1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lý do Israel không cấp lá chắn "Vòm sắt" giúp Ukraine bắt bài tên lửa Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Israel khó có thể hỗ trợ Ukraine với hệ thống phòng không Vòm sắt vì lo ngại hành động này có thể dẫn đến phản ứng cứng rắn từ Nga.

Lý do Israel không cấp lá chắn Vòm sắt giúp Ukraine bắt bài tên lửa Nga - 1

Một hệ thống "Vòm sắt" của Israel (Ảnh minh họa: Sputnik).

Trong bài xã luận đăng trên National Interest hôm 23/12, khi bình luận về quyết định gần đây của Mỹ về việc cung cấp hệ thống phòng không Patriot hiện đại cho Ukraine, cựu quyền Cố vấn an ninh quốc gia Israel, Chuẩn tướng Jacob Nagel, cho biết động thái này của Washington khiến Israel "chú ý". Tướng Nagel nêu một số lý do khiến Israel nhiều lần từ chối cấp hệ thống phòng không Vòm sắt cho Ukraine.

Israel có "những lo ngại chính đáng" rằng nếu bất kỳ vũ khí nào của nước này được triển khai ở Ukraine, cuối cùng chúng có thể bị Nga thu giữ và có thể sẽ được gửi tới Iran để phân tích. Ông Nagel nói rằng, điều này có thể giúp Iran, một đối thủ của Israel trong nhiều thập niên, có thể tìm ra cách để đối phó với các hệ thống vũ khí của Israel.

Theo Tướng Nagel, Israel không thể gửi hệ thống phòng không Vòm sắt tới khu vực khác trong bối cảnh quân đội nước này nhận thấy "sự cấp thiết phải có thêm các hệ thống và thiết bị đánh chặn để bảo vệ Israel" trước nhóm chiến binh Hezbollah ở Lebanon và nhóm chiến binh Hamas ở Palestine.

Ông Nagel cũng lưu ý rằng việc huấn luyện các nhân viên Ukraine vận hành hệ thống Vòm sắt sẽ mất nhiều thời gian, khiến những hệ thống này trở nên vô dụng đối với Kiev trong thời gian ngắn.

"Lý do cuối cùng, Israel không muốn gây ra phản ứng gay gắt từ Nga, quốc gia duy trì sự hiện diện đáng kể ở nước láng giềng Syria", cựu cố vấn an ninh quốc gia Israel nhận định.

"Cho dù Israel có muốn hay không, sự hiện diện quân sự của Nga có lẽ là một vấn đề lâu dài mà Israel phải cân nhắc", Tướng Nagel nói thêm.

Israel đóng vai trò quan trọng trong việc hòa giải xung đột Nga - Ukraine. Israel đã phản đối chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, nhưng cũng thận trọng trong việc gây căng thẳng với Moscow. Israel gửi viện trợ nhân đạo cho Kiev, song không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine, bất chấp Kiev nhiều lần yêu cầu.

Vào tháng 10, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Israel rằng, nếu nước này hỗ trợ vũ khí cho Ukraine, điều này sẽ khiến mối quan hệ của Israel với Moscow rơi vào tình trạng khó khăn.

Lý do Israel không cấp lá chắn Vòm sắt giúp Ukraine bắt bài tên lửa Nga - 2

Đồ họa mô phỏng cơ chế hoạt động của "Vòm sắt" (Đồ họa: Business Insider).

Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm sắt (Iron Dome) do các doanh nghiệp quốc phòng của Israel sản xuất với sự hỗ trợ cả về tài chính và công nghệ của Mỹ. 

Hệ thống này được đưa vào biên chế của quân đội Israel năm 2011. Nó được thiết kế để đánh chặn các tên lửa và pháo tầm ngắn. Hai hệ thống riêng biệt, được gọi là David's Sling và Arrow, được thiết kế để đối phó với các mối đe dọa tầm trung và tầm xa, bao gồm máy bay, máy bay không người lái, pháo và tên lửa.

Vòm sắt hoạt động dựa vào một hệ thống radar và phân tích để xác định mục tiêu tên lửa có gây ra mối đe dọa hay không. Hệ thống này chỉ triển khai tên lửa đánh chặn nếu xác định tên lửa đang bay tới có nguy cơ nhằm vào một khu vực có dân cư hay cơ sở hạ tầng quan trọng.

Chi phí vận hành Vòm sắt được cho là tương đối thấp bởi nó chỉ khai hỏa khi phát hiện mối đe dọa đến con người và cơ sở hạ tầng, không lãng phí quá nhiều tên lửa đánh chặn.

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine