1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lính Wagner áp sát căn cứ hạt nhân Nga trong ngày nổi loạn?

Minh Phương

(Dân trí) - Trong khi một nhóm lính Wagner tiến về Moscow, một nhóm khác tiến về một căn cứ hạt nhân của Nga vào ngày nổi loạn 24/6, Reuters dẫn các nguồn tin cho hay.

Lính Wagner áp sát căn cứ hạt nhân Nga trong ngày nổi loạn? - 1

Đoàn xe của Wagner xuất hiện ở Rostov-on-Don sáng 24/6 (Ảnh: Reuters).

Reuters dẫn các video chia sẻ trên mạng xã hội và thông tin từ các cuộc phỏng vấn người dân địa phương cho biết, vào ngày 24/6, lính Wagner chia thành hai hướng tuần hành khác nhau. Một nhóm tiến về phía bắc, hướng đến Moscow như tuyên bố trước đó. Một nhóm khác rẽ sang hướng đông đường cao tốc, theo hướng Voronezh-45, tiến về phía căn cứ chứa các vũ khí hạt nhân của Nga.

Reuters không thể xác thực thông tin chuyện gì xảy ra sau đó. Giới chức phương Tây nhiều lần khẳng định kho hạt nhân của Nga không bị đe dọa trong thời gian xảy ra nổi loạn.

Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Ukraine Kyrylo Budanov nói, lính Wagner đã tiếp cận căn cứ hạt nhân Nga và ý định của họ là chiếm các vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ từ thời Liên Xô để "lấy thanh thế" cho vụ nổi loạn.

Ông Budanov tiết lộ, trở ngại duy nhất khiến lính Wagner không đạt được mục tiêu đề ra là cánh cửa của cơ sở hạt nhân. "Cánh cửa của cơ sở đóng kín, họ không thể xâm nhập vào khu kỹ thuật", quan chức Ukraine cho hay.

Ông Budanov không đưa ra bằng chứng cho thông tin trên, không lý giải vì sao Wagner rút đi cũng như liệu Ukraine đã thảo luận như thế nào với Mỹ và các đồng minh về vụ việc này.

Nga và Wagner hiện chưa bình luận về thông tin trên. Trong khi đó, giới chức Mỹ tỏ ra hoài nghi. "Chúng tôi không phát hiện dấu hiệu ở bất cứ thời điểm nào rằng vũ khí và vật liệu hạt nhân của Nga bị đe dọa", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adam Hodge nhấn mạnh.

Matt Korda, một chuyên gia tại Hiệp hội các Nhà khoa học Mỹ, cho rằng một thế lực bên ngoài rất khó xâm phạm an ninh hạt nhân của Nga. Theo ông, Wagner có thể có hàng nghìn thành viên, nhưng dường như không ai có thể kích nổ một quả bom.

Ông lý giải, một quả bom hạt nhân của Nga trong căn cứ sẽ chưa được lắp ráp hoàn chỉnh. Để có một quả bom hoàn chỉnh đòi hỏi việc lắp ráp và một loạt thao tác khác với sự phối hợp từ một người nào đó thuộc Tổng cục 12 - lực lượng đảm bảo hạt nhân của Nga.

Tối 23/6, ông trùm Wagner Yevgeny Prigozhin bất ngờ cáo buộc quân đội Nga tập kích tên lửa vào trại dã chiến khiến nhiều thành viên của tổ chức này thiệt mạng. Prigozhin sau đó thông báo dẫn theo 25.000 tay súng Wagner từ chiến trường Ukraine, vượt qua biên giới Nga để thực hiện "cuộc tuần hành công lý".

Sau khi chiếm các cơ sở quân sự của Nga ở thành phố biên giới Rostov-on-Don, đoàn xe của Wagner tiếp tục hướng về thủ đô Moscow. Cuộc tuần hành chỉ dừng lại khi đoàn xe ở cách Moscow khoảng 200km. Ông Prigozhin khi đó ra lệnh cho lực lượng Wagner dừng tuần hành, quay đầu trở về căn cứ.

Động thái này diễn ra sau khi Wagner và Điện Kremlin đạt được thỏa thuận nhờ vai trò hòa giải của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, người quen biết ông trùm Prigozhin hơn 20 năm.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp ông trùm Wagner sau vụ binh biến khoảng vài ngày. "Tổng thống đã có cuộc gặp như vậy. Tổng cộng 35 người đã tham dự, gồm các chỉ huy đơn vị và ban lãnh đạo tập đoàn, trong đó có Prigozhin", ông Peskov nói.

Theo ông Peskov, trong cuộc gặp kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ này, Tổng thống Putin đã nghe giải thích của các chỉ huy Wagner về động cơ nổi loạn, đồng thời đưa ra các lựa chọn cho họ.

"Các chỉ huy Wagner khẳng định trung thành và luôn sẵn sàng chiến đấu vì đất nước", ông Peskov nói.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Nhóm Wagner nổi loạn