1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Moscow: Phương Tây cần chấp nhận rằng Nga đang thắng ở Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quan chức an ninh cấp cao của Nga kêu gọi phương Tây chấp nhận Moscow đang thắng ở Ukraine và bắt đầu đàm phán.

Moscow: Phương Tây cần chấp nhận rằng Nga đang thắng ở Ukraine - 1

Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu (Ảnh: Tass).

Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu, một đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin, ngày 7/11 cho rằng, phương Tây nên chấp nhận thực tế rằng Nga đang thắng trong cuộc xung đột Ukraine và phương Tây nên xúc tiến để đàm phán để chấm dứt giao tranh.

Cuộc chiến được cho đang bước vào giai đoạn quan trọng sau khi lực lượng Nga tiến quân từ tháng 8 tới nay với tốc độ nhanh nhất trong 2 năm qua.

Thêm vào đó, việc ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đắc cử tổng thống cũng làm dấy lên những đồn đoán về quy mô viện trợ quân sự trong tương lai của Washington cho Ukraine.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã tuyên bố có thể mang lại hòa bình cho Ukraine trong vòng 24 giờ nếu được bầu, nhưng chưa đưa ra chi tiết về cách ông sẽ thực hiện để khép lại cuộc chiến trên bộ lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II.

Ông Shoigu, người từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Nga, cáo buộc phương Tây đã cố gắng sử dụng Ukraine để gây ra thất bại chiến lược cho Nga nhưng kế hoạch đã bất thành.

"Bây giờ, khi tình hình tại chiến trường đang rất bất lợi cho Ukraine, phương Tây phải đối mặt với sự lựa chọn, hoặc tiếp tục viện trợ cho Kiev và hủy hoại người dân Ukraine hoặc thừa nhận thực tế hiện tại và bắt đầu quá trình đàm phán", ông Shoigu cho biết.

Điện Kremlin đã phản ứng thận trọng vào ngày 6/11 sau khi ông Trump được dự đoán chiến thắng, nhấn mạnh Mỹ vẫn là một quốc gia không thân thiện và chỉ có thời gian mới có thể trả lời rằng liệu cam kết của ông Trump về việc giúp chấm dứt chiến sự ở Ukraine có trở thành hiện thực hay không.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần khẳng định Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine trong bối cảnh xung đột vẫn chưa hạ nhiệt.

"Tôi đã nói nhiều lần rằng Nga không chỉ sẵn sàng đàm phán mà còn từng tổ chức các cuộc đàm phán như vậy tại một thời điểm nhất định, cụ thể là ngay từ đầu cuộc xung đột này. Những cuộc đàm phán đó thậm chí còn dẫn đến một hiệp ước mà hai bên đều có thể chấp nhận và được phía Ukraine ký tắt", Tổng thống Putin cho biết.

"Tuy nhiên, phía Ukraine đã từ chối hiệp ước đó theo lời khuyên của các nước bên ngoài. Điều này đã được các quan chức Ukraine xác nhận", ông nhấn mạnh.

Hồi tháng 6, ông Putin đã đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Đề xuất này dự kiến công nhận bán đảo Crimea, Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia là các khu vực của Nga, duy trì tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nước này cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Ông Putin cũng kêu gọi Ukraine duy trì tình trạng trung lập, không gia nhập NATO.

Ukraine đã bác bỏ sáng kiến này. Tổng thống Zelensky mô tả đề xuất của Moscow là tối hậu thư.

Cuối năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra công thức hòa bình gồm 10 điểm để đi đến chấm dứt xung đột với Nga. Trong số các điểm của công thức hòa bình này có yêu cầu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine và bồi thường chiến tranh cho Kiev.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm