1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

New Zealand "đánh tiếng" muốn tham gia AUKUS

Thành Đạt

(Dân trí) - New Zealand ra tín hiệu sẵn sàng tham gia thỏa thuận an ninh AUKUS với Mỹ, Anh và Australia, nhưng chỉ trong khả năng phi hạt nhân.

New Zealand đánh tiếng muốn tham gia AUKUS - 1

Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Andrew Little (Ảnh: AP).

Trong tuyên bố hôm 28/3, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Andrew Little cho biết nước này quan tâm đến việc trở thành thành viên thứ tư của thỏa thuận an ninh AUKUS, hy vọng được tham gia phát triển công nghệ quân sự như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử và công nghệ thông tin tiên tiến.

"Chúng tôi đã có cơ hội thảo luận về việc liệu chúng tôi có thể hoặc mong muốn tham gia vào khía cạnh (phi hạt nhân) của thỏa thuận đó hay không. Tôi đã bày tỏ rằng chúng tôi sẵn sàng tham gia", ông Little nói.

Bộ trưởng Little cho biết quân đội New Zealand có thể sẽ phải nâng cấp một số thiết bị để bắt kịp các tiêu chuẩn của Mỹ và Australia nếu muốn tham gia AUKUS, cụ thể là trong lĩnh vực liên lạc vì một số công nghệ của nước này "ngày càng lỗi thời".

Tuy nhiên, với các nghĩa vụ pháp lý và cam kết đạo đức của New Zealand là "phi hạt nhân", Bộ trưởng Little cho biết bất kỳ sự tham gia nào của New Zealand vào AUKUS sẽ chỉ liên quan đến vũ khí thông thường.

"Chúng tôi đã hợp tác rất chặt chẽ với các đồng minh và đối tác sở hữu tàu chiến và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, tên lửa và tàu ngầm trang bị hạt nhân. Việc tham gia AUKUS không thay đổi bất cứ điều gì mà chúng tôi đang làm", người đứng đầu Bộ Quốc phòng New Zealand nhấn mạnh.

Đầu tháng này, ông Little đã gặp quan chức an ninh quốc gia cấp cao Nhà Trắng Kurt Campbell, sau đó quan chức Mỹ nói rằng New Zealand có thể tham gia AUKUS.

Thỏa thuận AUKUS được Anh, Mỹ và Australia ký kết vào năm 2021, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ hạt nhân từ Mỹ sang Australia với sự giúp đỡ của Anh, nhằm chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng thỏa thuận này ra đời để ngăn chặn Trung Quốc. Bắc Kinh cáo buộc thỏa thuận AUKUS góp phần phổ biến công nghệ hạt nhân trên khắp thế giới, cũng như "gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình khu vực" và tăng cường "chạy đua vũ trang" ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo RT