Mổ xẻ "quyền lực mềm" của Trung Quốc ở Zimbabwe
(Dân trí) - Chủ tịch Tập Cận Bình từng nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Zimbabwe trong cuộc gặp với Tổng thống Robert Mugabe và Bắc Kinh vẫn luôn được xem là đồng minh “kề vai sát cánh” với quốc gia châu Phi trong nhiều thập niên qua.
Bạn bè lâu năm
Sự hiện diện của Trung Quốc ở Zimbabwe bắt đầu từ những năm 1970 khi Bắc Kinh ngầm cung cấp đạn dược và hỗ trợ tài chính cho lực lượng du kích của Tổng thống Robert Mugabe trong cuộc chiến tranh giành độc lập. Trong những năm sau đó, Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ cả về chính trị và tài chính cho Zimbabwe, đầu tư sâu rộng trên nhiều lĩnh vực và giúp quốc gia châu Phi phát triển hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Mối quan hệ về quân sự giữa Zimbabwe và Trung Quốc không chỉ dừng lại ở những cuộc trao đổi thông thường giữa các quan chức cấp cao. Theo các nguồn tin ngoại giao Mỹ, kể từ khi giành độc lập từ năm 1980, chính phủ Zimbabwe đã mua hàng loạt khí tài quân sự từ Trung Quốc, bao gồm “máy bay, vũ khí, radar phòng không và thiết bị y tế”.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng thường xuyên cử các cố vấn kỹ thuật quân sự tới làm việc cùng những người đồng cấp tại Zimbabwe. Gần đây nhất, Trung Quốc đã rót vốn và giúp Zimbabwe xây dựng trường đại học quân sự chuyên nghiệp đầu tiên của nước này.
Khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp lệnh các lệnh trừng phạt sau cuộc bầu cử năm 2002 tại Zimbabwe, Trung Quốc đã “chìa tay” giúp đỡ và đầu tư hơn 100 dự án tại quốc gia châu Phi này. Bắc Kinh cũng đã ngăn cản Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt các lệnh cấm vận đối với Zimbabwe và các lãnh đạo cấp cao của nước này.
Guardian ước tính, chỉ tính riêng trong năm 2015, Trung Quốc đã đầu tư tới 450 triệu USD vào Zimbabwe, chiếm hơn một nửa nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào quốc gia châu Phi này. Hồi tháng 1, Tổng thống Mugabe đã có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình. Khi đó nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nói với ông Mugabe rằng “Bắc Kinh sẽ không bao giờ quên người bạn cũ”.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã tới thăm Zimbabwe vào tháng 12/2015 và cam kết sẽ cung cấp các khoản đầu tư và viện trợ lên tới 5 tỷ USD cho nước này. Trung Quốc đã viện trợ 46 triệu USD giúp Zimbabwe xây tòa nhà quốc hội mới ở thủ đô Harare, cùng với đó là các dự án mở rộng nhà máy nhiệt điện, xây dựng bệnh viện ở vùng nông thôn của Zimbabwe.
“Trung Quốc rất chung thủy với Zimbabwe, họ luôn ở bên cạnh đồng minh lâu năm và mỗi khi có các quan chức cấp cao như ông Mugabe sang thăm, Bắc Kinh luôn trải thảm đỏ đón tiếp”, nhà nghiên cứu Van Staden tại Viện nghiên cứu Nam Phi cho biết.
Theo ông Wang Xinsong, Phó Giáo sư tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, “từ sau khi lên nắm quyền, ông Mugabe liên tục được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Zimbabwe và đã đầu tư rất mạnh vào nước này”.
Chuyến đi gây tranh cãi
Theo CNN, chuyến thăm của Tổng tư lệnh quân đội Zimbabwe, Tướng Constantino Chiwenga, tới Trung Quốc gần đây không được xem là hành động bất thường nếu đặt trong bối cảnh Bắc Kinh là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất và cũng là đồng minh lâu năm của Harare. Trong chuyến thăm này, Tướng Chiwenga đã gặp các lãnh đạo cấp cao của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi ông Chiwenga về nước, Zimbabwe lập tức lâm vào khủng hoảng chính trị khi quân đội nước này do Tướng Chiwenga chỉ huy đã bất ngờ nắm quyền kiểm soát và quản thúc Tổng thống Robert Mugabe. CNN nhận định trong bối cảnh đó, chuyến đi của Tướng Chiwenga lập tức bị nghi vấn và một số ý kiến cho rằng Tổng tư lệnh quân đội Zimbabwe có thể đã tìm kiếm sự ủng hộ ngầm từ phía Bắc Kinh cho động thái nhằm vào Tổng thống Mugabe.
Theo Phó Giáo sư Wang, Trung Quốc thực chất không mong muốn chứng kiến cảnh Zimbabwe rơi vào thời kỳ rối loạn chính trị và bất ổn xã hội như hiện nay. Tuy nhiên, hầu hết giới quan sát nhận định Bắc Kinh nhiều khả năng có liên quan tới cuộc chính biến tại Zimbabwe, hoặc ít nhất cũng đã được thông báo trước về vấn đề này.
“Thực tế cho thấy những chuyến thăm kiểu như vậy tới Trung Quốc ngay trước thềm cuộc chính biến chắc chắn sẽ nói lên điều gì đó”, nhà nghiên cứu Cobus Van Staden nhận định.
Theo thông cáo báo chí của quân đội Trung Quốc, Tướng Chiwenga đã gặp Tướng Li Zuocheng - Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc. Khi đó, Tướng Li đã khẳng định rằng Zimbabwe và Trung Quốc là “bạn bè kề vai sát cánh bên nhau”. Ngoài ra, Tổng tư lệnh quân đội Zimbabwe cũng gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn vào ngày 10/11 tại Bắc Kinh.
Phó Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa, người mới bị Tổng thống Mugabe sa thải hôm 7/11, là một trong những binh sĩ du kích đầu tiên của đảng Zanu Zimbabwe được cử tới Trung Quốc để tham gia huấn luyện quân sự. Vụ sa thải Phó Tổng thống Mnangagwa được cho là có liên quan tới cuộc chính biến khiến Tổng thống Mugabe bị “ngã ngựa” trong những ngày vừa qua.
Tuy nhiên, Tổng thống Mugabe 93 tuổi được cho là người được hưởng lợi nhiều nhất từ sự hỗ trợ của Trung Quốc. Khi mối quan hệ giữa ông Mugabe và phương Tây bắt đầu xấu đi vào cuối thập niên 1990, Tổng thống Zimbabwe đã trông cậy vào Trung Quốc để nhận được sự hỗ trợ từ phía đồng minh.
Hỗ trợ vô điều kiện
Trong bài bình luận trên Thời báo Hoàn cầu, một ấn phẩm của nhà nước Trung Quốc, nhà nghiên cứu Wang Hongyi thuộc Viện nghiên cứu Tây Á và châu Phi, cho biết Trung Quốc ngày càng lo ngại về mức độ an toàn lâu dài của các khoản đầu tư mà nước này đã thực hiện tại Zimbabwe.
“Các dự án đầu tư của Trung Quốc ở Zimbabwe đã trở thành nạn nhân của chính sách do Tổng thống Mugabe đưa ra và một số dự án buộc phải đóng cửa hoặc chuyển sang nước khác trong những năm gần đây, khiến (Trung Quốc) tổn thất nặng nề. Quan hệ song phương không đạt được như kỳ vọng dưới sự lãnh đạo của ông Mugabe”, ông Wang cho biết.
Nhà nghiên cứu Wang nhận định sự thay đổi của chính quyền Zimbabwe có thể sẽ mang lại lợi ích cho quan hệ song phương, bao gồm cả các cơ hội phát triển mới cho Trung Quốc và Zimbabwe.
Theo Quartz, Ronald Chipaike, giảng viên nghiên cứu về quan hệ song phương Trung Quốc - Zimbabwe tại Đại học Bindura tại Zimbabwe, đã nhìn nhận lập trường của Trung Quốc từ phía Phó Tổng thống Zimbabwe Mnangagwa mới bị cách chức.
Cuộc đối đầu giữa bà Grace Mugabe, phu nhân Tổng thống Mugabe, và ông Mnangagwa được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất ổn hiện nay ở Zimbabwe khi cả hai đều tham vọng trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của quốc gia này. Theo ông Ronald, Trung Quốc dường như ủng hộ ông Mnangagwa trong cuộc chạy đua vào ghế tổng thống Zimbabwe.
“Một sự thay đổi quyền lực sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc vì ông Mnangagwa được xem là một lãnh đạo thực dụng, người có thể cải tổ nền kinh tế của Zimbabwe để thúc đẩy đầu tư”, ông Ronald cho biết.
NBC dẫn lời Giáo sư Teddy Brett tại Trường Kinh tế London nói rằng, dù cho ai lên nắm quyền ở Zimbabwe đi chăng nữa thì nước này vẫn cần sự hỗ trợ từ bên ngoài và trong bối cảnh đó, Trung Quốc vẫn là nguồn lực sức mạnh chính. Giáo sư Teddy khẳng định Trung Quốc sẽ luôn hỗ trợ chính quyền ở Zimbabwe một cách “vô điều kiện” dù cho chính quyền đó có được bầu cử hay không.
Thành Đạt
Tổng hợp