(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng Nước Mỹ có gần 2 tháng để chuẩn bị cho đại dịch Covid-19 kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh tại Trung Quốc, nhưng giới chức đã lãng phí "thời gian vàng" này.
Hãng tin AP nhận định, sau khi những tiếng chuông đầu tiên được gióng lên hồi đầu tháng 1 rằng một sự bùng phát của dịch Covid-19 tại Trung Quốc có thể làm gây ra một đại dịch toàn cầu, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã lãng phí gần 2 tháng mà đáng nhẽ ra có thể tận dụng để củng cố kho dự trữ liên bang về các trang thiết bị y tế thiết yếu.
Một xem xét về các hợp đồng mua bán liên bang cho thấy các cơ quan liên bang Mỹ phần lớn đã chờ đợi tới giữa tháng 3 mới bắt đầu đặt hàng các khẩu trang N95, máy thở và các thiết bị khác mà lực lượng y tế ở tuyến đầu chống dịch rất cần.
Đến khi đó, các bệnh viện tại một số bang đã và đang điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân mắc Covi-19 mà không có đủ trang thiết bị phù hợp và đang khẩn thiết kêu gọi được tiếp viện từ Kho dự trữ Chiến lược Quốc gia. Kho này được thiết lập hơn 20 năm trước để trợ giúp thu hẹp khoảng cách về các kho cung ứng y tế và dược phẩm trong trường hợp khủng cấp quốc gia.
Lãng phí suốt 2 tháng
Giờ đây, khi cuộc khủng hoảng đã kéo dài 3 tháng, kho dự trữ đó đang gần cạn kiệt trong bối cảnh số bệnh nhân cần chăm sóc tích cực ngày càng tăng lên. Một số quan chức bang và địa phương đã báo cáo về việc nhận được những máy thở và khẩu trang bị hỏng, được sản xuất từ nhiều năm trước.
“Chúng ta đã lãng phí 2 tháng”, Kathleen Sebelius, Bộ trưởng Y tế thời chính quyền Obama, nói với AP.
Ngay từ giữa tháng 1, các quan chức Mỹ đã nhìn thấy các bệnh viện ở Hồ Bắc, Trung Quốc bị quá tải bệnh nhân mắc Covid-19, nhiều người phải phụ thuộc vào các máy thở. Ngay sau đó là Italia, khi các bệnh viện vật lộn tìm kiếm các bác sĩ, giường bệnh và trang thiết bị.
Bộ Y tế Mỹ không phản hồi các câu hỏi vì sao giới chức liên bang phải chờ đợi để đặt hàng các vật tư y tế cho tới khi các kho dự trữ còn rất ít. Nhưng Tổng thống Donald Trump khẳng định rằng chính quyền liên bang nên đóng vai trò đi sau các bang trong việc chiến đấu với đại dịch.
Khi một phóng viên của hãng tin AP cố gắng đặt câu hỏi cho Tổng thống Trump về vấn đề này trong cuộc họp báo hôm 5/4, ông đã cắt ngang câu hỏi: “Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA), quân đội, những gì họ làm là một kỳ tích”, ông Trump nói với vẻ giận dữ. “Những gì họ đã làm là một kỳ kích để có được tất cả những thứ này. Điều họ đã làm cho các bang là phi thường”. Ông Trump sau đó kết thúc cuộc họp báo và rời bục phát biểu.
Các bang phải tự chủ động
Tổng thống Trump và các quan chức chính quyền đã hối thúc các chính quyền địa phương và liên bang, các bệnh viện tự mua khẩu trang và máy thở. Họ nói rằng, các đề nghị đối với kho dự trữ quốc gia đang sụt giảm nên là biện pháp cuối cùng.
“Khái niệm về kho dự trữ liên bang là nó nên được coi là kho dự trữ. Không phải các kho dự trữ liên bang là họ có thể sử dụng”, Jared Kushner, con rể và cũng là cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump, nói trong một cuộc họp báo tuần trước.
Các chuyên gia về đối phó với chuẩn bị các tình huống khẩn cấp đã không đồng tình với các tuyên bố như vậy. Họ nói rằng chính phủ liên bang phải đi đầu trong việc đảm bảo rằng nguồn cung trang thiết bị y tế phải sẵn có và được phân phát khi cần nhất.
“Các bang không có khả năng mua, không có khả năng chịu thâm hụt ngân sách giống chính phủ liên bang. Họ cũng không có khả năng về hậu cần giống chính phủ liên bang”, cựu Bộ trưởng Y tế Sebelius, người cũng từng là thống đốc bang Kansas, nói.
Do sự phản ứng rời rạc của chính quyền liên bang với đại dịch Covid-19, các thống đốc bang cho biết giờ đây họ phải cạnh tranh với chính các cơ quan liên bang và các bang khác để mua trang thiết bị y tế vốn đang khan hiếm, khiến giá cả leo thang.
“Giờ đây bạn sẽ gặp một công ty gọi điện và nói: “Ồ, California vừa mới trả giá cao hơn ban”, Thống đốc New York Andrew Cuomo nói hồi tuần trước. “Giống như thể đang ở trang mua bán eBay cùng 50 bang khác để đấu giá một máy thở”.
Trong gần 1 tháng, Tổng thống Trump đã từ chối các lời kêu gọi của Thống đốc Cuomo và những người khác nhằm sử dụng Luật sản xuất quốc phòng (DPA) để yêu cầu các công ty gia tăng sản xuất máy thở và trang thiết bị y tế cá nhân. Ông cho rằng ngành sản xuất tư nhân cần phải tự hành động.
Hơn 3 tháng sau khi Trung Quốc tiết lộ các ca Covid-19 đầu tiên, cuối cùng hồi tuần trước ông Trump đã phải đồng ý với kêu gọi trên, cho biết rằng ông sẽ yêu cầu các công ty tăng cường sản xuất trang thiết bị thiết yếu. Nhưng khi đó, các ca mắc Covid-19 Mỹ đã lên cao nhất thế giới. Giờ đây, tổng số người mắc Covid-19 tại Mỹ đã vượt 312.000 và hơn 8.500 người tử vong.
Bản thân chính Tổng thống Trump hồi tháng 1 và 2 còn cố gắng giảm nhẹ mối đe dọa từ đại dịch. Ông gọi các cảnh báo về đại dịch lan tới Mỹ là một trò lừa của đảng Dân chủ và truyền thông. Khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu vào ngày 30/1, ông Trump vẫn trấn an người Mỹ rằng virus đã “được kiểm soát rất tốt” và ông đã dự đoán là “một cái kết rất đẹp”.
Chính quyền của ông Trump cũng tự tin tới nỗi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 7/2 thông báo rằng chính quyền đã vận chuyển gần 18 triệu khẩu trang, đồ bảo hộ và các trang thiết bị y tế tài trợ cho Trung Quốc.
Đến ngày 24/2, Nhà Trắng đã gửi quốc hội một đề xuất ban đầu trị giá 2,5 tỷ USD để ứng phó với Covid-19. Ngày tiếp đó, các quan chức y tế liên bang tại Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) cảnh báo rằng virus đang lây lan nhanh trên khắp nước Mỹ, rằng các gián đoạn với đời sống thường ngày của người dân sẽ rất nghiêm trọng, trong đó có việc đóng cửa các trường học và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Alex Azar hôm 27/2 vẫn nói với các nghị sĩ rằng “mối đe dọa tức thì của Covid-19 đối với công chúng Mỹ vẫn ở mức thấp”.
Trong các tuần đầu quan trọng khi Mỹ có thể theo dõi sự lây lan của Covid-19 và ngăn chặn nó, hầu như không ai được xét nghiệm sau một loạt các quy định của liên bang, dẫn tới sự thiếu hụt về cả năng lực xét nghiệm và thiết bị xét nghiệm.
Khi không có các số liệu cho thấy virus lây lan nhanh thế nào, chính phủ liên bang và các chính quyền bang đã không có sự chuẩn bị.
Nhận ra thì đã muộn
Đến giữa tháng 3, các bệnh viện tại New York, Seattle và New Orleans đã thông báo số lượng bệnh nhân tăng đột biến. Các bác sĩ và y tá đã lên mạng xã hội để cảnh báo về việc thiếu trầm trọng trang thiết bị y tế, trong đó có khẩu trang và đổ bảo hộ.
Ông Trump đã cáo buộc một số thống đốc đảng Dân chủ phóng đại nhu cầu và thậm chí gọi những người đã chỉ trích chính quyền liên bang là hay phàn nàn.
Ở đầu cuộc khủng hoảng, một phát ngôn viên Bộ Y tế cho hay kho dự trữ liên bang có khoảng 13 triệu khẩu trang N95. Điều đó chỉ bằng một phần nhỏ so với con số các bệnh viện cần để bảo vệ các đội ngũ y bác sĩ, những người thường phải thay khẩu trang mỗi khi khám cho một bệnh nhân mới, nhưng giờ đây họ phải sử dụng 1 chiếc trong nhiều ngày.
Trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 26/3, ông Trump nói rằng ông thừa kế “kho trống rỗng” từ chính quyền Obama, nhưng nói thêm rằng “chúng tôi đã nạp đầy chúng và nạp đầy rất nhanh”. Tuy nhiên, AP cho biết, các hồ sơ mua sắm liên bang cho thấy chính quyền Trump đã trì hoãn đặt những lô hàng lớn bổ sung các trang thiết bị y tế cho tới khi virus đã “bén rễ” và đang lây lan.
Ban đầu, Bộ Y tế Mỹ công bố ý định mua 500 triệu khẩu trang N95 vào ngày 4/3, và có kế hoạch phân phát chúng trong 18 tháng tới. Một ngày sau đó, quốc hội thông qua ngân sách chi tiêu 8,3 tỷ USD để chống Covid-19, gấp 3 lần ngân sách mà Nhà Trắng đề nghị ban đầu.
Tám ngày sau đó, tức là vào ngày 13/3, ông Trump đã tuyên bố dịch Covid-19 là tình trạng khẩn cấp quốc gia, gần sau 6 tuần sau hành động tương tự của WHO. Khi đó, Mỹ đã có 1.700 ca nhiễm Covi-19 trên cả nước.
Chính phủ đã gửi hàng nghìn khẩu trang, găng tay và quần áo bảo hộ từ kho dự trữ liên bang tới bang Washington, bang đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Nhưng giới chức bang này ngay lúc đó đã nói rằng số đó là không đủ.
Các hồ sơ hợp đồng liên bang cho thấy Bộ Y tế ngày 12/3 đã đặt hàng 4,8 triệu USD khẩu trang N95 đầu tiên từ 3M, hãng sản xuất khẩu trang lớn nhất tại Mỹ, vốn đã tăng cường sản xuất nhiều tuần trước đây nhằm đối phó với đại dịch. Sau đó, Bộ Y tế tiếp tục đặt hàng lô khẩu trang lớn hơn trị giá 173 triệu USD vào ngày 21/3, nhưng các hợp đồng này không yêu cầu 3M phải bắt đầu giao hàng cho kho dự trữ quốc gia vào cuối tháng 4. Đó là sau khi Nhà Trắng dự đoán đại dịch sẽ đạt đỉnh.
Ngoài khiếu khẩu trang N95, các chuyên gia giờ đây cũng lo ngại Mỹ sẽ sớm thiếu trầm trọng máy thở, vốn có giá lên tới 12.000 USD mỗi chiếc.
Nhà Trắng hồi tuần trước cho biết đã phân phát gần một nửa số máy thở trong kho dự trữ, vốn có 16.660 chiếc vào đầu tháng 3, một số được mua hậu vụ khủng bố 11/9/2001. Và 2.425 chiếc khác đã được đưa đi bảo dưỡng.
Thống đốc Cuomo cho biết New York cần tới 40.000 máy thở để đối phó với đại dịch, vốn đã khiến các bệnh viện ở bang này bị quá tải.
Suốt tháng 3, các thống đốc và thị trưởng các thành phố lớn đã hối thúc Tổng thống sử dụng quyền theo Luật sản xuất quốc phòng để chỉ đạo các công ty tư nhân tăng cường sản xuất máy thở. Điều này đã không diễn ra cho tới tận tuần trước, khi ông Trump nói ông sẽ yêu cầu hãng General Motors chế tạo các may thở - công việc mà công ty này thông báo đã và đang diễn ra.
Tổng thống Trump, người đã cam kết vào ngày 27/3 rằng chính quyền của ông có thể đảm bảo việc chế tạo bổ sung 100.000 máy thở trong 100 ngày, hôm 2/4 cho hay ông sẽ dùng Luật sản xuất quốc phòng để yêu cầu hãng Respironics và các hãng chế tạo máy thở khác tăng cường sản xuất.
Không rõ là liệu lệnh của Tổng thống Trump có dẫn tới 100.000 máy thở như ông hứa hay không. Trong một cuộc họp của Ủy ban cải cách và giám sát Hạ viện hồi tuần trước, các quan chức của Cơ quan quản lý khẩn cấp liên bang cho rằng 100.000 máy thở chỉ có sớm nhất là vào cuối tháng 6.
Tuy nhiên, Thống đốc Cuomo hôm 3/4 dự đoán rằng New York sẽ hết máy thở chỉ trong ít ngày nữa. Trong bối cảnh số ca tử vong vì Covid-19 tại bang nhà không ngừng tăng, ông Cuomo đã cam kết sử dụng thẩm quyền của mình để có được các máy thở, khẩu trang và đồ bảo hộ từ các bệnh viện mà không sử dụng đến chúng.
Trong khi đó, giới chức y tế liên bang đang hạ bớt các tiêu chuẩn.
Hướng dẫn mới từ Cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc (FDA) của Mỹ cho phép các bệnh viện sử dụng các máy thở khẩn cấp thường được dùng trong các xe cứu thương và máy gây mê thay cho các máy thở chuẩn. FDA cũng cho biết, biện pháp cuối cùng là máy thở CPAP - được sử dụng để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ và ngáy - cũng có thể được sử dụng để giữ cho bệnh nhân Covid-19.
Hồi tháng trước, CDC đã khuyên các nhân viên y tế sử dụng các khẩu trang tự chế hoặc khăn nếu thiếu bộ đồ bảo hộ phù hợp. Trên khắp nước Mỹ, các bệnh viện đã khẩn thiết kêu gọi các tình nguyện viên biết may khẩu trang để trợ giúp.
Tổng thống Trump đưa ra ý tưởng riêng, rằng người Mỹ không có khẩu trang chuẩn có thể dùng khăn để che mặt.
“Các chuyên gia khuyên dùng khăn”, ông Trump nói trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 1/4. “Và tôi nghĩ, theo cách nào đó, phụ thuộc vào loại vải, một chiếc khăn sẽ tốt hơn. Thực sự là như vậy”.
An Bình
Theo AP