1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Lý do Su-34 Nga bị Ukraine săn lùng và triệt hạ bằng mọi giá

Minh Phượng

(Dân trí) - Truyền thông Ukraine và đặc biệt là tình báo Anh cho rằng, vụ tập kích bằng UAV tự sát của Kiev vào các căn cứ Nga gây thiệt hại nặng nề, nhưng Moscow nói thông tin của đối phương là giả.

Lý do Su-34 Nga bị Ukraine săn lùng và triệt hạ bằng mọi giá - 1

Đội hình chiến đấu cơ Su-34 Nga bay trên Quảng trường Đỏ ở Moscow trong Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng 7/5/2019 (Ảnh: Reuters).

Vì sao căn cứ không quân Nga liên tiếp bị Ukraine tấn công?

Vào đêm 5/4, Ukraine được cho là đã sử dụng máy bay không người lái (UAV) tự sát, tấn công vào các căn cứ không quân Nga gồm Morozovsk, Engels và Yeisk, lần lượt ở các vùng Rostov, Saratov và Krasnodar.

Đã có nhiều ý kiến khác nhau về kết quả của cuộc tấn công bằng UAV quy mô lớn hiếm hoi này.

Tuy nhiên, nhìn chung đều thống nhất rằng, mục đích của Kiev là làm suy yếu khả năng ném bom của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga, nhằm giảm gánh nặng cho lực lượng chiến đấu mặt đất Ukraine ở tiền tuyến vốn đang phải chịu những áp lực rất lớn từ bom lượn có điều khiển của Nga.

BBC ngày 6/4 cho biết, các nguồn tin Ukraine tiết lộ lực lượng của họ đã sử dụng UAV tấn công nhiều căn cứ hàng không vũ trụ của Nga vào sáng sớm ngày 5/4, gây thiệt hại cho hơn 10 máy bay chiến đấu của Nga.

Theo đó, ít nhất 6 máy bay tiêm kích bom Su-34 tại căn cứ sân bay Morozovsk đã bị phá hủy và 8 chiếc bị hư hỏng nặng, 3 máy bay ném bom chiến lược Tu-95 tại căn cứ Engels có thể đã bị "hư hỏng nghiêm trọng" trong cuộc không kích và 7 binh sĩ Nga thiệt mạng. Hai máy bay cường kích Su-25 tại căn cứ Yeisk bị phá hủy hoàn toàn và 4 binh sĩ Nga thiệt mạng?

Tuy nhiên các thông tin chính thức từ Kiev và Moscow là hoàn toàn khác nhau, mặc dù truyền thông Ukraine và phương Tây ra sức "thổi phồng chiến quả", thì ngược lại, giới chức nước này chỉ nói mập mờ.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga ngày 5/4 đưa ra thông tin cho biết, họ đã đánh bại nỗ lực sử dụng UAV tấn công lãnh thổ Nga của đối phương vào sáng sớm ngày hôm đó. Hệ thống phòng không Nga tiêu diệt 53 UAV tự sát của Ukraine, 44 chiếc trong số đó bị hạ ở khu vực Rostov.

Theo thông tin của các nguồn tin trung lập, căn cứ Engels được sử dụng cho các máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Nga, còn Yeisk là căn cứ của không quân hải quân Nga và cũng đóng vai trò quan trọng trong xung đột, nên đều bị tấn công.

Nhưng điều đặc biệt thu hút sự chú ý là việc căn cứ Morozovsk bị tấn công dữ dội nhất. Sân bay này cách không xa Biển Azov và là căn cứ chính cho các hoạt động đường không của Nga, chống lại Ukraine.

Morozovsk là căn cứ chính của Trung đoàn máy bay ném bom số 559 với 3 phi đội Su-34 triển khai tại đây kể từ năm 2013.

Ngoài ra, còn có tiêm kích đa năng Su-30SM và Su-35 đang tạm thời được triển khai ở căn cứ.

Lý do Su-34 Nga bị Ukraine săn lùng và triệt hạ bằng mọi giá - 2

Căn cứ sân bay Nga ở Morozovsk, vùng Rostov chụp hôm 6/4, ngay sau vụ tập kích bởi UAV của Ukraine (Ảnh: Planet Labs).

Nga tố thông tin của Ukraine về vụ tấn công là giả?

Các nguồn tin của Ukraine ngay sau đó đã đăng tải hình ảnh vệ tinh về sân bay ở Morozovsk, được chụp vào ngày 5/4 bởi công ty ảnh vệ tinh Planet Labs của Mỹ và đồng thanh tuyên bố rằng, tại sân bay này "ít nhất 6 máy bay Su-27 hoặc Su-34 đã bị phá hủy và 8 chiếc bị hư hại, cùng khoảng 20 binh sĩ Nga thiệt mạng hoặc bị thương".

Bộ Quốc phòng Nga thông báo rằng, thực sự đã có cuộc tập kích đường không nhằm vào sân bay ở Morozovsk nhưng nó đã bị đẩy lùi thành công, hơn 40 UAV của đối phương bị hạ.

Thống đốc vùng Rostov Vasily Golubev cho biết, ở khu vực gần sân bay, do đầu đạn trên một trong những chiếc UAV bị rơi phát nổ, làm 8 người dân dưới mặt đất bị thương.

Vào ngày 6/4, hình ảnh vệ tinh của sân bay ở Morozovsk, được Planet Labs chụp nhanh, đã xuất hiện trên Internet. Có hai dấu vết sẫm màu ở rìa của vật thể nơi không có máy bay. Vì vậy, có thể máy bay của Nga vẫn còn nguyên vẹn.

Một bức ảnh tương tự cũng được quan sát thấy ở sân bay ở Engels. Số lượng UAV tự sát tấn công sân bay này ít hơn 4 lần, nhưng nguồn tin Ukraine cho biết, 3 máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS đã bị phá hủy. Còn thông tin của Bộ Quốc phòng Nga đảm bảo rằng, tất cả UAV tự sát của đối phương đã bị tiêu diệt.

Đồng thời, trong những bức ảnh xuất hiện do Planet Labs chụp vào ngày 5/4 sau khi có thông tin về các cuộc đột kích, không hề có dấu vết của những UAV tự sát tấn công sân bay Engels.

Tình hình cũng tương tự với sân bay ở Yeisk, truyền thông Ukraine nói rằng họ đã "đánh trúng nhiều máy bay Su-34". Còn thông tin của Bộ Quốc phòng Nga chỉ ra rằng, mọi UAV đều bị phá hủy trên không, hoặc chìm ở Biển Azov. Cũng không có dấu vết của sự xuất hiện các hình ảnh tấn công của UAV Ukraine trong ảnh vệ tinh của Planet Labs.

Do vậy Moscow cho rằng, cuộc tấn công bằng UAV tự sát vào các sân bay Nga trong rạng sáng ngày 5/4 là thật, nhưng thông tin về số máy bay bị phá hủy đều là giả.

Chính Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cũng đưa ra nhận định rằng không có bất cứ bằng chứng trực quan nào về việc các máy bay Nga bị phá hủy hoặc hư hại.

Lý do Su-34 Nga bị Ukraine săn lùng và triệt hạ bằng mọi giá - 3

Các máy bay tiêm kích Su-34, Su-30SM và MiG-31 tại một căn cứ không quân Nga (Ảnh minh họa: Bộ Quốc phòng Nga).

Vì sao Ukraine lại săn lùng Su-34?

Dù kết quả cuộc không kích vào căn cứ Morozovsk có ra sao, thì chắc chắn rằng việc Su-34 được triển khai tại đây đã trở thành "cái gai trong mắt" của Ukraine bởi chúng là loại máy bay ném bom chủ lực ở chiến trường trong thời gian qua.

Đây là loại máy bay chiến đấu hai chỗ ngồi, gồm phi công điều khiển máy bay và phi công phụ chuyên điều khiển vũ khí. Vị trí của hai phi công ngang cạnh nhau, để tăng khả năng tương tác.

Theo Sputnik của Nga, bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái, các phi công của Lực lượng hàng không vũ trụ Nga đã bắt đầu khóa huấn luyện quy mô lớn, về thả bom được trang bị mô-đun điều chỉnh và lập kế hoạch phổ quát (UMPC).

UMPC thực chất là thứ mà phương Tây thường gọi là bộ bom lượn dẫn đường chính xác (JDAM), bằng cách lắp đặt các cánh có thể gập lại và hệ thống điều khiển trên bom rơi tự do truyền thống. Mô-đun này có thể biến bom thường thành bom có điều khiển chính xác.

Kể từ cuối năm ngoái, tiêm kích bom Su-34 đã sử dụng rộng rãi "bom lượn thông minh" nặng 250kg, 500kg và 1.500kg trên chiến trường, gây thiệt hại nặng nề cho Kiev.

Ông Sergei Chemezov, Chủ tịch tập đoàn quốc phòng Rostec cho biết, Su-34 thường sử dụng loại bom này để tấn công các mục tiêu ở tiền tuyến. "Nó rất hiệu quả và chi phí tương đối thấp, cho đến nay, bom lượn có điều khiển của Nga đã phá hủy hàng trăm mục tiêu quân sự ở Ukraine".

Bộ Quốc phòng Nga nhiều lần đưa ra các thông tin chiến trường ca ngợi vai trò chủ chốt của Su-34. "Tiêm kích bom Su-34 thực hiện sứ mệnh tiêu diệt lực lượng đông đảo của đối phương và phá hủy các trận địa, cơ sở quân sự hàng ngày trong các hoạt động quân sự đặc biệt".

Ngoài ra, quân đội Nga cũng xác nhận Su-34 đã phóng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal lần đầu tiên vào năm ngoái để tấn công mục tiêu quân sự Ukraine. Trước đây, chỉ có tiêm kích đánh chặn MiG-31K và máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 được trang bị thiết bị đặc biệt mới được sử dụng cho mục đích này.

Do vậy không khó để xác định, Ukraine phải săn lùng và triệt hạ số tiêm kích bom Su-34 của Nga bằng mọi giá.

Lý do Su-34 Nga bị Ukraine săn lùng và triệt hạ bằng mọi giá - 4

Máy bay Su-34 và bom hạng nặng FAB-1.500 (Ảnh: BQP Nga).

Nga còn lại bao nhiêu chiếc tiêm kích bom Su-34?

Đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng trên không do Su-34 gây ra, Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm tiêu diệt loại máy bay này.

Sau khi xung đột nổ ra vào năm 2022, do quân đội Nga thiếu vũ khí dẫn đường chính xác, nên Su-34 chỉ có thể sử dụng chiến thuật thả bom thông thường từ trên đỉnh đầu mục tiêu, do đó liên tục bị tên lửa phòng không dã chiến của Ukraine tiêu diệt.

Sau khi áp dụng chiến thuật mới là thả bom lượn ngoài tầm bắn của tên lửa phòng không đối phương, khả năng chiến đấu của Su-34 được cải thiện trong một thời gian.

Tuy nhiên, quân đội Ukraine sau đó đã thay đổi chiến lược và sử dụng nhiều phương pháp như bí mật cơ động tên lửa tầm xa Patriot và S-300 và tấn công bằng máy bay không người lái vào sân bay, lần đầu tiên tiêu diệt nhiều Su-34 và các máy bay chiến đấu khác của Nga.

Theo thống kê của Không quân Ukraine, kể từ đầu năm 2024, quân đội Ukraine đã bắn rơi 2 máy bay cảnh báo sớm A-50 của Nga, 12 tiêm kích bom Su-34 và 2 tiêm kích đa năng Su-35.

Nhưng theo thống kê mới nhất của Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine cho thấy, tính đến tháng 3/2024, Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga vẫn còn khoảng 100 chiếc Su-35, hơn 100 chiếc Su-34 và 7 chiếc A-50U.

Điều đó cho thấy, những hành động này của quân đội Ukraine vẫn chưa đủ để làm suy yếu khả năng ném bom tiền tuyến của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga.

Trước thành tích vượt trội của Su-34, quân đội Nga cũng đang đẩy mạnh sản xuất loại máy bay chiến đấu có vai trò quan trọng này trên chiến trường.

Ngày 5/4 vừa qua, Tập đoàn Sản xuất Hàng không Thống nhất của Nga tiết lộ, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã nhận được lô Su-34 đầu tiên được giao trong năm nay.

Như vậy với bom lượn có điều khiển, tiêm kích bom Su-34 thực sự trở thành "hung thần" của Quân đội Ukraine trên chiến trường, mà Kiev chưa có cách nào hiệu quả để đối phó.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm