Leopard 1 lập kỷ lục thiệt hại nhanh nhất của xe tăng phương Tây ở Ukraine?
(Dân trí) - Theo Sina, kỷ lục thiệt hại nhanh nhất của xe tăng phương Tây ở chiến trường Ukraine dường như thuộc về xe tăng Leopard 1, vừa ra quân đã bị hỏa lực Nga hạ gục.
Leopard 1 lập kỷ lục thiệt hại nhanh nhất ở Ukraine?
Trước các loại vũ khí, trang bị đa dạng do nhiều nước phương Tây gửi đến, đặc biệt là các trang bị kỹ thuật hạng nặng hiện đại và đắt đỏ, cách sử dụng của quân đội Ukraine dường như chưa được hợp lý.
Là một quốc gia có nền công nghệ xe tăng mạnh, Đức có lẽ chưa bao giờ nghĩ rằng một sản phẩm do chính họ sản xuất, lại lập "kỷ lục thiệt hại về xe tăng phương Tây nhanh nhất" trên chiến trường Ukraine khi ngay trong lần ra quân chiến đấu đầu tiên: chiếc Leopard 1A5DK đã bị Nga phá hủy.
Đánh giá từ đoạn video được quay từ UAV của Nga được đưa lên mạng xã hội, ở mặt trận phía bắc Ukraine, một chiếc Leopard 1A5 do Đức sản xuất, đã trúng đạn pháo của Nga. Kíp lái đã thoát ra ngoài được và bỏ xe lại trên chiến trường.
Theo Sina, đây là lần đầu tiên Leopard 1 tham chiến kể từ khi xung đột bùng nổ, đồng thời cũng là kỷ lục về tổn thất, tức là bị thiệt hại ngay trong trận chiến đầu tiên.
Không chỉ vậy, chiếc Leopard 1 này còn lập "kỷ lục tổn thất nhanh nhất" của xe tăng phương Tây trên chiến trường Ukraine. Lý do là lô Leopard 1 này mới về vào tuần trước, quân đội Ukraine đã giành vài ngày để kiểm tra tình trạng kỹ thuật và đưa ra mặt trận Kupyansk để chiến đấu.
Chiếc tăng Leopard 1 bị thiệt hại là của Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 44 Ukraine. Theo video quay từ trên không của UAV trinh sát Nga, tháp pháo của Leopard 1 được trang bị thêm lớp giáp bên ngoài, hình dáng gần giống hình vuông hơn, đặc điểm này cho thấy đây là mẫu Leopard 1A5DK do Đức sản xuất, được bán cho Đan Mạch và sau đó nước này đã viện trợ nó cho Kiev trong năm nay.
Xe tăng Leopard 1A5DK thiệt hại do sai lầm của chỉ huy?
Theo Army Recognition, phiên bản Leopard-1A5DK có tháp pháo tương tự với Leopard 1A3/1A4, nhưng được trang bị hệ thống chữa cháy tự động EMES-18 và 1A5DK chỉ trang bị cho Quân đội Đan Mạch.
Vào tháng 9, một dự án hỗ trợ Leopard 1 cho Kiev đã được triển khai, tuy nhiên số chiến tăng này phải chuyển đến Trung đoàn bảo đảm kỹ thuật độc lập số 146 của Ukraine. Lý do là tình trạng của những chiếc tăng này thực sự rất kém, đến mức cần được bảo dưỡng chuyên sâu, trước khi có thể sử dụng.
Cũng có thông tin cho rằng, Kiev từng từ chối một số chiếc Leopard 1 của Đức, Đan Mạch và Hà Lan gửi đến, do tình trạng kỹ thuật quá kém. Điều này có thể ảnh hưởng đến an toàn của kíp lái trong chiến đấu.
Trung đoàn 146 được giao nhiệm vụ tiếp nhận và sửa chữa Leopard 1, trước khi biên chế cho các đơn vị chiến đấu của Ukraine.
Leopard 1 thuộc thế hệ thứ hai, ra đời từ những năm 1960, các chỉ số kỹ thuật đã tương đối lạc hậu nên đã bị nhiều nước loại khỏi biên chế chiến đấu và đưa vào niêm cất dài hạn trong kho trong nhiều năm, do vậy chúng bị lão hóa tự nhiên và hao mòn cơ khí là không thể tránh khỏi.
Việc Đức, Đan Mạch, Hà Lan viện trợ Leopard 1 là chỉ dấu cho thấy kho vũ khí của các nước phương Tây có thể giúp Kiev cũng đã cạn đáy.
Đối với chiếc Leopard 1A5DK bị hạ được cho là có lỗi do chỉ huy. Khi xem kỹ đoạn video do UAV trinh sát của Nga ghi lại, không khó để nhận ra rằng, kíp lái có lẽ đang chiến đấu trên một phương tiện duy nhất, xung quanh là đồng trống có tầm nhìn tốt và không có bộ binh đi kèm.
Chiếc Leopard 1A5DK đơn độc khi tiến vào vị trí trận địa phòng ngự của quân Nga, đã thực hiện nhiều cú dừng ngắn và khi nhận ra điều gì đó không ổn, người lái bắt đầu lùi theo một đường thẳng.
Điều này cho thấy người chỉ huy có lẽ đã nhận thức được mối nguy hiểm đang đe dọa chiếc "xe tăng cô đơn" giữa biển hỏa lực đối phương và tìm cách lùi lại để tránh hỏa lực chống tăng của quân Nga.
Tuy nhiên, mệnh lệnh được chỉ huy chiếc xe tăng xấu số đưa ra vẫn là quá muộn. Chiếc Leopard 1A5DK ngay lập tức bị pháo binh Nga tấn công, nhiều viên đạn nổ xung quanh xe, khiến nó nằm bất động trên mặt đất, các thành viên kíp lái nhanh chóng rời xe và bỏ chạy.
Đánh giá từ hình ảnh các hố đạn pháo do UAV của Nga quay được cho thấy, mặc dù có một miệng hố lớn ở bên trái, nhưng xe không bị trúng đạn trực tiếp và cấu trúc tổng thể về cơ bản vẫn còn nguyên vẹn. Khả năng có viên đạn pháo, nổ sát gần chiếc Leopard-1A5DK, đã gây ra một số hư hỏng cho nó.
Leopard 1 tiêu biểu trong thế hệ xe tăng thứ hai ra đời thời hậu chiến ở phương Tây, bám sát tư tưởng "bỏ giáp bảo vệ, đổi lấy tính cơ động làm sức mạnh phòng thủ", nên có khả năng bảo vệ khá yếu.
Khả năng chiếc Leopard 1A5DK bị thương là do mảnh đạn pháo găm vào hông xe, có thể đã xuyên thủng khoang phía sau và làm hỏng động cơ hoặc gây ra một số hư hỏng cho bộ phận truyền động của xe, buộc tổ lái phải bỏ xe tháo chạy.
Những chiếc Leopard 1 lạc hậu được phương Tây viện trợ như một giải pháp tình thế vì thiếu vũ khí. Ai cũng biết rằng, xe tăng dòng Leopard-1 có khả năng bảo vệ kém.
Trong trường hợp này, lực lượng Kiev cần cẩn thận hơn khi sử dụng, đặc biệt là biết phát huy sức mạnh của chúng trong môi trường chiến đấu và điều kiện chiến thuật phù hợp.
Và giờ đây, chiếc Leopard-1A5DK mới được chuyển giao cách đây chưa đầy một tuần đã bị hạ gục ngay trong trận đánh đầu tiên, do chỉ huy Quân đội Ukraine không biết "lựa sức mình", khi sử dụng loại xe tăng lạc hậu này làm vũ khí đột kích, trong bối cảnh hỏa lực chống tăng của Nga quá mạnh.
Với loại xe tăng cũ như vậy, sẽ là hợp lý hơn, khi Quân đội Ukraine sử dụng chúng như một hỏa điểm hỗ trợ trong chiến đấu phòng ngự, giống như quân đội Nga sử dụng những chiếc T-62 hoặc T-54 (cùng đời với Leopard 1), như vậy hiệu quả sử dụng vũ khí sẽ cao hơn.