“Không bên nào được lợi nếu căng thẳng leo thang trên biển Đông”
(Dân trí) - Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan kêu gọi các bên đang có tranh chấp chủ quyền trên biển Đông tìm kiếm các biện pháp phi quân sự để giải quyết xung đột.
Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Ngân sách Singapore hôm nay 7/4, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nói rằng: “Chúng tôi yêu cầu các bên cam kết thực thi các biện pháp phi quân sự, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.
“Tất cả chúng ta đều không được lợi nếu căng thẳng leo thang. Do vậy, điều quan trọng cần làm bây giờ là duy trì các cuộc đối thoại mở về những vấn đề các bên cùng quan tâm, không để những mâu thuẫn làm ảnh hưởng tới quan hệ toàn diện giữa Trung Quốc và ASEAN”, ông Balakrishnan nói thêm.
Ông cũng khẳng định lập trường quan điểm của Singapore rằng, ASEAN và Trung Quốc nên tiếp tục cam kết “thực thi đầy đủ và có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), cũng như sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử (COC)”.
Ông Balakrishnan cho biết, theo cam kết DOC, quá trình lập đường dây nóng giữa các Bộ Ngoại giao ASEAN với Bộ Ngoại giao Trung Quốc để xử lý các tình huống khẩn cấp trên biển đã bắt đầu.
“Chúng tôi (Singapore) cũng nhất trí theo đuổi việc gia hạn thực thi quy tắc hành xử cho những tình huống bất ngờ trên biển (CUES) và hy vọng rằng các quy tắc đó cũng sẽ được mở rộng áp dụng với tàu hải quân, tàu hải cảnh của tất cả các bên”, ông Balakrishnan nói.
Theo ông Balakrishnan, “điều này sẽ phát đi một tín hiệu tích cực về cam kết chung của các bên trong việc ngăn chặn những tổn thất về người và của, đồng thời bảo đảm hòa bình và ổn định trên biển Đông”.
Ngoại trưởng Singapore cũng thông tin về những diễn biến mới nhất liên quan đến các cuộc thảo luận về COC.
“Chúng tôi đã đi đến thống nhất về "Danh sách các yếu tố cần có để xây dựng Đề cương COC" và đang thảo luận về ‘Danh sách các vấn đề phức tạp và cốt lõi’ trong việc soạn thảo COC”.
Theo Ngoại trưởng Balakrishnan, bản đề xuất “Không bên nào được sử dụng vũ lực trước” do Việt Nam đưa ra vẫn chưa đạt được tiến triển nào trong quá trình thảo luận, nhưng Singapore hoàn toàn ủng hộ ý tưởng này của Việt Nam.
“Trong khi đó, Trung Quốc đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, trong đó cam kết tất cả các bên kiềm chế không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”, ông Balakrishnan nói.
Trung Quốc khẳng định chủ quyền phi lý đối với hầu hết các khu vực trên biển Đông, chồng lấn lên các vùng biển của Brunei, Malaysia, Việt Nam, Philippines. Bắc Kinh đã cho xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên biển Đông vài tháng gần đây và khẳng định chủ quyền lãnh thổ tại các khu vực đó. Ngày 6/4 vừa qua, Trung Quốc đã đưa vào hoạt động ngọn hải đăng cao 55 mét trên đảo Xubi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình hôm nay khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động nêu trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, là bất hợp pháp và vô giá trị.
Thành Đạt
Theo CNA