1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Không được xét nghiệm, y tá Mỹ thành nguồn lây Covid-19 tiềm ẩn

(Dân trí) - Các y tá Mỹ có thể trở thành nguồn lây virus nguy hiểm khi không được xét nghiệm đầy đủ và kịp thời tại các bệnh viện nơi họ làm việc.

Không được xét nghiệm, y tá Mỹ thành nguồn lây Covid-19 tiềm ẩn - 1

Y tá làm việc tại một bệnh viện ở Leonardtown, Maryland, Mỹ. (Ảnh: AFP)

Tại thành phố New York, một y tá tại phòng chăm sóc tích cực vẫn điều trị cho các bệnh nhân suốt 3 ngày sau khi cô bắt đầu xuất hiện các triệu chứng mắc Covid-19. Tuy nhiên, y tá này vẫn không được bệnh viện nơi cô làm việc tiến hành xét nghiệm.

Tại Georgia, một y tá cũng bị từ chối xét nghiệm sau khi cô điều trị cho một bệnh nhân mắc Covid-19 đã qua đời.

Tại Michigan, một trong số ít những nơi có hệ thống bệnh viện xét nghiệm hàng loạt cho nhân viên y tế, hơn 700 nhân viên y tế bị phát hiện mắc Covid-19, chiếm 25% trong số những người được xét nghiệm.

Theo các cuộc phỏng vấn của Reuters với 13 y tá và 2 bác sĩ từng đề cập tới vấn đề xét nghiệm hạn chế tại các bệnh viện của họ, hơn 1 tháng sau khi đại dịch Covid-19 càn quét nước Mỹ, tình trạng không xét nghiệm đầy đủ đồng nghĩa với việc các nhân viên y tế, những người điều trị cho bệnh nhân khi bản thân họ đang xuất hiện các triệu chứng nhẹ, đều có nguy cơ bị nhiễm virus.

Các quan chức bệnh viện và nhân viên y tế làm việc tại tuyến đầu chống dịch cho biết, nhiều trung tâm y tế chỉ xét nghiệm cho các nhân viên khi họ đã xuất hiện các triệu chứng nguy cấp nhất. Kết quả là, các bác sĩ và y tá có nguy cơ lây bệnh cho chính bệnh nhân, đồng nghiệp và gia đình họ ngay cả khi họ không biết mình đang mang virus trong người.

Một y tá tại bệnh viện Mount Sinai ở New York cho biết các dấu hiệu như buồn nôn hay sốt nhẹ vẫn chưa đủ điều kiện để cô được xét nghiệm vào cuối tháng 3. Y tá này vẫn tiếp tục làm việc vì mức độ sốt của cô (37,9 độ) vẫn thấp hơn ngưỡng quy định của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ để cho phép các nhân viên y tế nghỉ tại nhà.

Tuy nhiên thực tế là cô đã nhiễm virus, và nữ y tá chỉ được xác nhận điều này sau khi cô tự đi xét nghiệm tại một phòng khám tư.

“Tôi biết là có điều gì đó không ổn, nhưng tôi không thực sự nghĩ là mình bị nhiễm virus”, y tá Mỹ cho biết.

Theo CNN, New York là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 tại Mỹ. Tính đến sáng 8/4, thành phố này đã ghi nhận 3.600 ca tử vong và 78.000 ca nhiễm. Trên cả nước Mỹ, số ca nhiễm đã vượt 400.000 người, trong khi số ca tử vong lên tới gần 13.000 người.

Mối đe dọa tiềm ẩn

Không được xét nghiệm, y tá Mỹ thành nguồn lây Covid-19 tiềm ẩn - 2

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm của một tài xế tại khu vực xét nghiệm nhanh ở bắc Miami, Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Tiến sĩ Art Caplan, giáo sư tại Trường Y Đại học New York, cho rằng việc không xét nghiệm đầy đủ cho các nhân viên y tế, ngay cả với những trường hợp có nguy cơ cao nhất, là một “bê bối” và là mối đe dọa nghiêm trọng đối với chính các bệnh nhân được họ điều trị.

Cuộc khảo sát do Văn phòng Tổng thanh tra Bộ Y tế và Dịch vụ Con người thực hiện đối với 323 bệnh viện và công bố ngày 6/4 cho thấy, việc thiếu nguồn lực khiến các bệnh viện này không đủ khả năng xét nghiệm hiệu quả cho các nhân viên và bệnh nhân của họ. Nhiều người phải chờ tới hơn 7 ngày mới nhận được kết quả do các mẫu xét nghiệm phải chuyển ra các phòng thí nghiệm bên ngoài.

Hồi tháng 3, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép các bang tự phê chuẩn các bộ xét nghiệm ở bang mình để tránh tình trạng bị trì hoãn quy trình xét nghiệm ở cấp liên bang. FDA cũng đã phê chuẩn bộ xét nghiệm chẩn đoán nhanh Covid-19 do công ty Cepheid sản xuất. Công ty này nói rằng bộ xét nghiệm có thể cho kết quả trong vòng 45 phút mà không cần phải gửi mẫu tới các phòng thí nghiệm bên ngoài.

Mặc dù một số bệnh viện đã thông báo kế hoạch xét nghiệm thêm các nhân viên y tế trong những ngày gần đây, song sự thiếu nhất quán giữa các bang đã dẫn đến tình trạng chắp vá về quá trình xét nghiệm dựa trên các nguồn lực sẵn có.

NYC Health + Hospitals, hệ thống vận hành 11 bệnh viện công tại New York, tuần trước thông báo có đủ nguồn lực để tiến hành xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên y tế, dù có triệu chứng hay không, cho tới ngày 22/4.

Trong khi đó, tại Georgia, cơ quan y tế của bang cho biết chỉ ưu tiên xét nghiệm cho các nhân viên y tế làm việc tại các khu vực xét nghiệm nhanh dành cho tài xế.

Theo khuyến cáo của CDC, các cơ sở y tế nên ưu tiên sử dụng các bộ xét nghiệm hạn chế của mình cho các bệnh nhân phải nhập viện và các nhân viên y tế có triệu chứng mắc Covid-19, đặc biệt là những người có triệu chứng sốt, ho, khó thở. Tất cả các nhân viên y tế khác có thể được xét nghiệm “nếu nguồn lực cho phép”.

Xét nghiệm nhanh

Tại Michigan, bang đi đầu trong việc thiết lập các chương trình xét nghiệm nhanh, hơn 700 trong tổng số 2.500 nhân viên y tế được xét nghiệm thuộc hệ thống bệnh viện Henry Ford Health đã có kết quả dương tính với Covid-19 kể từ ngày 12/3.

Mặc dù số người bị nhiễm chỉ chiếm 2% trong tổng số nhân viên y tế của hệ thống, song tỷ lệ ca dương tính cao trong đợt xét nghiệm đầu là dấu hiệu cho thấy sẽ có thêm nhiều ca nhiễm được phát hiện nếu quá trình xét nghiệm tiếp tục được tiến hành.

Cho đến khi các bộ xét nghiệm nhanh được sử dụng rộng rãi, các bệnh viện vẫn phải đối mặt với tình huống tiến thoái lưỡng nan: Liệu các bệnh viện có cần xét nghiệm các nhân viên y tế mới xuất hiện triệu chứng nhẹ và cho phép họ ở nhà trong nhiều ngày cho tới khi nhận kết quả hay không? Hay các bệnh viện vẫn để các nhân viên y tế, những người mới xuất hiện triệu chứng nhẹ, tiếp tục làm việc vì bệnh viện rất cần họ để thamg ia điều trị cho số lượng lớn bệnh nhân?

Việc xét nghiệm nhanh cho tất cả nhân viên y tế có thể khiến nguồn nhân lực tại bệnh viện bị giảm đi, nếu có người bị phát hiện nhiễm bệnh. Tuy nhiên điều cần thiết là vẫn phải bảo vệ các đồng nghiệp, bệnh nhân và các thành viên trong gia đình của những nhân viên đó.

“Thật đáng sợ khi về nhà mà không biết mình có mang theo mầm bệnh về cho gia đình hay không”, Sydnie Boylan, y tá ở Trung tâm y tế Hollywood Presbyterian ở Los Ageles, cho biết.

Boylan vẫn đi làm từ cuối tháng 3 ngay cả khi cô đã xuất hiện các triệu chứng như đau đầu và đau họng nhưng không sốt, sau khi tiếp xúc với một bệnh nhân mắc Covid-19 mà không mặc đù đồ bảo hộ đầy đủ. Những triệu chứng này chưa đủ để Boylan được làm xét nghiệm tại bệnh viện nơi cô làm việc. Bệnh viện chỉ nói hướng dẫn cô tự cách ly tại nhà 14 ngày vì đã tiếp xúc với bệnh nhân.

 

Thành Đạt

Tổng hợp