1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mặt trận miền Nam nóng rực, vũ khí phương Tây dồn dập đổ về Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Ukraine tiếp tục nhận thêm các vũ khí hiện đại từ phương Tây trong khi các cuộc giao tranh đang diễn ra khốc liệt tại các thành phố miền Nam.

Mặt trận miền Nam nóng rực, vũ khí phương Tây dồn dập đổ về Ukraine - 1

Hệ thống pháo MARS II ở Đức (Ảnh: Getty).

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov ngày 1/8 thông báo, nước này tiếp tục nhận thêm lô 4 hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS do Mỹ sản xuất.

"Thêm 4 hệ thống HIMARS đã được chuyển đến Ukraine. Tôi rất cảm kích Tổng thống Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cùng người dân Mỹ vì đã tăng cường sức mạnh của quân đội Ukraine. Chúng tôi đã chứng minh rằng, chúng tôi vận hành loại vũ khí này một cách thông minh", ông Reznikov viết trên Twitter.

HIMARS là tổ hợp pháo phản lực cơ động cao do Mỹ cung cấp cho Ukraine gần đây, có tầm bắn khoảng 80km đối với đạn pháo thông thường và có thể lên tới 300km với tên lửa chiến thuật. Ukraine liên tục ca ngợi uy lực của loại vũ khí này và nhấn mạnh thêm rằng họ cần khoảng 50 tổ hợp như vậy để xoay chuyển cục diện chiến trường. 

Bộ trưởng Quốc phòng Reznikov hôm nay cũng thông báo, hệ thống pháo phản lực phóng loạt MARS II do Đức tài trợ đã được chuyển đến Ukraine.

"Cảm ơn nước Đức và cá nhân người đồng cấp của tôi, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht vì những hệ thống này", ông Reznikov bình luận.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht ngày 26/7 thông báo, Đức đã "giữ lời hứa" khi chuyển giao các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt MARS II và lựu pháo tự hành PzH 2000 cho Ukraine. 

MARS II còn được gọi là phiên bản châu Âu của tổ hợp pháo phản lực phóng loạt M270. MARS II sử dụng hệ thống kiểm soát hỏa lực do Airbus thiết kế nhằm vô hiệu hóa khả năng phóng rocket mang theo đạn chùm, bom.

MARS II có tầm bắn tương tự hệ thống HIMARS do Mỹ viện trợ cho Ukraine, có khả năng mang nhiều rocket hơn (12 rocket thay vì 6 rocket), nhưng khả năng cơ động kém hơn. Đức tuyên bố sẽ viện trợ cho Ukraine 3 hệ thống này, nhưng không rõ hiện có bao nhiêu hệ thống đã được bàn giao cho các lực lượng Ukraine.

Mặc dù là một trong những quốc gia viện trợ vũ khí nhiều nhất cho Ukraine, nhưng Đức vẫn không tránh khỏi sự chỉ trích từ Kiev. Kiev cho rằng, sự hỗ trợ của Berlin là chưa đủ và chậm trễ. Ukraine cho biết, họ cần nhiều vũ khí hơn nữa để có thể xoay chuyển cục diện chiến sự với Nga.

Nga nhiều lần thông báo hỏa lực của họ đã phá hủy một số bệ phóng HIMARS của Ukraine. Moscow cũng cảnh báo mở rộng mục tiêu tấn công ở Ukraine nếu phương Tây tiếp tục "bơm" vũ khí hạng nặng cho Kiev.

Trong khi đó, Ukraine thừa nhận các lô viện trợ vũ khí gần đây của Mỹ và đồng minh, đặc biệt là HIMARS và lựu pháo cỡ nòng 155mm, đã giúp Ukraine ổn định tình hình mặt trận Donbass ở miền Đông. Tổng thống Volodymyr Zelensky tin rằng, quân đội Ukraine có thể giành lợi thế trên chiến trường và gây tổn thất lớn cho Nga nhờ vũ khí do phương Tây viện trợ.

Các lô vũ khí mới được chuyển đến Ukraine trong bối cảnh Nga gần đây liên tục tấn công mục tiêu ở các thành phố miền Nam Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cuối tháng 7 xác nhận, Moscow đã mở rộng mục tiêu của chiến dịch quân sự ở Ukraine, không chỉ còn là Donbass mà cả những khu vực như Kherson, Zaporizhzhia và một số vùng lãnh thổ khác ở miền Nam Ukraine.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine