1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Mưu đồ thâm hiểm của Trung Quốc khi đưa tên lửa ra Hoàng Sa

(Dân trí) - PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải Đảo Việt Nam cho rằng, việc Trung Quốc điều tên lửa ra Hoàng Sa là một bước leo thang nguy hiểm, nằm trong tính toán sẵn của Trung Quốc về cả chiến lược, chiến thuật, thời điểm và nhằm vào nhiều mục đích, sau Hoàng Sa có thể Trung Quốc sẽ tiến hành bước leo thang gây căng thẳng tương tự tại Trường Sa.

Trung Quốc đang thực hiện "cuộc chiến tranh kiểu mới"

Mới đây, Trung Quốc đã đưa 2 khẩu đội tên lửa với 8 bệ phóng tên lửa đất đối không cùng một hệ thống radar triển khai tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về những leo thang mới này của Trung Quốc?

Tôi cho rằng đây là một bước đi phiêu lưu, ngang ngược, công khai và lộ rõ thách thức của Trung Quốc về việc quân sự hóa Biển Đông. Đây là một dấu hiệu ‘xám màu’ của tình hình Biển Đông năm 2016. Có thể nói hành động này tiếp tục “đổ thêm dầu vào lửa”, làm cho căng thẳng Biển Đông tiếp tục leo thang, đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực và trên thế giới, gây xói mòn lòng tin chiến lược trong quan hệ với Trung Quốc. Điều này đòi hỏi không chỉ các nước có lợi ích ở Biển Đông mà cả những nước ngoài Biển Đông và cộng đồng quốc tế phải lên án và có những hành động ứng phó cụ thể.

Thực tế, việc quân sự hóa Biển Đông là một xu thế xuất hiện ngay từ những kịch bản đầu tiên của Trung Quốc, bước đi này là động thái leo thang mới với những toan tính kỹ và rất nguy hiểm.

Một số chuyên gia nhận định rằng Trung Quốc đang tìm cách tăng cường hiện diện quân sự nhằm xác lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông trong khi một số khác cho rằng động thái triển khai tên lửa của Trung Quốc là để phản ứng lại hoạt động tuần tra của Mỹ tại đây. Vậy theo ông, toan tính thực sự của Trung Quốc sau những căng thẳng leo thang mới này, thực chất là gì?

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai các vũ khí quân sự hiện đại tới đảo Phú Lâm. Hồi tháng 11 năm ngoái, Bắc Kinh đã điều chiến đấu cơ J-11 tới đường băng trên hòn đảo này. Chỉ có điều, sự can dự của Mỹ vào Biển đông cụ thể là việc đưa tàu chiến vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây phi pháp trong thời gian vừa qua ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã khiến nước này bất ngờ. Chính vì thế, việc đưa tên lửa HQ-9 tới Phú Lâm có thể là động thái ngăn chặn những chuyến bay có mục đích tương tự của Mỹ trong tương lai, đồng thời “nắn gân”, răn đe các nước khác trong khu vực.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng việc đưa tên lửa ra Hoàng Sa là một bước đi phiêu lưu ngang ngược, công khai và lộ rõ thách thức của Trung Quốc về việc quân sự hóa Biển Đông
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng việc đưa tên lửa ra Hoàng Sa là một bước đi phiêu lưu ngang ngược, công khai và lộ rõ thách thức của Trung Quốc về việc quân sự hóa Biển Đông

Thứ hai, việc triển khai này cũng mang tính đảm bảo như một đối sách đối với các mối quan hệ của khu vực có chiều hướng thay đổi đi ngược lại với những lợi ích của Trung Quốc.

Thứ ba, Trung Quốc đang tiếp tục thực hiện ý đồ chiến lược khống chế, độc chiếm đường hàng hải, hàng không. Tôi cho rằng đây chỉ là bước nắn gân, sắp tới chắc chắn Bắc Kinh sẽ tiếp tục mang máy bay, tàu chiến quân sự, tên lửa ra những đảo nhân tạo mà họ đã tôn tạo ở Trường Sa và đe dọa cả ASEAN. Rất có thể nước này sẽ thực hiện chiêu bài cũ đó là đưa nhiều dân ra Trường Sa và thực hiện cái gọi là “dân sự hóa các đảo” tức là nấp bóng dân sự để thực hiện những ý đồ quân sự. Với những bước đi này, Trung Quốc sẽ ngang nhiên chiếm đoạt lãnh thổ của nước khác. Thực tế, đây là một cuộc xâm lược, chiến tranh kiểu mới mà không mất vũ khí, không có tiếng súng hay như cách Trung Quốc hay nói đó là sự “trỗi dậy trong hòa bình”.

Điều này không chỉ gây mất ổn định, đe dọa tự do, an ninh hàng hải và hàng không trên Biển Đông, mà còn tiến xa hơn như nhằm mục đích khống chế quyền tự do hàng hải, bao gồm tự do của các tàu thương mại, tự do của người dân cũng như tự do của tàu quân sự theo Công ước luật Biển năm 1982. Việc độc chiếm vùng tự do hàng không hay khống chế tự do hàng hải trên Biển Đông, đều là những toan tính mang tính chiến lược mà sớm muộn cũng sẽ xảy ra, nhanh hay chậm phụ thuộc cả vào cách thức phản ứng của các nước và cộng đồng quốc tế.

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (Ảnh: AFP)
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (Ảnh: AFP)

Hiện nay, ở thành phố Tam Sa, Trung Quốc cũng đã chọn một số trong 7 bãi cạn ở địa khu Trường Sa để tôn tạo như bãi Chữ Thập, Gạc Ma,… để tạo ra một mạng lưới bố phòng và an ninh rất rõ ràng nhằm thực hiện các mục tiêu quân sự hóa với những ý đồ lâu dài của mình trên Biển Đông dù Trung Quốc luôn không thừa nhận công khai.

Theo ông, tại sao Trung Quốc lại chọn thời điểm thực hiện các diễn tiến leo thang mới ở Biển đông trong bối cảnh diễn ra Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN đang diễn ra ở Sunnylands, California?

Dàn tên lửa Trung Quốc kéo ra Hoàng Sa lựa chọn đúng thời điểm Mỹ và ASEAN tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh nhằm thống nhất lập trường chống quân sự hóa Biển Đông, bảo vệ luật pháp và trật tự quốc tế, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, bên cạnh các vận động hành lang, là một ‘đòn dằn mặt’ của Trung Quốc nhằm vào Mỹ và các bên liên quan, trong đó có Việt Nam.

Trung Quốc vừa muốn ngăn chặn các hoạt động bảo vệ tự do hàng không, hàng hải mà Hoa Kỳ tiến hành trên Biển Đông như thời gian qua. Mặt khác nước này cũng muốn ‘chặn trước’ các bên liên quan không ‘tuần tra chung’, không "theo Mỹ" chống hành vi bành trướng của Trung Quốc. Bước leo thang mới này cũng nhằm mục đích chia rẽ khối ASEAN nhằm phân tán sức mạnh đoàn kết của ASEAN và phá vỡ mọi nỗ lực của khối trong việc thống nhất lập trường chống quân sự hóa, leo thang xung đột ở Biển Đông. Một khi ASEAN bị chia rẽ, không coi Biển Đông là vấn đề chung của Hiệp hội mà chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc với một nước ASEAN thì Trung Quốc có thể dễ đạt được các thỏa hiệp có lợi nhất về vấn đề chủ quyền của họ trên Biển Đông.

Mặt khác, thời điểm này trên mặt trận Trung Đông, Mỹ cũng đang phải ‘căng mình’ để giải quyết các vấn đề bất ổn tại một số quốc gia liên quan đến IS. Trong bối cảnh Mỹ còn đang lúng túng và phải phân tán lo toan nhiều phương, lực lượng bị trải ra tại nhiều mặt trận thì Trung Quốc rất rảnh tay để thực hiện những chiến lược của mình. Đây cũng là cách mà Bắc Kinh khẳng định lại vị thế của mình tại khu vực Đông Á sau một thời gian dài khu vực này gặp khoảng trống về quyền lực.

Trung Quốc sẽ đẩy mạnh quân sự hóa các đảo nhân tạo

Việc Trung Quốc điều tên lửa đến đảo Phú Lâm theo ông có phải chỉ là bước đầu của quá trình đưa vũ khí trái phép đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam không? Ông dự đoán thế nào về các bước đi tiếp theo của Trung Quốc?

Theo tôi, tình hình Biển Đông năm 2016 sẽ tiếp tục nóng lên và căng thẳng hơn, xu hướng quân sự hóa của Trung Quốc vẫn được đẩy mạnh và ngày càng gia tăng. Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục giả danh các hoạt động dân sự để triển khai các hoạt động quân sự, để phát triển các địa khu hành chính của Tp. Tam Sa (Trung Quốc thành lập trái phép năm 2012), bao gồm quần đảo: Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, và Đông Sa (tranh chấp với Đài Loan). Đặc biệt tại 2 vị trí chiến lược là Hoàng Sa và Trường Sa, phía Trung Quốc sẽ tiến hành đồng bộ và tập trung hơn các hành động tôn tạo, mở rộng đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa.

Thứ 2, theo tôi Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm cách nắn gân các nước trong khu vực để khống chế được các quần đảo các nước đang chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa và khống chế đường tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Cụ thể, sau khi tôn tạo các bãi cạn thành đảo nhân tạo ở khu vực Trường Sa, tăng cường các lực lượng quân sự, dân sự và phát triển cơ sở hạ tầng dưới ‘chiêu bài’ bảo đảm an toàn tự do hàng hải thì Trung Quốc sẽ ngăn cấm quyền tự do đánh bắt cá, tự do đi lại vận chuyển hàng hóa của Việt Nam, Philippines và của các nước đang chiếm giữ ở Trường Sa. Nếu những nước này ‘lùi bước’, họ sẽ bao vây các con đường tiếp tế ra các đảo của các nước. Và đây là kịch bản có thể xảy ra ngay trong năm 2016. Năm 2013, 2014 họ đã làm điều này với đảo Cỏ Mây của Philippines. Đây là những bước đi tưởng là nhỏ nhưng rất nguy hiểm, gặm nhấm ‘chủ quyền’ của các nước bé.

Ảnh chụp gần đây cho thấy tên lửa được triển khai trên đảo Phú Lâm (Ảnh: Guardian)
Ảnh chụp gần đây cho thấy tên lửa được triển khai trên đảo Phú Lâm (Ảnh: Guardian)

Thứ ba, bên cạnh đẩy nhanh quân sự hóa, Trung Quốc sẽ tiến hành tập dượt để ‘đo phản ứng’ của các nước. Về hàng không, họ sẽ ngang nhiên tiếp tục cho các máy bay dân sự không thông báo bay vào những vùng kiểm soát không lưu (FIR) của các nước láng giềng quanh Biển Đông.

Thứ tư, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường một cách ‘sâu hơn’ mức độ dân sự hóa tại các vùng biển-đảo mà họ chiếm giữ trái phép. Nghĩa là họ đưa dân ra các ‘khu vực tranh chấp’ theo quan niệm riêng của họ là càng đông càng tốt.

Thứ năm, họ không dừng mở rộng, tôn tạo các đảo đã có đồng thời Trung Quốc sẽ mở rộng các đảo khác. Trung Quốc sẽ tiến hành ‘lấp đầy’ những ‘khoảng trống địa lý’ để lấn chiếm, khẳng định chủ quyền đơn phương của mình, họ sẽ làm căng thẳng bằng cách vẽ lại bản đồ của Tp. Tam Sa, với ý đồ vẽ mở rộng hơn để hợp pháp hóa yêu sách phi lý của Trung Quốc về ‘Đường lưỡi bò’.

Vậy theo ông, Mỹ sẽ làm gì ngoài việc cử các tàu tuần tra áp sát các khu vực đảo nhân tạo của Trung Quốc trong thời gian vừa qua?

Tôi nghĩ, vừa rồi Mỹ làm chưa ‘đủ liều’ để Trung Quốc dừng các ý đồ quân sự hóa, cho nên sắp tới Mỹ một mặt phải tăng dày hơn các hoạt động tuần tra, áp sát hơn các khu vực Trung Quốc chiếm giữ và tôn tạo trái phép. Việc Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số bãi cạn ở Trường Sa là hành động phi pháp, vi phạm luật pháp quốc tế và chưa có nước nào thừa nhận nên Trung Quốc cũng không có chủ quyền 12 hải lý như họ muốn. Vì thế, Mỹ và các quốc gia khác có quyền đi vào các khu vực như vậy trên cơ sở tôn trọng Công ước Luật biển 1982 và luật pháp quốc gia. Nếu tham vọng của Trung Quốc không giảm thì những căng thẳng Biển Đông chắc chắn sẽ chuyển sang một cục diện mới. Tôi nghĩ, Mỹ phải có những kịch bản cụ thể để chuẩn bị cho những tình huống có thể xảy ra, trong đó không loại trừ khả năng Mỹ và đồng minh thực hiện biện pháp cấm vận đối với Trung Quốc. Mặt khác, Mỹ nên tiếp tục củng cố mối quan hệ hiệu quả và thiết thực với các nước ASEAN, vì nếu ASEAN ngày càng mạnh lên, cấu trúc mới được hình thành, thực lực ngày càng thay đổi thì khả năng ảnh hưởng của ASEAN đối với khu vực càng mạnh và rõ ràng những hành vi của Trung Quốc cũng sẽ phải thay đổi.

Việc gia tăng áp lực và có giảm được gây hấn hay không, tôi cho rằng, nó phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ giữa các cường quyền chính trị. Tức là, ‘ngòi nổ’ phụ thuộc vào cách ứng xử của Mỹ và Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tự thấy mình phải thay đổi, kiềm chế hơn thì chắc chắn Mỹ cũng sẽ không đơn phương tăng cường những sức ép đối với Trung Quốc. Nhưng nếu những căng thẳng vẫn tiếp tục diễn tiến thì các quốc gia trong khu vực sẽ tăng cường những hành động của mình để đối phó, để tự vệ.

Hà Trang

Video: Xuân Ngọc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm