1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tâm trạng thấp thỏm của binh sĩ Ukraine khi ông Trump đắc cử

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quân nhân Ukraine bày tỏ sự thấp thỏm, lo lắng sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ khiến tương lai của các gói viện trợ quân sự của Washington cho Kiev trở nên không rõ ràng.

Tâm trạng thấp thỏm của binh sĩ Ukraine khi ông Trump đắc cử - 1

Lực lượng Ukraine khai hỏa vào vị trí của Nga (Ảnh: AFP).

Financial Times dẫn lời một quan chức quốc phòng Ukraine cho biết, nhiều binh sĩ nước này lo ngại rằng nếu ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới, các gói hỗ trợ quân sự cho Kiev sẽ giảm và Ukraine sẽ "mất thêm đất, ít nhất là vùng Donbasss".

"Đối với chúng tôi, sự ủng hộ của Mỹ có ý nghĩa sống còn. Chúng tôi cần thuyết phục ông Trump ủng hộ chúng tôi", một cố vấn quốc phòng Ukraine giấu tên cho biết.

Ông thừa nhận có suy nghĩ "bi quan hơn" so với những quan chức khác. "Một số người nghĩ rằng cách tiếp cận đột phá của ông Trump thực sự sẽ là cách duy nhất giúp mang lại kết quả", ông cho biết.

Một quan chức Ukraine khác cho hay, tại Kiev, bầu không khí lo ngại đã có dấu hiệu gia tăng. Ông Trump nhiều lần tuyên bố có thể khiến xung đột Nga - Ukraine khép lại trong 24 giờ, nhưng cả Nga và Ukraine đều hoài nghi với tính khả thi của tuyên bố này.

Trong bài phát biểu chiến thắng tại Florida, ông Trump không trực tiếp đề cập đến cuộc chiến ở Ukraine nhưng nhấn mạnh Mỹ không phải đối mặt với cuộc chiến nào trong nhiệm kỳ của ông từ năm 2017 đến 2021.

"Tôi sẽ không bắt đầu cuộc chiến, tôi sẽ khiến các cuộc chiến dừng lại", ông Trump tuyên bố.

Ông Trump đắc cử vào thời điểm Nga đang đạt được ưu thế mạnh mẽ trên chiến trường, đặc biệt ở vùng Donbass. Nga liên tiếp giành được lãnh thổ từ Ukraine trong thời gian qua trong khi Kiev đang kiểm soát một phần đất của Nga ở Kursk.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, tới nay vị thế đàm phán của Ukraine vẫn chưa thể bằng Nga nếu 2 bên ngồi xuống thương lượng và Moscow vẫn đang có lợi trong cuộc chiến tiêu hao. Mặt khác, Ukraine cũng nhiều lần tuyên bố sẽ không nhượng bộ lãnh thổ. Vì vậy, hiện chưa rõ ông Trump sẽ gây áp lực cho 2 bên như thế nào để họ có thể chấp nhận đàm phán.

"Tôi không tin về việc ông Trump có thể gây được áp lực cho Tổng thống Nga Vladimir Putin", Yurii, một người lính 52 tuổi được triển khai ở mặt trận Zaporizhia, cho biết.

Cũng tại mặt trận này, quân nhân Serhii Koniukh cho biết, đảng Dân chủ có xu hướng ủng hộ Ukraine nhiều hơn, vì vậy, khi đảng Cộng hòa lên nắm quyền, viện trợ quân sự cho Ukraine đối mặt với sự không chắc chắn.

Trung úy có mật danh "Spy" đang chiến đấu ở Kursk, nhận định, nếu Ukraine để cuộc chiến bị đóng băng, thì đó sẽ là thất bại. "Nó sẽ biến thành một cuộc xung đột cường độ thấp và sau một thời gian, khi Nga hồi phục sức mạnh, họ sẽ lại tham chiến", Spy nhận định.

Mặt khác, trên tiền tuyến, nhiều binh sĩ Ukraine vẫn tỏ ra lạc quan. Sĩ quan Myroslav Hai cho biết: "Bất kể tổng thống là ai, vì Ukraine có sự ủng hộ của người dân Mỹ, nên bất kỳ chính quyền nào cũng sẽ ủng hộ chúng tôi. Nhiều người gốc Ukraine sống ở Mỹ. Đây là một cộng đồng di cư rất lớn. Họ tham gia vào chính trường Mỹ. Và họ giúp chúng tôi". 

"Đất nước chúng ta đang trong tình hình khó khăn, nhưng chúng ta nhìn về tương lai một cách lạc quan. Chúng ta không muốn dừng cuộc chiến của mình. Chúng ta sẽ chiến đấu vì nền dân chủ và độc lập của mình", Hai cho biết. 

Theo FT, Kyiv Independent
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine