1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Lý do Ukraine mở đột kích lớn vào biên giới Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Ukraine dường như đang đặt cược vào cuộc đột kích biên giới Nga để nâng vị thế trước khi 2 bên có thể ngồi vào bàn đàm phán.

Lý do Ukraine mở đột kích lớn vào biên giới Nga - 1

Cả Nga và Ukraine đều đang tìm cách nâng vị thế trên chiến trường trước khi có thể bước vào đàm phán (Ảnh minh họa: Atlantic).

Quyết định của Ukraine trong tuần này triển khai lượng lớn nguồn lực quân sự ít ỏi để đột kích vào tỉnh biên giới Kursk (Nga) đến nay vẫn là động thái chưa rõ mục tiêu và có thể là dấu hiệu cho một giai đoạn mới của cuộc xung đột giữa 2 nước.

Trong 29 tháng kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, quân đội Ukraine đã tiến hành nhiều cuộc tấn công qua biên giới vào miền nam nước Nga, nhưng những cuộc đột kích đó thường có quy mô nhỏ, phạm vi hạn chế và chưa bao giờ kéo dài quá vài ngày.

Một số chuyên gia đã cố phân tích những lý do có thể khiến Ukraine lựa chọn tiến hành một cuộc đột kích với quy mô lớn hơn vào thời điểm hiện nay trong bối cảnh nguồn nhân lực của Kiev hạn hẹp và phải đối mặt với đà tiến của Nga ở miền Đông Ukraine vài tuần gần đây.

Có ý kiến cho rằng, cuộc đột kích là một phần trong nỗ lực của Ukraine nhằm buộc Nga chuyển hướng nguồn lực khỏi miền Đông Ukraine để lui về củng cố phòng tuyến Kursk, một trong những mắt xích yếu hiện nay trong phòng thủ biên giới của Nga.

Trong khi đó, theo phân tích của truyền thông Mỹ, thành phố Sudzha ở Kursk liền kề một cảng khí đốt được coi là mắt xích quan trọng trong hệ thống trung chuyển khí đốt từ Nga đến châu Âu. Do vậy, không loại trừ khả năng, cuộc đột kích là một phần trong chiến lược lâu nay của Ukraine nhắm đến các cơ sở hạ tầng quan trọng, làm gián đoạn nguồn thu của Nga.

Vấn đề chỉ khác là nếu trước kia Ukraine dùng máy bay không người lái để tập kích vào lãnh thổ Nga, nay họ điều động một lượng lớn bộ binh và phương tiện quân sự vào Nga - một động thái bị cho là khá rủi ro.

Ukraine đi nước cờ rủi ro này khi chính quyền của Tổng thống Volodymyr Zelensky bắt đầu đề cập đến kịch bản đàm phán với Moscow. Tháng trước, ông nhấn mạnh, Nga cần tham gia vào hội nghị hòa bình Ukraine lần hai dự kiến vào tháng 11 tới.

Tỷ lệ người Ukraine chấp nhận đàm phán, dù chiếm thiểu số, nhưng đang tăng lên.

Ngoài ra, Ukraine ngày càng quan tâm đến khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử vào cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Ứng viên Dân chủ, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, có thể vẫn giữ được sự kiên định như Tổng thống Joe Biden về vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, nếu ông Trump tái đắc cử, Washington có thể sẽ tìm cách buộc Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với những điều khoản bất lợi hơn cho Kiev.

Trong khi đó, châu Âu đã kiên trì hỗ trợ Ukraine từ đầu, nhưng khi xung đột bước sang năm thứ tư, những câu hỏi về việc kết thúc cuộc chiến sẽ ngày càng lớn hơn.

Với triển vọng đạt được một giải pháp thương lượng giờ đây đã trở nên ít xa vời hơn, cả Nga và Ukraine sẽ nỗ lực cải thiện vị thế trên chiến trường trước khi ngồi vào bàn đàm phán.

Không rõ liệu cuộc đột kích của Ukraine có động cơ từ đó hay chỉ là một động thái đơn giản nhằm gây sát thương vào điểm yếu của đối phương. Tuy nhiên, Ukraine cần một chiến thắng hơn là một ván cược đầy rủi ro. Nga hiện vẫn áp đảo Ukraine về nhân lực, trong khi tình trạng thiếu đạn dược vẫn là vấn đề nghiêm trọng với Kiev.

Theo Atlantic Council, Axios
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm