1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Lý do Nga tập trận hạt nhân chiến thuật

An Hoàng

(Dân trí) - Nga và đồng minh Belarus đang tiến hành giai đoạn 2 của cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine tiếp tục căng thẳng.

Lý do Nga tập trận hạt nhân chiến thuật - 1

Nga và Belarus bắt đầu tập trận hạt nhân chiến thuật giai đoạn 2 (Ảnh: Reuters).

Bộ Quốc phòng Nga hôm nay 11/6 thông báo, quân đội Nga và Belarus đã bắt đầu triển khai giai đoạn 2 của cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, giai đoạn 2 của cuộc tập trận tập trung vào duy trì mức độ sẵn sàng chiến đấu của nhân lực và khí tài trong triển khai vũ khí hạt nhân cấp chiến thuật để bảo vệ chủ quyền của Nhà nước Liên minh (Nga và Belarus).

Ở giai đoạn 1 diễn ra tháng trước, quân đội Nga tập trung vào quá trình chuẩn bị đạn cho hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander và trang bị đầu đạn đặc biệt cho hệ thống tên lửa siêu vượt âm Kinzhal.

Đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy các đoàn xe vận chuyển Iskander cùng với nhiều đầu đạn bị làm mờ hình ảnh. Một máy bay ném bom Tu-22M Backfire và một máy bay chiến đấu MiG-31K có khả năng mang tên lửa Kinzhal siêu thanh cũng xuất hiện trong đoạn phim.

Đoạn phim được công bố ngày 11/6 cho thấy ở giai đoạn 2, một hệ thống tên lửa Iskander đã được đưa vào thao trường cùng với nhiều tên lửa khác, cũng như các máy bay đánh chặn siêu thanh MiG-31 và máy bay ném bom siêu thanh tầm xa Tupolev Tu-22M3.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì?

Vũ khí hạt nhân chiến thuật được thiết kế để có thể sử dụng trên chiến trường, trái ngược với dòng chiến lược có phạm vi tấn công tầm xa xuyên biên giới và sức công phá lớn.

Về mặt kỹ thuật, cả 2 loại vũ khí hạt nhân này đều sử dụng phản ứng phân hạch và phản ứng tổng hợp hạt nhân để giải phóng nguồn năng lượng khổng lồ. Sức công phá của vũ khí hạt nhân chiến thuật, dù thường nhỏ hơn vũ khí chiến lược, nhưng vẫn có thể so sánh với loại bom nguyên tử Mỹ từng ném xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào cuối Thế chiến II.

Theo ước tính đến cuối tháng 3, Mỹ sở hữu khoảng 200 vũ khí này với một nửa trong đó được đặt tại các căn cứ ở châu Âu. Trong khi đó, con số này ở Nga lên tới 1.558. Chúng có thể được sử dụng theo những cách thức khác nhau như thả bom, lắp vào các loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường.

Lý do Nga tập trận hạt nhân chiến thuật

Moscow cho rằng "các cuộc tập trận như vậy diễn ra là hoàn toàn bình thường và cần thiết bởi động thái thù địch của Mỹ và các đồng minh châu Âu".

Tháng trước, Điện Kremlin tuyên bố, Moscow "mong cuộc tập trận sẽ làm dịu đi những cái đầu nóng ở các thủ đô phương Tây".

Thông điệp của Moscow được truyền đi sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron úp mở kế hoạch đưa quân đội châu Âu đến Ukraine. Ngoại trưởng Anh David Cameron cũng thông báo, Anh cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga.

Theo giới chuyên gia hạt nhân phương Tây, Nga đang gửi tín hiệu ngăn cản NATO can thiệp sâu hơn vào cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev.

Các chuyên gia cho rằng Nga sẽ không sử dụng loại vũ khí có sức công phá hủy diệt này cho mục đích mở rộng lãnh thổ. Thay vào đó, Moscow sẽ chỉ dùng chúng trong trường hợp lực lượng của họ phải rút lui và đối mặt với tổn thất nặng nề.

Trong báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế hồi tháng 1, cựu quan chức Lầu Năm Góc và NATO, ông William Alberque, cho biết Nga có thể cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược (NSNW) để buộc phương Tây tỉnh táo và giải quyết xung đột theo điều kiện của Moscow.

Các chuyên gia cho rằng việc chuẩn bị phóng một quả tên lửa của Nga có thể sẽ được các vệ tinh tình báo quân sự phương Tây phát hiện vì nó sẽ bao gồm các bước được thấy trong các cuộc tập trận, bao gồm cả việc di chuyển đầu đạn từ một cơ sở lưu trữ trung tâm. Những hoạt động này sẽ diễn ra trong vài giờ trong bối cảnh với các trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Nga được đặt tình trạng báo động cao.

Theo phân tích, khó có thể phân biệt dòng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật sắp tới của Nga với các loại tên lửa mang đầu đạn thông thường. Song, bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân thực tế nào cũng sẽ cho thấy hậu quả với quy mô hủy diệt, cơn sốc địa chấn và lượng phóng xạ khổng lồ.

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây nói rằng, phương Tây sai lầm khi nghĩ Nga không bao giờ dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, với tình hình hiện nay, Moscow thấy không cần thiết phải sử dụng loại vũ khí này.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine