1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vì sao phương án quân sự không thể giải quyết xung đột Israel - Hamas?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia nêu lý do mà các biện pháp quân sự cứng rắn sẽ không thể giải quyết tận gốc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas của người Palestine.

Vì sao phương án quân sự không thể giải quyết xung đột Israel - Hamas? - 1

Rocket bay từ Gaza vào khu vực do Israel kiểm soát (Ảnh: Reuters).

Israel đã tuyên bố tình trạng chiến tranh và cho biết sẽ loại bỏ Hamas sau khi lực lượng này mở cuộc tấn công bất ngờ vào các khu vực do Nhà nước Do Thái kiểm soát hôm 7/10.

Israel giờ đây đã phát đi tín hiệu về việc đưa quân vào Dải Gaza theo đường bộ để tấn công Hamas. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng, nếu Israel quyết định sử dụng biện pháp quân sự cứng rắn, điều đó sẽ không thể giải quyết gốc rễ của mâu thuẫn hơn 7 thập niên qua.  

Alon Burstein, chuyên gia tại Đại học California, Irvine (Mỹ) nhận định rằng Israel sẽ rất khó để có thể loại hoàn toàn lực lượng Hamas bằng biện pháp quân sự quyết liệt.

Hamas là lực lượng Hồi giáo đang kiểm soát Dải Gaza, một dải đất hẹp có hơn 2 triệu dân bị Israel phong tỏa trong 17 năm qua.

Các cuộc tấn công "ăn miếng, trả miếng" của Hamas và Israel trong 7 ngày qua đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng nghìn người khác bị thương.

Shibley Telhami, giáo sư tại Đại học Maryland (Mỹ), cho rằng cuộc xung đột đã gây ra hệ quả về mặt tâm lý, nhân đạo và chiến lược. Nó tạo ra những thực tế mới có thể tác động tới cục diện mâu thuẫn trong nhiều năm tới.

"Suy nghĩ của Israel rằng họ có thể kiềm chế được Hamas và sống chung với những vụ nã rocket sẽ không bao giờ lặp lại", ông dự đoán. Vì vậy, Israel dường như thể hiện sự quyết tâm để thực hiện chiến dịch nhằm loại Hamas bằng vũ lực.

Tuy nhiên, chuyên gia Kenneth Gray, một cựu đặc vụ FBI, nhận định việc thực hiện mục tiêu trên sẽ không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Loại Hamas đồng nghĩa với việc Israel phải đối mặt các cuộc chiến khốc liệt trong đô thị, đối kháng tại từng căn nhà, từng con đường. Với mật độ nhà cửa và dân cư khá dày đặc tại Gaza, đây có thể là nhiệm vụ đầy tính thách thức.

Tuy nhiên, ngay cả khi Israel đạt được mục tiêu trên, họ vẫn không thể giải quyết căng thẳng giữa quốc gia này với người Palestine, ông Telhami nhận định.

Về mặt bản chất, xung đột giữa người Israel và Palestine liên quan tới tôn giáo, nên các biện pháp quân sự cứng rắn tới đâu cũng không thể chấm dứt tận gốc mâu thuẫn này.

"Sẽ không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột này. Bạn loại bỏ Hamas và sau đó thì sao? Các lực lượng khác sẽ xuất hiện và thay thế họ với những cảm xúc tức giận, tổn thương", ông Telhami nói.

Ông Burstein cho rằng vũ lực sẽ không bao giờ là cách hiệu quả để đối phó với lực lượng như Hamas.

"Nếu Hamas bị loại bỏ, lực lượng này vẫn có thể trỗi dậy trở lại hoặc sẽ có một nhóm có cách tiếp cận quyết liệt hơn nữa xuất hiện", ông cảnh báo.

Theo ông, cần phải có sự kết hợp giữa biện pháp quân sự và ngoại giao bổ sung, để có thể làm tình hình lắng dịu. Giải pháp này có thể sẽ cần có sự tham gia của một lực lượng, tổ chức khác của người Palestine.

Ví dụ, theo ông Burstein, trong kịch bản Israel loại bỏ được Hamas, họ có thể đề nghị chính quyền Palestine, vốn đang kiểm soát khu vực Bờ Tây, tiếp quản Gaza. Đây có thể là phương án hiệu quả cho Israel, ông nhận định.  

Các chuyên gia đồng thời lo ngại về việc nếu Israel đưa quân vào Gaza theo đường bộ, xung đột có thể mở rộng ra khu vực lân cận, kéo theo các nhóm ở Li Băng và các quốc gia khác ở Trung Đông vào cuộc chiến. Kịch bản này sẽ dẫn tới hàng loạt rủi ro về an ninh khó lường khác trong khu vực. 

Theo BI
Dòng sự kiện: Chiến sự Israel - Hamas