Lãnh đạo thế giới chúc mừng ông Biden nhậm chức tổng thống Mỹ
(Dân trí) - Lãnh đạo các nước đã gửi thông điệp tới ông Joe Biden trước khi ông chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 46 của Mỹ.
Trưa ngày 20/1, ông Biden sẽ chính thức trở thành tổng thống Mỹ và đảm nhận trọng trách chèo lái nước Mỹ vượt qua các thách thức trong nước như đại dịch Covid-19, suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, ông Biden cũng sẽ gánh vác những trọng trách trên trường quốc tế với cương vị là người điều hành nước Mỹ.
Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới đã chúc mừng ông Biden và cũng gửi gắm đến ông những thông điệp khác nhau như đề nghị hợp tác trong chương trình nghị sự đối ngoại hay kêu gọi ông đảo ngược chính sách của chính quyền tiền nhiệm.
Liên minh châu Âu EU
"Một lần nữa, sau 4 năm dài, châu Âu có một người bạn trong Nhà Trắng. 'Bình minh mới' ở nước Mỹ là khoảnh khắc mà chúng tôi đã chờ đợi từ rất lâu. Châu Âu đã sẵn sàng cho một khởi đầu mới với đối tác lâu đời nhất và đáng tin cậy nhất của chúng tôi ", Chủ tịch Ủy ban châu Âu EC Ursula von der Leyen phát biểu tại Nghị viện châu Âu ở Brussels, Bỉ.
Bà Von der Leyen cho biết lễ nhậm chức của ông Biden sẽ là "thông điệp hàn gắn cho một nước Mỹ chia rẽ sâu sắc và là thông điệp hy vọng cho một thế giới đang chờ đợi nước Mỹ quay trở lại nhóm các quốc gia có cùng chí hướng".
Ông Biden đã phát đi tín hiệu về một mối quan hệ nồng ấm hơn với EU so với nhiệm kỳ của ông Trump - người thường chỉ trích khối liên minh về vấn đề thương mại.
CNN tuần trước dẫn lời một quan chức ngoại giao cấp cao châu Âu cho hay: "Theo quan điểm của chúng tôi, ông Trump coi châu Âu như kẻ thù. Ảnh hưởng của chính sách "Nước Mỹ là trên hết" là việc Mỹ có ít bạn bè hơn ở châu Âu".
Anh
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông mong chờ một mối quan hệ thân thiết với chính quyền Biden.
"Trong cuộc chiến với Covid-19, biến đổi khí hậu, quốc phòng, an ninh và bảo vệ cũng như quảng bá nền dân chủ, mục tiêu của chúng ta là giống nhau và chúng ta sẽ cùng nhau đạt được điều đó", ông Johnson phát biểu hôm 19/1.
Ông Johnson cũng hoan nghênh ông Biden công du Anh và nhấn mạnh thông qua hợp tác quốc tế, hai nước có thể vượt qua những thách thức mà các bên phải đối mặt.
Trung Quốc
Vài giờ trước khi ông Biden nhậm chức, Bắc Kinh đã kỳ vọng rằng ông sẽ "nhìn nhận Trung Quốc một cách hợp lý và khách quan" để sửa chữa "những thiệt hại nghiêm trọng" trong quan hệ song phương. Tại cuộc họp báo hôm nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh kêu gọi chính quyền mới của ông Biden thúc đẩy đưa quan hệ giữa 2 nước "trở lại đúng hướng phát triển lành mạnh và ổn định càng sớm càng tốt".
Dưới thời ông Trump, căng thẳng Mỹ - Trung không ngừng leo thang do bất đồng trong hàng loạt vấn đề như Biển Đông, Đài Loan, Hong Kong, thương chiến, dịch Covid-19…
Tuy nhiên, các thành viên tương lai trong chính quyền của ông Biden trong những ngày qua đã phát đi tín hiệu rằng dù họ có thể có cách tiếp cận khác, nhưng vẫn duy trì quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh.
Iran
Tổng thống Iran Hassan Rouhani kêu gọi ông Biden đưa Mỹ trở lại hiệp ước hạt nhân năm 2015 và gỡ bỏ lệnh trừng phạt áp lên Iran, động thái có thể đảo ngược hoàn toàn chính sách của ông Trump.
"Bóng đang trong sân của Mỹ. Nếu Mỹ quay trở lại hiệp ước hạt nhân năm 2015, chúng tôi sẽ hoàn toàn tuân thủ những cam kết trong thỏa thuận", ông Rouhani phát biểu trong một cuộc họp nội các.
Về phần mình, ông Biden cũng bày tỏ mong muốn sẽ đưa Mỹ trở lại hiệp ước hạt nhân với Iran và đội ngũ của ông cho rằng Washington có thể sẽ đàm phán thêm về năng lực tên lửa đạn đạo của Tehran.