Lý do tiêm kích MiG-31 của Nga gây "tê liệt" Ukraine mỗi khi cất cánh
(Dân trí) - Mỗi khi Nga triển khai tiêm kích MiG-31 làm nhiệm vụ, phía Kiev ngay lập tức kích hoạt còi báo động trên diện rộng, gây gián đoạn và tổn hại nghiêm trọng tới kinh tế Ukraine.
Theo National Interest, bất cứ khi nào máy bay đánh chặn siêu thanh MiG-31 của Nga cất cánh từ căn cứ không quân gần Ukraine, tiêm kích này đều khiến phía Kiev phải khẩn cấp kích hoạt báo động. Uy lực của MiG-31 được xem là lý do khiến Ukraine phải phản ứng khẩn cấp như vậy.
Được trang bị hệ thống radar và tên lửa tiên tiến, MiG-31 đã chứng tỏ được hiệu quả cao trong việc thực hiện các nhiệm vụ tuần tra và tấn công trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đang diễn ra ở Ukraine.
Theo truyền thông Ukraine, mỗi khi MiG-31 cất cánh, phía Kiev sẽ đưa ra cảnh báo không kích trên toàn Ukraine, gây ra sự gián đoạn đáng kể cho nền kinh tế. Giới quan sát cho biết, Nga đã buộc Ukraine phải tạm dừng một phần đáng kể hoạt động kinh tế chỉ bằng cách điều động MiG-31 bay lên từ căn cứ quân sự.
Vào tháng 11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ đạo giới chức nước này tìm giải pháp để ngăn chặn việc cả đất nước bị tê liệt do còi báo động không kích kéo dài mỗi khi MiG-31 của Nga cất cánh.
"Tôi đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, các bộ trưởng nội các đề xuất một giải pháp để mỗi khi máy bay chiến đấu MiG của Nga hay các máy bay mang theo tên lửa siêu vượt âm Kinzhal không khiến đất nước chúng ta tê liệt nhiều giờ", Tổng thống Zelensky cho biết trên mạng xã hội ngày 17/11.
Còi báo động không kích liên tục trong nhiều giờ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người Ukraine, vì hầu hết các tổ chức và cơ sở đều ngừng hoạt động khi có cảnh báo không kích.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 18/10 tuyên bố các máy bay chiến đấu MiG-31 được trang bị tên lửa siêu vượt âm Kinzhal nhanh gấp 8-10 lần âm thanh sẽ tuần tra thường xuyên không phận quốc tế trên Biển Đen.
Sau tuyên bố này, người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine, ông Yury Ignat, cho biết khi MiG-31 Nga mang theo Kinzhal cất cánh, phía Kiev sẽ kích hoạt cảnh báo không kích trên toàn quốc.
Ông Ignat giải thích rằng, Kinzhal trên MiG-31 có thể tấn công Ukraine từ cả hướng bắc, hướng đông, cũng như trên Biển Đen, đẩy các mục tiêu của Kiev nằm vào tầm không kích. Vì vậy, họ cần kích hoạt báo động để phòng ngừa trước.
Mấu chốt của vấn đề ở đây là tên lửa Kinzhal được phóng từ độ cao khoảng 20.000m với tốc độ ít nhất 1.500km/h. Nó cũng có tầm hoạt động khoảng 1.500-2.000km, biến Kinzhal thành một tên lửa có sức công phá uy lực.
Tiêm kích uy lực
Nhưng đó không phải là lý do duy nhất. Theo National Interest, MiG-31 vẫn được xem là một tiêm kích bí ẩn với phương Tây vì Nga vẫn có thể "giấu bài" khi chưa bộc lộ hết khả năng của phi cơ này trong thực chiến.
Theo các phương tiện truyền thông phương Tây, MiG-31 có thể tác chiến "trong mọi thời tiết". Nga trang bị cho MiG-31 hệ thống điện tử kỹ thuật số hiện đại và động cơ phản lực cánh quạt cho phép nó tăng phạm vi chiến đấu.
Hơn nữa, với tốc độ tối đa 3.000km/h, MiG-31 được coi là một trong những máy bay chiến đấu nhanh nhất thế giới.
Mặt khác, MiG-31 có khả năng hoạt động hiệu quả ở tầm cao. Trong cuộc tập trận được tiến hành vào tháng 10, MiG-31 đã bay lên tới tầng bình lưu trên Biển Barents.
Trong hoạt động diễn tập, MiG-31 đã bay lên độ cao ấn tượng hơn 11.000m để đánh chặn và vô hiệu hóa một mục tiêu mô phỏng.
Năm 2019, một kênh truyền hình Nga đã công bố đoạn video cho thấy máy bay MiG-31 bay tới độ cao cận vũ trụ, ở mức 21.500m, vượt qua giới hạn Armstrong (18.900-19.350m).
Sputnik dẫn thông số kỹ thuật của MiG-31 cho biết, máy bay này thậm chí có thể bay tới độ cao 25.000m.
Các chuyến bay ở độ cao vượt qua giới hạn Armstrong thường gây ra rung lắc rất mạnh ở phần thân máy bay. Chính vì vậy, chỉ các "chim sắt" được thiết kế đặc biệt mới có thể chịu được độ cao như vậy mà không bị rơi.
MiG-31 có thể đạt được độ cao nói trên trong khoảng 9-18 phút. Nó không chỉ được thiết kế để có thể bay lên qua giới hạn Armstrong mà còn có thể tác chiến hiệu quả trong môi trường này.