1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Lịch sử thăng trầm quan hệ Ấn Độ - Pakistan

(Dân trí) - Vụ tấn công hàng loạt ở Mumbai hôm 26/11 đã khiến quan hệ giữa hai nước láng giềng có sở hữu vũ khí hạt nhân Ấn Độ - Pakistan ở tình trạng căng thẳng nhất kể từ khi xảy ra vụ tấn công vào Quốc hội Ấn Độ tháng 12/2001.

Niu Delhi đã tuyên bố nâng tình trạng an ninh lên “mức độ chiến tranh” và khẳng định không còn nghi ngờ về việc Pakistan có dính líu đến các cuộc tấn công khủng bố.

 

Sau đây là những thời điểm thăng trầm trong quan hệ giữa hai nước:

 

1947 - Sau Chiến tranh Thế giới Thứ II, Anh trao trả độc lập cho tiểu lục địa Ấn Độ và chia tiểu lục địa thành hai quốc gia Ấn Độ và Pakistan - dựa trên cơ sở tôn giáo: Hồi giáo ở Tây Pakistan và Đông Pakistan (cách xa nhau hơn 1600 km) và Ấn Độ giáo (đạo Hinđu) ở Ấn Độ. Việc này đã châm ngòi cho một trong những cuộc di cư lớn nhất và đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại.

 

1947/1948 - Ấn Độ và Pakistan bước vào cuộc chiến đầu tiên do tranh chấp xung quanh khu vực Kashmir ở dãy Himalaya. Cuộc chiến kết thúc với thoả thuận ngừng bắn và nghị quyết do Liên Hợp Quốc dàn xếp tìm kiếm một cuộc trưng cầu ý dân cho người dân ở Jammu và Kashmir quyết định liệu sẽ trở thành một phần của Ấn Độ hay một phần của Pakistan.

 

1965 - Ấn Độ và Pakistan bước vào cuộc chiến thứ hai vì tranh chấp Kashmir. Chiến tranh kết thúc sau khi Liên Hợp Quốc kêu gọi ngừng bắn.

 

1971 - Pakistan và Ấn Độ chiến tranh lần thứ ba vì khu vực Đông Pakistan. Đông Pakistan tách ra thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Bangladesh. Từ đó, lãnh thổ Pakistan chỉ còn ở miền Tây.

 

1972 – Thủ tướng Pakistan Zulfikar Ali Bhutto và Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi ký thoả thuận ở thị trấn Simla của Ấn Độ để đặt ra những quy tắc cho quan hệ hai nước.

 

1974 - Ấn Độ cho thử thiết bị hạt nhân đầu tiên.

 

1990 - Ấn Độ bắt đầu cáo buộc Pakistan vũ trang và cử những phần tử Hồi giáo vào khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Pakistan phủ nhận cáo buộc.

 

Tháng 5/1998 - Ấn Độ tiến hành 5 vụ thử hạt nhân và tuyên bố kế hoạch chế tạo vũ khí hạt nhân. Đáp lại, Pakistan tuyên bố tiến hành 6 vụ thử.

 

1999 - Hai nước đứng bên bờ vực cuộc chiến thứ tư sau khi Ấn Độ phát động chiến dịch lớn nhằm vào những người Pakistan xâm nhập vào khu vực núi ở Kargil thuộc khu vực Kashmir của Ấn Độ.

 

2001 - Vào tháng 12, khủng bố tấn công Quốc hội Ấn Độ. 14 người, trong đó có 5 kẻ tấn công, đã thiệt mạng. Ấn Độ cáo buộc các nhóm khủng bố người Kashmir có trụ sở ở Pakistan và Lashkar-e-Taiba và Jaish-e-Mohammad là thủ phạm. Hàng nghìn binh sĩ đã đối đầu nhau ở biên giới sau vụ này.

 

2003 - Pakistan tuyên bố ngừng bắn dọc biên giới  kiểm soát ở Kashmir, Ấn Độ hoan nghênh động thái này.

 

2004 - Hai nước khởi động tiến trình hoà bình mà sau đó đã cải thiện quan hệ về ngoại giao, thể thao, thương mại, nhưng không đạt được tiến bộ trong vấn đề Kashmir. Tiến trình hoà bình bế tắc sau các vụ đánh bom nhằm vào Ấn Độ.

 

2008 - Hồi tháng 7, Ấn Độ cho rằng Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) đứng sau vụ tấn công sứ quán Ấn Độ ở thủ đô Kabul của Afghanistan làm 58 người chết.

 

Laske e Taiba là ai?

 

Lashkar e Taiba là một trong những tổ chức hồi giáo cực đoan hoạt động một cách bất hợp pháp tại Pakistan. Tổ chức này đấu tranh chống lại cái họ gọi là "sự đô hộ" của Ấn Độ tại vùng Kashmir và chống lại những hành vi ngược đãi nhắm vào cộng đồng thiểu số hồi giáo sinh sống tại Ấn.

 

Lashkar e Taiba trong tiếng Ảrập có nghĩa là "đội quân sùng tín" được thành lập từ những năm 1990 tại Lahore ở phía Đông Pakistan, gần khu vực biên giới với Ấn Độ. Ấn Độ vẫn cáo buộc tổ chức này được chính quyền Islamabad yểm trợ và thậm chí cơ quan tình báo Pakistan còn giúp đỡ Lashkar e Taiba do Islamabad luôn chống đối ựu hiện điện của Ấn Độ tại vùng Kashmir, nơi đôi bên đã ba lần giao chiến vì tranh chấp chủ quyền.

 

Sáng lập viên của tổ chức hồi giáo nói trên là Haiz Mohamad Saeed, một người Pakistan từng chiến đấu chống lại quân đội Liên Xô ở Afghanistan vào thập niên 80. Nhưng sau đó nhân vật này đã tách ra riêng để lập một nhóm họat động từ thiện hồi giáo mang tên là Jamaat ut Dawa. Tổ chức này đã tích cực giúp đỡ nạn nhân động đất ở vùng Kashmir hồi năm 2005. 

 

Trên thực tế, nhóm này đã bị cấm hoạt động tại Pakistan từ năm 2002 cho dù về mặt chính thức, Lashkar e Taiba chưa bao giờ bị tố cáo là thủ phạm các vụ khủng bố ngay trên lãnh thổ Pakistan. Ngoài ra, Lashkar e Taiba còn nằm trong danh sách các tổ chức khủng hố của Mỹ.

 

Theo giới quan sát, tương tự như tất cả những tổ chức bị cấm, Lashkar e Taiba tiếp tục âm thầm họat động và mở rộng mạng lưới liên lạc đến mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, đến các nhóm Taliban ở Pakistan. Chính điều này đã giúp Lashkar e Taiba mở rộng địa bàn hoạt động ở các vùng phía tây bắc Pakistan. Về liên hệ với Al-Qaeda, các chuyên gia cho rằng đây chỉ là một mối quan hệ lỏng lẻo do Lashkar e Taiba chỉ tạm dung túng một vài thành viên Al Qaeda khi họ phải chạy trốn khỏi Afganistan vào cuối năm 2001.

 

Trà Giang

Theo Reuters, AP