Nga phá hủy "lá chắn thép" Patriot, tên lửa Storm Shadow của Ukraine
(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố quân đội nước này đã phá hủy nhiều vũ khí của Ukraine trong tháng qua.
Trang Avia-pro dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga hôm Sergei Shoigu hôm 1/6 đưa tin, quân đội nước này đã gây ra nhiều thiệt hại cho lực lượng phòng không không quân của Ukraine trong vòng một tháng qua.
Theo ông Shoigu, 16 máy bay, 5 trực thăng, và 466 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine đã bị loại khỏi vòng chiến đấu. Bên cạnh đó, lực lượng phòng không Nga cũng đã đánh chặn 29 tên lửa "thay đổi cuộc chơi" Storm Shadow mà Anh viện trợ cho Ukraine.
Đặc biệt, một tổ hợp tên lửa phòng không Patriot của Ukraine đã bị phá hủy sau các đợt tập kích dữ dội của quân đội Nga nhằm vào thủ đô Kiev vào cuối tháng 5.
Trước đó, Nga khẳng định đã phá hủy tổ hợp tên lửa phòng không Patriot đầu tiên của Ukraine vào ngày 16/5 bằng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal.
Bộ Quốc phòng Ukraine hiện chưa lên tiếng bình luận về thông tin trên.
Được nghiên cứu chế tạo từ năm 1969 và đưa vào trang bị chính thức trong quân đội Mỹ từ những năm 80 của thế kỷ trước, MIM-104 Patriot được xem là một trong những hệ thống vũ khí hiệu quả hàng đầu thế giới trong nhiệm vụ chống lại các tên lửa đạn đạo và máy bay chiến đấu của đối phương.
Tên lửa này được phối hợp sản xuất bởi 3 nhà thầu quốc phòng khổng lồ của Mỹ, bao gồm Raytheon, Lockheed Martin và Boeing, qua đó được tích hợp và liên tục cải tiến nhằm trang bị những công nghệ dẫn đường, định vị và tấn công vượt trội nhất.
Hệ thống này được cấu thành bởi một trạm điều khiển, đài radar dẫn bắn và chỉ thị mục tiêu, cũng như bệ phóng. Đài radar mạnh mẽ của Patriot cho phép nó có thể phát hiện và theo dõi hơn 100 mục tiêu ở khoảng cách lên tới 100km. Việc phát hiện mục tiêu và dẫn bắn được tính toán và kiểm soát bởi những hệ thống máy tính cực mạnh, cho phép tổ hợp Patriot có khả năng đánh chặn mục tiêu bay của đối phương một cách chính xác.
Tên lửa của hệ thống phòng không Patriot cũng được thiết kế hết sức uy lực khi có thể mang theo đầu đạn phân mảnh nặng tới 90kg sử dụng ngòi nổ cận đích. Đầu đạn này cũng sử dụng chất nổ cực mạnh, qua đó tăng cường năng lực phá hủy mục tiêu bay của tên lửa Patriot.
Theo một số chuyên gia, nguyên lý đánh chặn của Patriot sẽ bao gồm việc phóng đồng loạt 2 tên lửa nhằm vào tên lửa đạn đạo và máy bay chiến đấu của đối phương. Tên lửa thứ nhất sẽ lao trực diện vào mục tiêu dưới sự hướng dẫn của radar điều khiển. Sau đó, tên lửa thứ 2 sẽ tiến hành tìm kiếm các mảnh vỡ, xác định xem đó có phải là đầu đạn đơn lẻ hay không và tấn công phá hủy.
Vào cuối tháng 12/2022, chính phủ Mỹ xác nhận cung cấp các tổ hợp Patriot cho Ukraine. Đến tháng 4/2023, những tổ hợp Patriot đầu tiên đã được gửi đến cho quân đội Ukraine. Từ đó đến nay, những "lá chắn thép" này đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ không phận thủ đô Kiev cùng nhiều vùng lãnh thổ Ukraine khỏi các đòn tập kích tên lửa từ Nga.