"Mặt trận không tiếng súng" có thể đốt nóng xung đột Israel - Hamas
(Dân trí) - Chuyên gia cảnh báo, làn sóng tin tức sai lệch xuất hiện ồ ạt trên mạng xã hội thời gian qua có thể "đổ thêm dầu vào lửa" trong cuộc chiến trên thực địa giữa Israel và lực lượng Hamas.
Khi xung đột Israel - Hamas chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt", các chuyên gia và nhà phân tích nhận định rằng vấn nạn tin tức sai lệch lan truyền trực tuyến là ảo, nhưng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng trên thực tế.
Vụ nổ tại một bệnh viện ở Gaza khiến hàng trăm người Palestine thiệt mạng hôm 17/10 được là tâm điểm mới nhất trong cuộc chiến thông tin - vốn được xem là "mặt trận không tiếng súng" trong mỗi cuộc xung đột. Hai phía đều cáo buộc bên còn lại đứng sau vụ tấn công.
Người ủng hộ của Israel và Hamas liên tục phát đi những thông điệp nhằm có lợi cho bên mình và gây bất lợi cho đối phương.
Trong một cuộc chiến thông tin giữa lúc chiến sự diễn ra, các bên có khả năng sẽ đưa ra các thông tin dù đôi khi chúng có tính xác thực không cao. Trên thực tế, tình hình trên chiến trường khá hỗn loạn và việc thông tin không chính xác lan truyền là điều có thể hiểu được.
Tuy nhiên, việc các bên chọn việc công bố nó rộng rãi trên khắp mạng lưới thông tin hay không là do tính toán của họ.
Trong xung đột Israel và Hamas, bộ phận kiểm tra thông tin của hãng Reuters đã phát hiện ra hàng loạt các vụ việc mà mạng xã hội sử dụng hình ảnh và thông tin giả mạo. Một số trường hợp thông tin nhầm lẫn bị lan truyền.
Ví dụ, hãng tin Al Jazeera (Qatar) đã phải lên tiếng bác bỏ rằng họ không có nhà báo nào tên là "Farida Khan". Đây là tên của một tài khoản X (Twitter) tự nhận mình là nhà báo ở Gaza của hãng trên và nói rằng Al Jazeera có video cho thấy "tên lửa Hamas rơi xuống bệnh viện".
Sau khi Al Jazeera phủ nhận sự tồn tại của "Farida Khan" và cả thông tin nói trên, tài khoản này đã biến mất.
Một ví dụ khác là video của Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu về tình hình Ukraine năm ngoái đã được chia sẻ lại với phụ đề bịa đặt "cảnh báo Mỹ không can thiệp vào xung đột Israel - Hamas".
Một số hình ảnh và video ghi lại những sự kiện trong quá khứ cũng bị bóp méo trên mạng trở thành cái gọi là "bằng chứng" về việc các bên tấn công dân thường ở phía còn lại.
Mạng ảo, hậu quả thật
Theo Reuters, các thông tin giả mạo lan truyền rầm rộ trên mạng có thể gây ra những hậu quả trên thực tế. Nó có thể khiến cho xung đột giữa 2 bên thêm leo thang giữa lúc nhiều quốc gia đang kêu gọi giải pháp đàm phán hòa bình để bảo vệ tính mạng dân thường.
Thông tin giả mạo cũng có thể kích động tâm lý thù ghét ở những khu vực khác trên thế giới. Ví dụ, tại Illinois, Mỹ, một chủ nhà bị cáo buộc mắc tội ác thù ghét vì đâm chết một bé trai người Mỹ gốc Palestine 6 tuổi và khiến mẹ cậu bị thương.
Văn phòng cảnh sát địa phương cho biết các nạn nhân "bị nghi phạm nhằm mục tiêu do họ là người Hồi giáo và do cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông liên quan đến Hamas và Israel".
Pháp cũng đã được đặt trong tình trạng báo động an ninh cao nhất sau khi một giáo viên thiệt mạng trong một vụ tấn công. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết vụ tấn công có liên quan đến các sự kiện ở Trung Đông.
Các trường học Do Thái ở London, Anh đã đóng cửa vào cuối tuần qua sau khi một tổ chức ghi nhận tâm lý chống lại người Do Thái gia tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong các cuộc xung đột hiện đại, trên toàn cầu cũng như ở Trung Đông, các bên tham chiến từ lâu đã sử dụng truyền thông và mạng xã hội để kêu gọi sự ủng hộ cho cuộc chiến trên thực địa. Vì vậy, họ đôi khi sẽ cung cấp thông tin có lợi cho phe mình và bất lợi cho đối phương.
Giới chức các nước và từ các tổ chức quốc tế đang theo dõi xu hướng này. Quan chức EU Thierry Breton cáo buộc mạng xã hội X, Facebook, TikTok và YouTube chưa hành động đầy đủ để đối phó với tình trạng thông tin sai sự thật trên các nền tảng này.