1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Khủng hoảng Sri Lanka leo thang khi Thủ tướng tranh cử tổng thống

Thanh Thành

(Dân trí) - Người biểu tình tức giận khi Thủ tướng và hiện là Tổng thống tạm quyền Ranil Wickremesinghe, nhân vật thân cận với cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, ra tranh cử để lên nắm quyền lãnh đạo đất nước.

Khủng hoảng Sri Lanka leo thang khi Thủ tướng tranh cử tổng thống - 1

Thủ tướng và tổng thống tạm quyền Ranil Wickremesinghe (Ảnh: Reuters).

Cuộc khủng hoảng chính trị của Sri Lanka lại tiếp tục leo thang trong tuần này, sau khi đảng Nhân dân Sri Lanka (SLPP) cầm quyền quyết định đề cử Thủ tướng Ranil Wickremesinghe làm ứng cử viên tổng thống.

Sau quyết định từ chức của vị Tổng thống quyền lực Gotabaya Rajapaksa, chiến dịch tranh cử tìm nhân vật thay thế đã bắt đầu vào đúng thời điểm đất nước đang đối mặt với một số biến động kinh tế và chính trị tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập.

Tuy nhiên, đối với nhiều người trong phong trào biểu tình, việc lật đổ Tổng thống Rajapaksa chỉ là bước đầu tiên để cách mạng hóa chính trị ở Sri Lanka. Sau khi đơn từ chức của ông Rajapaksa được công bố, một trở ngại khác đối với việc ban hành sự thay đổi dường như ngay lập tức xuất hiện.

Theo quy định của hiến pháp Sri Lanka, Thủ tướng Wickremesinghe đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời hôm 15/7. Cùng ngày, đảng Mặt trận Nhân dân Sri Lanka (SLPP) cầm quyền đề cử ông là ứng viên tổng thống trong cuộc bầu cử sắp tới.

Với việc SLPP đang là đảng phái nắm giữ nhiều ghế nhất trong quốc hội Sri Lanka, ông Wickremesinghe được cho có khả năng cao trở thành tổng thống mới, làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ hơn nữa của những người biểu tình.

Nguyên nhân là vì ông Wickremesinghe, người đã 5 lần ở cương vị thủ tướng, bị cáo buộc bảo vệ và nâng đỡ triều đại gia đình Rajapaksa trong nhiều năm, che chở họ khỏi các cáo buộc tham nhũng và tạo điều kiện cho họ trở lại nắm quyền.

Quyết định đồng ý trở thành thủ tướng cách đây 2 tháng của ông được nhiều người coi là lý do giúp Tổng thống Rajapaksa nắm quyền lâu hơn nhiều tuần so với những gì ông có thể làm.

Sự thất vọng của người dân đối với Thủ tướng Wickremesinghe đã lên đến đỉnh điểm thể hiện rõ từ việc thiêu rụi tư dinh của ông cho đến việc xông vào phá nát các văn phòng của vị lãnh đạo này vào hôm 13/7.

Khủng hoảng Sri Lanka leo thang khi Thủ tướng tranh cử tổng thống - 2

Người biểu tình đột nhập vào dinh thự của Tổng thống Sri Lanka tại thủ đô Colombo hôm 10/7 (Ảnh: Reuters).

Các ứng viên tổng thống

Bất chấp thông điệp rõ ràng từ những người biểu tình, ông Wickremesinghe đã tuyên bố sẽ ứng cử tổng thống. Ông sẽ là ứng viên cho đảng cầm quyền SLPP, đảng vẫn có số ghế lớn nhất trong quốc hội.

Tuy nhiên, ngay chính trong nội bộ đảng, Thủ tướng Wickremesinghe thậm chí phải đối mặt với một số ý kiến phản đối gay gắt. Chủ tịch đảng này đã gửi một bức thư tới tổng thư ký đảng để bày tỏ sự "bất ngờ và hoàn toàn không tin tưởng" khi đảng này ủng hộ ông Wickremesinghe trở thành tổng thống mới.

"Ông Wickremesinghe nên từ chức vì ông ấy bảo vệ hệ thống này và từng làm thủ tướng 5 lần trước đó", linh mục Jeevantha Peiris, một lãnh đạo biểu tình, tuyên bố. "Là các công dân, chúng tôi không chấp nhận ông ấy, chúng tôi không cần một lãnh đạo tham nhũng khác. Chúng tôi muốn thay đổi cả hệ thống".

Nhiều người đang sống trong trại biểu tình chống chính phủ ở khu Galle Face trung tâm Colombo bày tỏ lo lắng. Từ ngày 15/7, người biểu tình đã đổi khẩu hiệu từ "Gota Go Gama" (Gota ra đi) đã được đổi thành "Ranil Go Gama" (Ranil ra đi).

Nhiều người biểu tình lo lắng về ngôn từ mà ông đWickremesinghe đã sử dụng để mô tả những người biểu tình trong những ngày gần đây khi gọi họ là "những kẻ phát xít" và "những kẻ cực đoan".

"Ý tưởng về việc Ranil trở thành người thay thế Gota, với tất cả quyền lực đang nắm giữ, không phải là sự thay đổi mà chúng tôi đang yêu cầu và là một khái niệm rất đáng sợ trong tương lai", Seveviratne, 21 tuổi, nói. "Chúng tôi lo ngại rằng cách ông ấy đàn áp phong trào có thể tồi tệ hơn những gì Gota đã làm".

Một người biểu tình khác tên Maneth, 25 tuổi, tuyên bố mọi người đã không đấu tranh trong suốt những tháng qua để ông Ranil trở thành tổng thống. "Ông ấy không phải sự thay đổi. Ông đã là thủ tướng hoặc lãnh đạo phe đối lập từ khi chúng tôi còn nhỏ. Chúng tôi không có niềm tin vào Ranil".

Ông Wickremesinghe sẽ đối đầu với một số ứng cử viên tổng thống khác trong cuộc bỏ phiếu kín của tổng thống vào tuần tới, bao gồm cả lãnh đạo của phe đối lập Samagi Jana Balawegaya (SJB), Sajith Premadasa, người đã cam kết đảm bảo rằng "một chế độ độc tài tự chọn không bao giờ xảy ra" và sẽ truy đuổi đến cùng những nhà lãnh đạo đã "cướp bóc đất nước".

Ngoài ra, còn có một chính trị gia nổi bật khác trong đảng SLPP là ông Dullas Alahapperuma. Cựu chỉ huy quân đội Sarath Fonseka cũng đã nói về kế hoạch ra tranh cử.

Theo Guardian