầu tuần này, giá dầu Brent đã lên hơn 127 USD/thùng.

"Khoản này bổ sung vào vùng đệm tài chính của Nga vào đúng thời điểm, giúp Nga trụ vững trong trường hợp khủng hoảng do các lệnh trừng phạt", nhà phân tích Scott Johnson của Bloomberg nhận định và nói thêm lợi nhuận năm nay của Nga từ xăng dầu và khí đốt sẽ "lớn đến mức kinh ngạc".

Chiến sự tại Ukraine: Khi phương Tây đánh vào cỗ máy in tiền của Nga - 4

Người dân xếp hàng dài rút tiền tại Nga hôm 27/2 sau khi phương Tây trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraine (Ảnh: Reuters).

Trước khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết dự trữ nước này có đủ để trang trải lượng hàng nhập khẩu trong 20 tháng. Ở thời điểm hiện tại, con số này có thể chỉ còn khoảng 10 tháng.

Tuy vậy, theo Fortune, Nga vẫn có thể tận dụng khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại tệ và vàng sau khi Mỹ và nhiều chính phủ khác cho biết sẽ cắt khả năng tiếp cận dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga trong lãnh thổ của các nước này. Con số đó bao gồm khoảng 132 tỷ USD vàng giữ trong kho của Ngân hàng Trung ương Nga, cũng như ngoại tệ giữ trong nước hoặc giữ ở nước ngoài tại các quốc gia như Trung Quốc, quốc gia không đồng ý thực thi các lệnh trừng phạt chống lại Nga.

Nga đã nỗ lực bảo vệ nền kinh tế Nga khỏi những cú sốc từ bên ngoài kể từ khi sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Mặc dù vậy, theo Yevgeny Nadorshin, nhà kinh tế trưởng của công ty tư vấn PF Capital ở Moscow, về lâu dài, các biện pháp trừng phạt sẽ tác động đến đời sống kinh tế, xã hội của Nga. Thu nhập của người dân sẽ tiếp tục trì trệ và tầng lớp trung lưu Nga sẽ bị thu hẹp. Nhiều nhà sản xuất tàu hỏa, ôtô và các sản phẩm hiện đại sẽ đối mặt rắc rối nghiêm trọng nếu phương Tây cấm xuất khẩu công nghệ sang Nga.

Những tổn thất này sẽ là một trong những yếu tố chi phối quyết định của Nga theo đuổi chiến dịch quân sự ở Ukraine bao lâu dù Nga tiếp tục tuyên bố sẽ theo đến cùng chiến dịch nhằm "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" Ukraine.

Theo giới quan sát, kế hoạch ban đầu của Nga ở Ukraine là một cuộc tấn công quân sự chớp nhoáng. Tuy nhiên, sự kháng cự của Ukraine cùng với những thách thức hậu cần đang khiến chiến dịch của Nga kéo dài hơn dự đoán, những tổn thất do vậy có thể cũng sẽ vượt ra ngoài những dự tính ban đầu của Moscow và Nga cũng cần nhiều nguồn lực hơn để đối phó các cú sốc kinh tế.

Kể từ khi mở màn chiến dịch quân sự ở Ukraine, chính quyền Tổng thống Vladimir Putin liên tục đưa ra các sắc lệnh đặc biệt nhằm bảo vệ nền kinh tế trước các đòn trừng phạt của phương Tây. Gần đây nhất, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh hạn chế hoặc cấm xuất - nhập khẩu một số sản phẩm và nguyên liệu thô từ Nga đến cuối năm 2022. Quyết định mới được đưa ra nhằm đảm bảo an ninh nước Nga và giữ cho hoạt động của ngành công nghiệp không bị gián đoạn.

Cho dù là kịch bản nào, cuộc chiến ở Ukraine và cuộc chiến trừng phạt giữa Nga và phương Tây chắc chắn sẽ gây tổn thất không nhỏ cho tất cả các bên.

Minh Phương
Theo Politico, Fortune, LATimes

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine