Mỹ, Australia đẩy mạnh hợp tác công nghệ quốc phòng với Nhật Bản
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Australia Anthony Albanese hôm 25/10 công bố thỏa thuận hợp tác công nghệ quốc phòng tiên tiến với Nhật Bản nhằm đối phó một Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn.
"Sự hợp tác giữa chúng tôi sẽ giúp tăng cường năng lực tương tác và đẩy nhanh chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực máy bay chiến đấu và quyền tự chủ đang nổi lên nhanh chóng", Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố.
Theo tuyên bố, thỏa thuận hợp tác ba bên về công nghệ quốc phòng tiên tiến này là một trong nhiều sáng kiến nhằm củng cố vai trò tham gia của các quốc gia ở Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm đối phó một Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán hơn trong khu vực.
"Mỹ và Australia sẽ khám phá hợp tác quốc phòng ba bên với Nhật Bản, bao gồm cả các hệ thống máy bay không người lái (UAV)", tuyên bố nêu rõ.
Ngoài ra, Australia sẽ lần đầu tiên tham gia 2 cuộc tập trận quân sự với Mỹ và Nhật Bản gồm cuộc tập trận "Yama Sakura" vào cuối năm nay và "Keen Edge" vào năm tới, vốn đều diễn ra tại Nhật Bản.
Thông báo này được đưa ra khi Tổng thống Biden và Thủ tướng Albanese, người đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Washington trong tuần này, tổ chức một cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng vào ngày 25/10.
Ngoài việc trao đổi về một loạt vấn đề quốc tế bao gồm cả sự ủng hộ đối với Israel cũng như viện trợ cho Ukraine, hai nhà lãnh đạo còn đề cập đến chiến lược thúc đẩy phát triển liên minh Aukus (thỏa thuận đối tác quốc phòng ba bên giữa Mỹ, Australia và Anh) vẫn còn mới của họ.
Aukus đã hứng chịu sự chỉ trích từ Trung Quốc kể từ khi được công bố vào tháng 9/2021. Bắc Kinh cho rằng, thỏa thuận này xuất phát từ "tâm lý Chiến tranh Lạnh" sẽ thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang và gây ảnh hưởng đến sự ổn định và hòa bình trong khu vực.
Tại cuộc họp báo, Tổng thống Biden cho biết rất "tin tưởng" Quốc hội sẽ phê duyệt nguồn tài chính cần thiết cho kế hoạch đóng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mà Mỹ đã cam kết với Australia theo một phần của thỏa thuận Aukus. "Tôi tin sẽ có thể kiếm được tiền cho Aukus, vì nó hoàn toàn vì lợi ích của chúng tôi", ông Biden nói.
Tuần trước, Nhà Trắng đã yêu cầu ngân sách bổ sung trị giá 3,4 tỷ USD để nâng cấp cơ sở công nghiệp trong nước dùng để chế tạo tàu ngầm, cùng với gói trị giá 50 tỷ USD bao gồm vũ khí cho Ukraine và viện trợ nhân đạo cho người Israel và Palestine. Nhưng Quốc hội vẫn chưa xem xét cả hai gói ngân sách này vì thiếu Chủ tịch Hạ viện (vị trí mới được bầu trong ngày 25/10) để đưa các dự luật ra biểu quyết.
Tại cuộc họp, Tổng thống Biden kể lại rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hỏi ông rằng liệu thỏa thuận mua tàu ngầm có phải "đang cố gắng bao vây Trung Quốc" hay không. "Tôi đã nói không. Chúng tôi không bao vây Trung Quốc. Chúng tôi chỉ đảm bảo rằng các tuyến đường biển vẫn thông suốt", ông Biden nói.
Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh thêm: "Đó là việc duy trì ổn định ở eo biển Đài Loan, Ấn Độ-Thái Bình Dương, toàn bộ khu vực, và tôi nghĩ điều đó phần nào làm tăng triển vọng hòa bình lâu dài hơn bất cứ điều gì khác".
Trong những năm gần đây, Washington đã dần dần tăng cường hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương trong bối cảnh cạnh tranh với Trung Quốc trong khu vực gia tăng.
Tại cuộc họp báo lần này, Tổng thống Biden nhấn mạnh, liên minh giữa Australia và Mỹ là "mỏ neo" cho hòa bình và thịnh vượng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Thủ tướng Albanese đáp lại rằng, Australia muốn "một khu vực hòa bình và an toàn, nhưng chúng tôi cũng muốn một khu vực dựa trên luật pháp và nơi mà chủ quyền quốc gia bao gồm các vấn đề như Biển Đông và quyền đi lại trên tuyến đường thủy quan trọng đó, Biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan được tôn trọng".
Thủ tướng Albanese cho biết ông mong đợi một cuộc đối thoại "mang tính xây dựng" trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng tới khi ông trở thành thủ tướng Australia đầu tiên thực hiện chuyến thăm như vậy sau 7 năm.