Lý do tên lửa "thay đổi cuộc chơi" của Ukraine chưa tạo đột phá
(Dân trí) - Chuyên gia giải thích lý do vì sao tên lửa tầm xa Storm Shadow mà phương Tây cấp cho Ukraine chưa thể giúp Kiev "thay đổi cuộc chơi" như kỳ vọng ban đầu.
Theo Business Insider, tên lửa Storm Shadow mà phương Tây viện trợ cho Ukraine đã được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến kéo dài hơn một năm qua với Nga.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng, việc Nga đã học cách thích nghi với dòng vũ khí này khiến tên lửa tầm xa của Ukraine chưa thể tạo được bước ngoặt lớn như kỳ vọng.
Đáng chú ý, Kiev hồi tháng 6 đã dùng dòng tên lửa này tầm xa này tập kích cầu huyết mạch Chonhar nối giữa bán đảo Crimea và miền Nam Ukraine.
Một số nhà quan sát tin rằng Storm Shadow sẽ rất quan trọng đối với cuộc phản công của Ukraine. Tầm bắn gần 250km của tên lửa cho phép các máy bay Ukraine phóng Storm Shadow giảm rủi ro khi tập kích mục tiêu Nga.
Ngoài đầu đạn nặng 450kg và các tính năng tàng hình, Storm Shadow còn được trang bị các hệ thống dẫn đường, bao gồm GPS, dẫn đường quán tính và radar theo dõi địa hình, khiến nó khó bị phát hiện.
"Đó là những vũ khí hiệu quả. Chúng rất khó bị đánh chặn và điều đó mang lại cho Ukraine khả năng tấn công xa hơn nhiều", Michael Kofman, một chuyên gia Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Mỹ), cho biết.
Tuy nhiên, ông Kofman nhấn mạnh, kể từ khi Ukraine bắt đầu sử dụng tên lửa Storm Shadow vào giữa tháng 5, "chúng tôi không thấy tác động to lớn nào đối với lực lượng Nga và một phần lý do cho điều đó là sự thích nghi trong chiến thuật của phía Moscow".
Ông Kofman chỉ ra việc HIMARS từng được xem là vũ khí thay đổi cuộc chơi khi tấn công hàng loạt kho đạn và sở chỉ huy của Nga hồi năm ngoái. Kể từ đó, Nga đã tìm cách thích nghi với tình hình, bằng cách tăng cường vũ khí tác chiến điện tử, di chuyển các địa điểm hậu cần quân sự ra ngoài tầm tấn công của HIMARS.
Theo các chuyên gia, khi phương Tây công bố viện trợ Storm Shadow cho Ukraine, Nga có thể đã có phương án nhằm làm giảm tác động của tên lửa này tới cục diện chiến sự.
Nga cũng sở hữu công nghệ radar chống tàng hình khá hiệu quả. Theo Izvestia, Nga đang sử dụng radar Niobium ở Ukraine để phát hiện máy bay, trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo và tên lửa phóng loạt.
Mặt khác, giới chuyên gia Nga cho biết, các hệ thống phòng không của Nga như Buk và Tor-M2 được cho từng đánh chặn thành công Storm Shadow ở chiến trường Syria vào năm 2018 vì vậy tên lửa này không phải là thách thức mới với Moscow.
Tên lửa tầm xa của Ukraine chắc chắn vẫn có thể có tác động tới cuộc chiến. Với tiền tuyến dài hàng nghìn km, sẽ rất khó để Nga không thể có lỗ hổng trong việc triển khai địa điểm hậu cần, sở chỉ huy hay sử dụng cầu để chuyển quân và trang thiết bị.
Tuy nhiên, nếu so sánh với HIMARS năm ngoái, số lượng các cuộc tập kích vào cơ sở hạ tầng quan trọng mà Storm Shadow thực hiện ít hơn nhiều, cho thấy việc Nga dường như đã thay đổi cách triển khai mạng lưới hậu cần, nhà kho vũ khí để giảm sự tổn thương trước các đòn tấn công của đối phương.
Mặt khác, Ukraine cũng đối mặt những hạn chế khi sử dụng Storm Shadow. Kiev chỉ được viện trợ một số lượng tên lửa không lớn. Ngoài ra, Storm Shadow được sản xuất theo chuẩn NATO, trong khi hệ thống máy bay mang tên lửa này của Ukraine lại theo chuẩn Liên Xô.
Ukraine thiếu nền tảng phù hợp để mang Storm Shadow, nên điều này đã làm giảm đáng kể uy lực của tên lửa, khi nó không thể kích hoạt hết tính năng của khi triển khai.
Việc một lực lượng thích nghi và thay đổi chiến thuật khi đối thủ triển khai vũ khí hay cách đánh mới là một phần của chiến sự. Vì vậy, các vũ khí được xem là "thay đổi cuộc chơi" dường như chỉ có thể tác động được tới cấp độ chiến thuật nhưng mục tiêu xoay chuyển hoàn toàn tình thế để cán cân nghiêng về một bên được xem là khó để thực hiện.