(Dân trí) - Bác sĩ phải quyết định bệnh nhân nào có khả năng sống sót cao hơn để điều trị khi số ca tử vong vì Covid-19 tại Mỹ đang ở mức cao nhất thế giới.
Mỗi phút có một người chết, bác sĩ Mỹ phải chọn bệnh nhân để cứu
Bác sĩ phải quyết định bệnh nhân nào có khả năng sống sót cao hơn để điều trị khi số ca tử vong vì Covid-19 tại Mỹ đang ở mức cao nhất thế giới.
Một cảnh tượng đã trở nên quen thuộc bên trong Trung tâm Y tế United Memorial tại thành phố Houston, bang Texas khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ: Các nhân viên y tế rơi vào trình trạng quá tải khi phải kiểm soát làn sóng bệnh nhân Covid-19 được đưa qua cửa bệnh viện mỗi ngày.
Tại các điểm nóng Covid-19 ban đầu tại Mỹ như New York, tình trạng khẩn cấp về y tế đã tạm lắng. Trong khi đó, tại Texas, một trong nhiều bang ở Mỹ đang vật lộn với làn sóng Covid-19 bùng phát trở lại, hệ thống y tế phải căng mình để đối phó với dịch bệnh.
Bác sĩ Joseph Varon, trưởng khoa y tế tại Trung tâm Y tế United Memorial, cho biết ông lo sợ rằng ông sẽ sớm phải đối mặt với tình thế “tiến thoái lưỡng nan” như nhiều bác sĩ ở những nơi khác từng trải qua khi họ vật lộn ứng phó với giai đoạn đầu của dịch. Đó là việc phải đưa ra quyết định sẽ cứu bệnh nhân nào.
“Tôi lo sợ rằng đến một lúc nào đó tôi sẽ phải đưa ra những quyết định rất nghiêm trọng. Tôi bắt đầu nhận thức được rằng tôi không thể cứu sống tất cả mọi người”, bác sĩ Varon nói với Reuters.
Ông Varon chịu trách nhiệm giám sát khu vực điều trị dành riêng cho các bệnh nhân mắc Covid-19 tại bệnh viện. Bác sĩ 58 tuổi cho biết ông thường tiếp nhận khoảng 40 người mỗi ngày.
Bác sĩ Varon nói rằng trong sự nghiệp của mình, ông chưa bao giờ ký nhiều giấy chứng tử cho bệnh nhân như những gì ông đã làm vào tuần trước.
Hồi đầu tháng, phóng viên của Reuters đã theo chân bác sĩ Varon, một chuyên gia về phổi và điều trị nguy kịch, trong một ca làm việc của ông. Ông vội vã đi qua các sảnh, dừng lại để theo dõi bệnh án hoặc phim chụp X quang và kiểm tra các bệnh nhân. Thỉnh thoảng ông an ủi các bệnh nhân hoặc cầm tay họ để động viên.
Nhiều bệnh nhân tại khu vực điều trị Covid-19 của bác sĩ Varon cần có ống thở hỗ trợ, trong khi một số phải luồn ống khí quản.
Tới buổi chiều, bác sĩ Varon và nhóm của ông vội vã lao tới để hồi sức tim phổi cho một bệnh nhân, tuy nhiên người này sau đó không qua khỏi. Các nhân viên y tế che thi thể bằng một tấm khăn trắng và bọc vào túi xác.
Thảm họa chưa từng thấy
Mỹ hiện vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới. Theo Reuters, cứ mỗi phút trôi qua lại có một người ở Mỹ tử vong vì Covid-19. Số người chết tại Mỹ đã vượt mốc 150.000 và con số này đang ở mức cao nhất thế giới.
Trong ngày 29/7, Mỹ ghi nhận 1.461 ca tử vong vì Covid-19, mức tăng trong ngày cao nhất kể từ ngày 27/5. Số người chết vì Covid-19 tại Mỹ tăng với tốc độ nhanh nhất trong 2 tháng gần đây và Mỹ ghi nhận thêm 10.000 ca tử vong chỉ trong 11 ngày qua.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ suốt nhiều tháng và chưa có dấu hiệu suy giảm, các nhân viên y tế tại tuyến đầu chống dịch dễ dàng trở thành mục tiêu bị virus tấn công.
Nhóm của bác sĩ Varon cũng không phải ngoại lệ. Christina Mathers, y tá 43 tuổi tại Trung tâm Y tế United Memorial, cho biết cô có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona tuần trước sau khi cảm thấy không khỏe trong một ca làm việc.
“Đó là điều khó khăn nhất mà tôi từng nghe. Nhưng tôi không thể đi đâu khác ngoài nơi này”, Mathers chia sẻ.
Bác sĩ Varon cho biết việc ứng phó với Covid-19 đã trở thành thách thức lớn đối với các nhân viên y tế.
“Trong suốt cuộc đời của mình, tôi đã gặp nhiều thảm họa khủng khiếp. Nhưng không thảm họa nào khó ứng phó như Covid-19”, ông Varon nói.
Riley Harrison, bệnh nhân 67 tuổi, cho biết ông bắt đầu cảm thấy khó thở khi đang làm việc và phải cố hết sức để lấy đủ không khí vào phổi trước khi gọi điện cho vợ - người cũng bị mắc Covid-19. Cả hai vợ chồng ông đều đang được điều trị tại Trung tâm Y tế United Memorial.
“Tôi không thể thở được”, Harrison nói thều thào khi oxy được chuyển qua ống thở để đưa vào mũi của ông.
“Nếu bạn muốn chết, hãy chơi đùa với Covid”, Harrison nói.
Các chuyên gia và giới chức y tế cảnh báo rằng số người trẻ mắc Covid-19 ngày càng tăng, do vậy giới trẻ không nên coi Covid-19 chỉ là mối nguy hiểm đối với người lớn tuổi.
Larissa Raudales, 18 tuổi, cảm thấy khó thở và đau ở phổi khi cô được đưa tới Trung tâm Y tế United Memorial. Sau thời gian điều trị, cô bắt đầu cảm thấy khỏe hơn.
“Tôi rất sợ hãi… Tôi từng nghĩ mình không thể thở được nữa. Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng mình sắp chết”, Raudales kể lại.
Texas, cùng với California và Florida, nổi lên là một trong những điểm nóng Covid-19 mới tại Mỹ. Tính đến tháng 7, Texas đã tăng gấp đôi số ca nhiễm, lên hơn 400.000 người. Chỉ trong tuần trước, số ca tử vong tăng 32%, lên hơn 1.000 người.
Texas hiện là bang dẫn đầu nước Mỹ với gần 4.300 trường hợp tử vong trong tháng 7, theo sau đó là Florida với 1.900 ca và California với 2.700 ca. Tình trạng này buộc các bang phải thay đổi kế hoạch mở cửa nền kinh tế vốn gặp khó khăn do lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19 từ tháng 3 và tháng 4.
Bác sĩ David Persse tại Sở Y tế Houston cho biết các bệnh viện trong khu vực đang phải vật lộn với dịch bệnh khi họ không có đủ nhân sự để đối phó với cuộc khủng hoảng kéo dài suốt nhiều tháng.
“Những người làm việc trong bệnh viện đều đã kiệt sức… Đó là tổn thất cả về thể chất lẫn tinh thần. Đó là lý do chúng tôi gọi đó là thảm họa”, ông Persse nói.