1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Kịch bản nào có thể xảy ra nếu T-90M đối đầu Leopard-2 tại Ukraine?

Ngọc Huy

(Dân trí) - Chiến trường Ukraine là nơi có khả năng cao nhất xảy ra đụng độ trực tiếp giữa dòng xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại bậc nhất thế giới là T-90M của Nga và Leopard-2 do Đức chế tạo.

Kịch bản nào có thể xảy ra nếu T-90M đối đầu Leopard-2 tại Ukraine? - 1

T-90M (phải) và Leopard-2 (Ảnh: Armadnizpravodaj).

Những kỷ lục của T-34 huyền thoại 

Thời kỳ đầu thế chiến thứ 2, Hồng Quân Liên Xô, khi đó còn bị động và lúng túng, đã choáng váng trước cuộc tấn công thần tốc Blitzkrieg của quân Đức.

Tuy nhiên, sau đó, mọi việc diễn ra không phải dễ dàng như cách người Đức nghĩ, họ đã phải sửng sốt trước T-34, một loại xe tăng mới toanh của Liên Xô. 

T-34 trở thành vũ khí gây khiếp hãi cho đối phương. Tướng Đức Heinz Guderian đã tỏ ra cay đắng khi nhìn thấy sự tổn thất nặng nề do T-34 gây ra, và nhận ra rằng cuộc chơi đã thay đổi, vũ khí mới của Liên Xô đã bỏ xa 2 loại xe Panzer III và Panzer IV mà người Đức rất kỳ vọng.

Tướng Guderian từng viết: "Cho đến thời điểm đó, chúng tôi từng vỗ ngực kiêu hãnh với ưu thế tăng của mình, giờ thì cục diện đã đảo ngược. Còn đâu những chiến thắng giòn giã, thần tốc nữa khi tất cả mờ dần".

Tướng Đức, Paul Ludwig von Kleist ca ngợi T-34 là "chiến xa lợi hại nhất thế giới" và đề xuất rằng nền Đệ tam nên sao chép nó thay vì tự chế tạo.

Viết về cuộc thất bại thảm hại của Đức quốc xã ở Moscow vào năm 1941, tướng Đức, Friedrich von Mellenthin, ngậm ngùi viết: "Chúng tôi hoàn toàn không có gì để so sánh nổi. Chúng (T-34) đã đóng vai trò to lớn trong việc cứu nguy thủ đô của nước Nga".

Để đáp ứng nhu cầu của quân đội, công ty Henschel & Son đã cho ra đời xe tăng hạng nặng Tiger II, hay còn gọi là "con cọp" với trọng lượng tới 68 tấn. Chúng được đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào năm 1944 và được kỳ vọng sẽ là át chủ bài thay đổi cuộc chơi, tuy nhiên chỉ phục vụ trong vòng 1 năm cho đến khi Thế chiến 2 kết thúc vào năm 1945.

Nhiều người cho rằng "con cọp" là bước phát triển tối ưu nhất của công nghệ xe tăng Đức nhưng nó lại xuất hiện quá muộn vì thế không thể giúp Berlin vượt qua cuộc chiến này.  

Ngay trong trận đánh lớn đầu tiên với xe tăng Liên Xô, Tiger II đã gặp thiệt hại nặng nề. Ở chiến dịch Lvov-Sandomierz, các đơn vị Hồng quân tiến quá nhanh, tự đưa mình vào thế bị chia cắt và buộc phải dừng lại để chờ tiếp viện. Lúc này Đức triển khai Tiểu đoàn tăng hạng nặng số 501 khét tiếng vào trận để chia cắt các lực lượng Hồng quân.

Đức có đến 45 chiếc Tiger II trong biên chế, nhưng chỉ 16 xe hoạt động được. Trên đường hành quân, đơn vị này bị T-34 phục kích bắn cháy 2 chiếc từ bên sườn. 14 xe còn lại đến được điểm tập kết và thiết lập phòng thủ.

Tháng 1/1945, vài tháng trước khi chiến tranh ở châu Âu kết thúc, một trận chiến "vô tiền khoáng hậu" và cũng là trận đấu cuối cùng mà Tiger II tham gia đã diễn ra ở gần làng Lisow, Ba Lan.

Tiểu đoàn tăng hạng nặng số 424 của Đức với 23 chiếc Tiger II cùng 29 chiếc Tiger I được yểm trợ bởi 13 xe Panther đọ sức với Lữ đoàn xe tăng Cận vệ số 61 của Liên Xô, đơn vị chỉ có 40 chiếc T-34.

Dù có được yếu tố bất ngờ nhưng quân Đức vẫn chịu tổn thất nặng, với 5 chiếc Tiger II, 7 chiếc Tiger I và 5 chiến xa Panther, trong khi phía Liên Xô chỉ mất có 4 xe T-34.

Ngày nay, cuộc xung đột ở Ukraine hiện tại chính là cơ hội tốt nhất để các loại vũ khí đông tây so tài trong thực chiến, đặc biệt là các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT).

Bỏ qua những lời quảng cáo hoa mỹ về cả 2 loại MBT hiện đại bậc nhất thế giới T-90M "cua thép", con cháu của T-34 và Leopard-2 "báo đốm", hậu duệ của những "con cọp", Ukraine chính là nơi có khả năng cao nhất xảy ra đụng độ trực tiếp giữa dòng MBT hiện đại bậc nhất của Nga và Đức.

Vậy nếu đối đầu, dòng MBT nào sẽ giành ưu thế và chiến thắng?

Kịch bản nào có thể xảy ra nếu T-90M đối đầu Leopard-2 tại Ukraine? - 2

T-90M Proryv của Nga (Ảnh: TASS).

Hỏa lực: "Báo đốm" lợi thế tầm gần, "Cua thép" hơn hẳn ở tầm xa

Hỏa lực tin cậy và hiệu quả của chiến xa Đức là điều không cần phải bàn cãi và phần nào đã được chứng minh qua con số khoảng hơn 3.000 xe được chế tạo, trong đó hơn 2.200 xe xuất khẩu ra khắp thế giới, trong đó chủ yếu là các quốc gia châu Âu.

Cùng với đó, công nghệ của Leopard-2 "Báo đốm", trong đó đặc biệt là pháo chính, hệ thống quan sát và động cơ còn được nhiều quốc gia mua bản quyền để lắp trên các sản phẩm nội địa như: M1 Abrams (Mỹ), K-2 Black Panther (Hàn Quốc) hay Altay (Thổ Nhĩ Kỳ),…

Pháo chính L/55 nòng trơn cỡ 120mm chuẩn NATO trên Leopard-2A6 thực sự là ác mộng đối với bất kỳ đối thủ nào. Với khả năng bắn đạn thanh xuyên có cánh định hướng dưới cỡ, mọi MBT trong phạm vi 2km điều có nguy cơ bị nó tiêu diệt.

Hệ thống quan sát quang - ngoại thế hệ thứ 3 với kính ngắm toàn cảnh của trưởng xe độc lập hoàn toàn với kính ngắm xạ thủ giúp chiến xa này có góc quan sát và khả năng "tìm - diệt" mạnh mẽ ở cự ly tới 8km.

Ở thực tế chiến trường, các kíp xe tăng Ukraine đánh giá cao tính năng kỹ - chiến thuật của hệ thống này. Trong các điều kiện tác chiến phù hợp, phạm vi tác xạ của Leopard-2A6 có thể đạt 4km, nhưng do đặc thù của đạn thanh xuyên giảm động năng rất nhanh ở khoảng cách xa, việc có thể tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến MBT đối phương ở khoảng cách này hay không thì rất khó trả lời.

Tuy nhiên, có một vấn đề đã được bộc lộ trên chiến trường Ukraine chính là việc hệ thống quan sát hồng ngoại của Leopard-2A6 khá dễ hỏng và khó sửa chữa, khiến khả năng tác chiến tổng thể của chúng suy giảm trong môi trường dã chiến.

Trong khi đó, T-90M Proryv "cua thép" được trang bị pháo nòng trơn cỡ 125mm 2A82-1M nâng cấp cũng như hệ thống quan sát và ngắm bắn có tính năng tương đương với các dòng MBT hiện đại của Mỹ và phương Tây.

Trong tác chiến, đặc biệt là đấu với đối thủ "báo đốm", "cua thép" giành lợi thế ở khả năng phóng tên lửa 9M119M Refleks (NATO định danh là AT-11 Sniper) qua pháo chính với tầm bắn hiệu dụng khoảng 4-6km. Với khả năng chọc thủng hơn 800mm thép sau giáp phản ứng nổ, AT-11 thực sự là vũ khí chính xác và nguy hiểm.

Trên chiến trường, T-90M có khả năng bắn trước và diệt mục tiêu trước khi đối thủ kịp tiến vào phạm vi bắn hiệu quả. Kể cả trường hợp Leopard-2A6 không bị tiêu diệt, sức ép và mảnh văng từ tên lửa cũng đủ để làm hư hại nòng pháo và cảm biến trên tháp pháo khiến giảm khả năng chiến đấu của nó.

Bên cạnh đó, với các loại đạn thanh xuyên 3BM59 Svinets-1 hoặc 3BM60 Svinets-2, T-90M cũng có đủ khả năng tấn công tốt ở phạm vi 2-4km.

Một điểm đáng chú ý khác là chiến xa Nga sử dụng hệ thống nạp đạn tự động. Yếu tố này không chỉ làm giảm số lượng kíp lái xuống còn 3 thành viên, mà còn đảm bảo tốc độ bắn của xe luôn đạt 6-8 viên/phút ở mọi điều kiện tác chiến.

Trong khi đó, tốc độ bắn của Leopard-2A6 phụ thuộc nhiều vào sức khỏe và trình độ của pháo thủ nạp đạn. Tốc độ bắn của "Báo đốm" chắc chắn sẽ giảm sau thời gian dài chiến đấu do vấn đề thể lực và điều kiện địa hình tác chiến.

Kịch bản nào có thể xảy ra nếu T-90M đối đầu Leopard-2 tại Ukraine? - 3

Leopard 2A6 của Ukraine triển khai ở tỉnh Zaporizhia hôm 15/6 (Ảnh: Spiegel).

Giáp bảo vệ: "Cua thép" vượt trội so với "Báo đốm"

Leopard-2A6 được trang bị hệ thống giáp composite tiên tiến thế hệ thứ 3 và gia cường hơn nữa với các mô-đun giáp bảo vệ trên tháp pháo dựa vào kinh nghiệm đối phó với súng phóng lựu và tên lửa hiện đại.

Ở một số biến thế, xe tăng Đức còn được trang bị hệ thống bảo vệ chủ động Rafael Trophy do Israel phát triển để nâng cao khả năng sống sót. Giáp composite kết hợp giữa các lớp vật liệu thép gia cường, gốm, polyme giúp nâng cao khả năng chống đạn xuyên vật lý và nổ lõm tốt hơn so với giáp thép truyền thống.

Tuy nhiên, thực tiễn chiến trường Ukraine cho thấy Leopard-2A6 vẫn dễ bị tổn thương trước hỏa lực chống tăng của Nga. Và điều này sẽ càng nghiêm trọng hơn khi T-90M có tầm bắn xa hơn đáng kể.

Đồng thời, chiến xa Nga sở hữu "kho phòng thủ" đáng kể với 3 lớp giáp bảo vệ, gồm giáp composite, giáp phản ứng nổ Relikt và hệ thống đối kháng mềm Shtora-M cùng tổ hợp phòng thủ chủ động Arena-M.

Hiệu quả của hệ thống bảo vệ này đã được minh chứng trên chiến trường với số lượng T-90M thiệt hại rất thấp, đặc biệt là ở môi trường tác chiến mà vũ khí chống tăng "đông như quân Nguyên" ở Ukraine.

Khi so sánh hiệu quả bảo vệ, T-90M có thể tương đồng với phiên bản nâng cấp toàn diện Leopard-2A7 mới được hãng chế tạo Reinmetall giới thiệu vài năm gần đây.

Khả năng cơ động: To không đồng nghĩa với chậm chạp

Dù nặng hơn 62 tấn, nhưng nhờ động cơ MTU 1.500 mã lực mạnh mẽ, tin cậy và ổn định giống như danh tiếng của cơ khí chính xác Đức, kết hợp hộp số tự động và hệ thống treo tin cậy, Leopard-2A6 có thể đạt tốc độ cực đại tới 68km/h và dự trữ hành trình theo nhiên liệu khoảng 480km.

Trên thế giới, động cơ xe tăng của Đức vẫn là hình mẫu cho nhiều dòng MBT hiện đại học theo.

Về phía Nga, T-90M nặng khoảng 52-54 tấn, nhẹ hơn đáng kể so với đối thủ đến từ nước Đức. "Cua thép" được trang bị động cơ V-92S2F 1.130 mã lực kết hợp với hộp số tự động giúp nó đạt vận tốc tối đa 65km/h và dự trữ hành trình theo nhiên liệu khoảng 550km.

Tuy nhiên, nhờ tư duy phát triển xe tăng có trọng tâm thấp, cấu hình nhỏ gọn, giúp T-90M có khả năng linh hoạt cao và khó bị phát hiện hơn so với "Báo đốm" cồng kềnh của Đức.

Một trong những yếu tố quan trọng khác trong bất kỳ trận chiến nào đó chính là yếu tố con người. Một kíp điều khiển giỏi, kinh nghiệm và hiểu phương tiện chiến đấu của mình có thể khai thác tối đa, thậm chí là vượt tính năng của khí tài trong tác chiến. Khi đó, những thông số kỹ thuật khô khan chỉ đơn giản là những con số trên giấy.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine